Nổi Mề Đay

Nổi mề đay là một dạng dị ứng đặc trưng với tình trạng phản ứng của các mao mạch bên dưới da và gây ngứa ngáy, khó chịu làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cũng như nhiều phiền phức trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Việc điều trị bệnh chủ yếu nhằm cải thiện triệu chứng và phòng ngừa tái phát.

Nổi mề đay là bệnh gì?

Nổi mề đay là tình trạng các mao mạch bên dưới da hay niêm mạc phản ứng lại với các tác nhân gây bệnh từ bên trong hoặc bên ngoài cơ thể. Đây là nguyên nhân gây ra hiện tượng phù nề tại chỗ, vùng da dị ứng sẽ phồng lên kèm theo những cơn ngứa ngáy dữ dội.

Nổi mề đay là hiện tượng phản ứng của các mao mạch dưới da với các tác nhân gây dị ứng
Nổi mề đay là hiện tượng phản ứng của các mao mạch dưới da với các tác nhân gây dị ứng

Ban đầu, những nốt mề đay ban đầu có thể xuất hiện ở những vùng da nhỏ, nếu không được điều trị kịp thời sẽ lan rộng ra toàn thân. Những đợt nổi mề đay thường khởi phát và tồn tại trên da từ 30 – 36 phút tùy theo giai đoạn của bệnh. Bệnh lý nổi mề đay được chia làm 2 giai đoạn gồm:

  • Mề đay cấp tính: Các triệu chứng thường kéo dài không quá 6 tuần, bùng phát một cách đột ngột và tự thuyên giảm rồi biến mất.
  • Mề đay mạn tính: Triệu chứng mề đay kéo dài hơn 6 tuần, ngắt quãng chia làm từng đợt và đặc trưng với những triệu chứng phức tạp, nặng nề.

Theo các chuyên gia, bệnh nổi mề đay có thể xảy ra với bất kỳ ai ở mọi độ tuổi, trong đó nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất là trẻ em, phụ nữ mang thai và phụ nữ sau sinh. Bệnh được đánh giá là lành tính, tức không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không được điều trị kịp thời khiến bệnh tái phát nhiều lần sẽ diễn tiến thành biến chứng nghiêm trọng.

Một thống kê gần đây cho thấy con số người bị nổi mề đay tại Việt Nam khá cao, trung bình cứ 100 người thì có khoảng 10 – 15 người bị nổi mề đay với nhiều cấp độ nặng nhẹ khác nhau. Thậm chí, có những trường hợp mắc bệnh suốt đời, tái đi tái lại khiến người bệnh mệt mỏi.

Triệu chứng điển hình khi bị nổi mề đay

Ở mỗi giai đoạn bệnh và tùy theo cơ địa của từng người mà triệu chứng bệnh sẽ khác nhau với các cấp độ riêng biệt. Tuy nhiên, nhìn chung bệnh vẫn có những triệu chứng điển hình sau:

  • Nổi mẩn đỏ trên bề mặt da: Tại một số vùng da tại cánh tay, lưng, đùi… xuất hiện những mảng đỏ kích thước to nhỏ khác nhau, có chỗ thì dày đặc, có chỗ thì thưa.
  • Sần sùi: Những mảng đỏ nhô lên khỏi bề mặt da và sần sùi, gồ ghề. Một vài trường hợp bệnh nặng còn làm xuất hiện những mảng sưng phù ở vòm họng, mí mắt, môi…
  • Ngứa ngáy: Đây cũng là dấu hiệu rõ ràng và hầu như ai cũng gặp phải. Những mảng da đỏ, sần sùi kèm theo ngứa ngáy, càng gãi liên tục thì càng ngứa nhiều hơn, thậm chí gây ra trầy xước, bong tróc, chảy máu, để lại sẹo. Đặc biệt triệu chứng ngứa chủ yếu xuất hiện về đêm và tối.
  • Một số triệu chứng khácKèm theo những triệu chứng vừa kể trên, người bệnh sẽ gặp phải một số triệu chứng khác như nổi mụn nước, nhiễm trùng, khó thở… Đây đều là những dấu hiệu cảnh báo cho thấy bệnh đã tiến triển sang giai đoạn nghiêm trọng và cần được can thiệp điều trị kịp thời.

Triệu chứng đặc trưng của nổi mề đay là nổi những mảng đỏ, nổi sần và ngứa ngáy dữ dội
Triệu chứng đặc trưng của nổi mề đay là nổi những mảng đỏ, nổi sần và ngứa ngáy dữ dội

Nguyên nhân gây bệnh nổi mề đay

Chúng ta cần hiểu rõ nổi mề đay là kết quả phản ứng của các mao mạch ở lớp trung bì với các yếu tố kích thích. Cơ chế nổi mề đay diễn ra như sau: Khi cơ thể tiếp xúc với một số yếu tố dị nguyên nguyên là tác nhân gây dị ứng sẽ làm sản sinh ra các histamine. Đây là hoạt chất trung gian đóng vai trò kiểm soát các phản ứng viêm trong cơ thể.

Khi histamine được giải phóng, chúng sẽ kết hợp với một số chất hóa học nằm dưới bề mặt da. Chính điều này vô tình làm phá vỡ các liên kết bên trong mạch máu, làm rò rỉ và tích tụ chất lỏng dưới da, khiến làn da bị nổi mẩn, sưng viêm nghiêm trọng. Và cũng chính histamine tác động kích thích dây thần kinh tạo ra cảm giác ngứa ngáy khó chịu, muốn cào gãi liên tục.

Các chuyên gia da liễu cho biết, có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh nổi mề đay. Trong đó, phổ biến nhất có thể để đến các tác nhân kích thích như:

  • Do dị ứng: Trong yếu tố dị ứng sẽ được chia làm nhiều tác nhân nhỏ như:
    • Dị ứng thuốc: Một số trường hợp người bệnh có cơ địa mẫn cảm dễ dị ứng với các thành phần trong thuốc kháng sinh, aspirin, thuốc giảm đau kháng viêm… hoặc phản ứng sau khi tiêm chủng có thể gây ra nổi mề đay.
    • Dị ứng thức ăn: Nhiều loại thực phẩm như hải sản có vỏ (cua, ghẹ, tôm, ốc…), sữa, thịt bò, trứng, đậu phộng… cũng là nguyên nhân hàng đầu làm khởi phát yếu tố dị ứng nổi mề đay. Nguyên nhân là do sự nhầm lẫn của hệ miễn dịch, nhầm thực phẩm là yếu tố kích thích ngoại lai và cố gắng tiêu diệt nó.
    • Dị ứng với hóa chất, mỹ phẩm: Tiếp xúc thường xuyên với các loại hóa chất độc hại, tẩy rửa, mỹ phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc là nguyên nhân phổ biến gây ra hàng loạt nhữn phản ứng dị ứng mẩn ngứa, trong đó có nổi mề đay.
    • Ngoài ra, một số yếu tố dị nguyên như lông động vật, khói bụi, phấn hoa… cũng là một trong những yếu tố gây kích phát dị ứng.

Có nhiều nguyên nhân gây ra nổi mề đay như dị ứng thời tiết, thức ăn, thuốc, bệnh lý, di truyền…
Có nhiều nguyên nhân gây ra nổi mề đay như dị ứng thời tiết, thức ăn, thuốc, bệnh lý, di truyền…

  • Do yếu tố thời tiết: Sự thay đổi đột ngột của thời tiết, chuyển mùa giao mùa từ nóng sang lạnh làm cho nhiệt độ và độ ẩm trong không khí tăng giảm bất thường. Đây chính là điều kiện thuận lợi làm kích thích làm tăng các kháng thể quá mẫn trong cơ thể. Ngoài ra, thời tiết quá nóng cơ thể ra nhiều mồ hôi khiến da bí bách tích tụ trong lỗ chân lông, còn thời tiết hanh khô lạnh thì làm cho da khô cứng, bong tróc, suy giảm lớp màng bảo vệ. Hậu quả là tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển, gây nổi mề đay, ngứa ngáy.
  • Do bị côn trùng cắn: Một số loại côn trùng có nọc độc như ong, rết, nhện… cắn da người sẽ gây ra cảm giác đau nhức, rát, châm chích, sưng phù và kèm theo ngứa ngáy kéo dài. Trường hợp, những người có cơ địa quá mẫn cảm, nọc độc có thể gây ra tình trạng sốc phản vệ, dị ứng nặng kèm theo một số triệu chứng như khó thở, phù nề, ngứa phát ban và thậm chí đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
  • Do yếu tố di truyền: Các chuyên gia cho biết tình trạng nổi mề đay có liên quan mật thiết đến yếu tố gen di truyền. Đời con có thể bị nổi mề đay bẩm sinh nếu đời ông bà hoặc bố mẹ bị nổi mề đay.
  • Do bệnh lý: Mắc một số bệnh lý mạn tính như bệnh thận, viêm khớp dạng thấp, viêm da cơ địa, bệnh tuyến giáp, Lupus ban đỏ… cũng làm tăng nguy cơ bị nổi mề đay kèm theo tình trạng nổi mẩn ngứa do phản ứng quá mức của hệ miễn dịch.

Chẩn đoán và phân loại vị trí bị nổi mề đay

Chẩn đoán bệnh nổi mề đay

Khi phát hiện các triệu chứng bất thường trên da, người bệnh nên thăm khám tại bệnh viện Da liễu ngay để được chẩn đoán bệnh chính xác cũng như mức độ nặng nhẹ của bệnh.

Chẩn đoán lâm sàng

Việc chẩn đoán nổi mề đay chủ yếu dựa trên các yếu tố lâm sàng sau:

  • Dựa vào những tổn thương lâm sàng: Khi quan sát bằng mắt thường, có thể nhìn thấy rõ các đốm mẩn đỏ, nổi sần phù với nhiều kích thước khác nhau tại nhiều vị trí trên cơ thể. Sẩn phù là những mảng da ửng đỏ nổi cao trồi lên trên bề mặt da, màu sắc đỏ nhợt nhạt và có đặc điểm xuất hiện hay biến mất đều nhanh chóng.
  • Dựa vào phân bố của những vết nổi mề đay: Các đốm mề đay có thể tập trung khu trú ở một vùng trên cơ thể hoặc lan rộng trên toàn thân.
  • Nổi mề đay ở một số tổ chức lỏng lẻo: Trường hợp nổi mề đay ở mí mắt, môi, cơ quan sinh dục ngoài… thì được gọi là hiện tượng phù mạch hoặc phù Quimcke đặc trưng với những đốm ban đỏ, nổi sẩn phù và sưng to toàn bộ vị trí đó.
  • Những triệu chứng cơ nặng: Những cơn ngứa ngáy bộc phát dữ dội cả ngày lẫn đêm, càng gãi càng ngứa nhiều hơn và kéo theo các nốt nổi sẩn ngứa. Trong một số trường hợp bị nổi mề đay còn gây ra cảm giá bỏng rát, châm chích khó chịu.
  • Các triệu chứng tiến triển: Bệnh nổi mề đay có đặc điểm là phát triển thành từng đợt dưới 2 dạng chính là cấp tính và mạn tính.

Việc chẩn đoán nổi mề đay chủ yếu dựa vào các yếu tố lâm sàng và cận lâm sàng
Việc chẩn đoán nổi mề đay chủ yếu dựa vào các yếu tố lâm sàng và cận lâm sàng

Chẩn đoán cận lâm sàng

Để chẩn đoán chính xác giai đoạn bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh thực hiện một số xét nghiệm như:

  • Xét nghiệm máu: Phân tích công thức máu để xác định số lượng bạch cầu đa nhân ái toan. Nếu số lượng này cao vượt mức bình thường thì có thể kết luận chẩn đoán là nổi mề đay do ký sinh trùng, ngược lại nếu số lượng bạch cầu đa nhân ái toan này giảm thì được chẩn đoán là nổi mề đay do bệnh lupus ban đỏ hệ thống.
  • Phân tích da (Pricks test): Biện pháp này được chỉ định áp dụng trong trường hợp nghi ngờ nổi mề đay do các tác nhân dị ứng như bụi bẩn, phấn hoa, lông chó mèo…

Phân loại vị trí nổi mề đay

Một số vị trí nổi mề đay phổ biến thường gặp như trên da, thanh quản, đường tiêu hóa, niêm mạc… Cụ thể từng vị trí nổi mề đay gây ra các triệu chứng như sau:

  • Nổi mề đay trên da: Một số vị trí điển hình khi bị nổi mề đay trên da như mặt, lưng, bụng, mông, bắp chân, tay, các nếp gấp ở cổ… Ngoài những vị trí “lộ thiên” thì các đốm nổi mề đay còn xuất hiện ở những vùng da mỏng như âm hộ, bao quy đầu, mí mắt, niêm mạc… với những nốt mẩn đỏ dày đặc, mụn nước lây lan nhanh và dễ vỡ rất nguy hiểm.
  • Nổi mề đay ở khí quản: Khác với nổi mề đay trên da, nổi mề đay trong thanh quản làm cho mạch khí quản bị sưng phù, nghẹt thở vùng họng, nghẹt thở, thở gấp, giãn mạch nhanh, tụt huyết áp, hoa mắt, chóng mặt…
  • Nổi mề đay ở đường tiêu hóa: Gây ra triệu chứng tiêu chảy, nôn ói, đau quặn bụng, trào ngược dạ dày…
  • Ngoài ra, nổi mề đay còn có thể xuất hiện ở tổ chức não làm tăng nguy cơ phù nề não cực kỳ nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

Bệnh nổi mề đay có nguy hiểm không?

Nổi mề đay là bệnh lý da liễu phổ biến, dễ gặp phải nhưng lại khó điều trị. Với bệnh nổi mề đay cấp tính do các yếu tố dị ứng thì có thể tự khỏi dần trong vài ngày hoặc vài tuần chăm sóc. Tuy nhiên, nếu nổi mề đay mạn tính do di truyền hoặc bệnh lý thì rất khó điều trị khỏi dứt điểm do tính chất dai dẳng, dễ tái phát của bệnh.

Các chuyên gia cho biết bản chất của nổi mề đay không gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh nếu nguyên nhân gây bệnh đơn thuần là do các tác nhân dị ứng. Sự nguy hiểm ở đây xuất phát từ chính cơ chế hình thành bệnh cùng các triệu chứng tăng nặng của bệnh.

Bệnh nổi mề đay thể nặng gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời
Bệnh nổi mề đay thể nặng gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời

Đặc biệt là khi người bệnh tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên, cơ thể sẽ sinh ra chất hisatmine gây ngứa ngáy dữ dội, khiến người bệnh gãi nhiều, mạnh khiến da bị tổn thương, nhiễm trùng và trầy xước, khi lành thì để lại sẹo thâm, khiến người bệnh e ngại tự ti trong giao tiếp và gây nhiều phiền phức trong sinh hoạt hằng ngày.

Trường hợp mắc bệnh nổi mề đay thể nặng gây ra những triệu chứng nghiêm trọng như khó thở, sưng họng, sưng khí quản, thậm chí là nghẹt thở. Trường hợp nổi mề đay ở đường tiêu hóa thì người bệnh bị hành tiêu chảy, nôn ói, đau bụng liên tục kèm theo một số triệu chứng như tụt huyết áp, giãn mạch nhanh, sốc phản vệ, choáng váng… cần được cấp cứu gấp để tránh gây ảnh hưởng đến tính mạng.

Phương pháp điều trị nổi mề đay

Nổi mề đay thường tái phát đột ngột và biến mất cũng nhanh chóng nếu được chăm sóc đúng cách, nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ và dùng thuốc trong trường hợp triệu chứng có xu hướng tăng nặng.

1. Các cách điều trị nổi mề đay không dùng thuốc

Những trường hợp bị nổi mề đay mức độ nhẹ, triệu chứng vừa khởi phát và biến mất sau 24 tiếng thì không cần phải điều trị hay chăm sóc. Nhưng nếu những triệu chứng của bệnh kéo dài hơn một ngày chưa khỏi thì bạn hãy thử áp dụng một số cách sau đây:

  • Tránh xa yếu tố gây bệnh: Sau khi đã xác định được yếu tố kích thích làm khởi phát bệnh nổi mề đay thì người bệnh nên tránh xa yếu tố đó để tránh làm bệnh tái phát nặng hơn.
  • Chườm lạnh: Đặc trưng của nổi mề đay là những mảng da đỏ và ngứa ngáy. Để giảm bớt tình trạng ngứa khó chịu, bạn có thể thực hiện chườm lạnh, nhiệt độ lạnh của đá sẽ giúp các mạch máu co lại, từ đó hạn chế cơn ngứa và tình trạng sưng viêm hiệu quả.
  • Thay đổi loại thuốc điều trị: Nổi mề đay có thể là tác dụng phụ của một loại thuốc nào đó. Hãy thông báo cho bác sĩ để được cân nhắc về việc đổi loại thuốc điều trị khác cho phù hợp, không có chất nào làm kích phát triệu chứng dị ứng.
  • Dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi, thư giãn và thả lỏng cơ thể, đầu óc bằng các cách như tập yoga, đọc sách, nghe nhạc, ăn một món ăn ngon… cũng là cách để kiểm soát triệu chứng nổi mề đay hay.
  • Dùng gel nha đam: Phần gel nha đam được khoa học chứng minh là có chứa nhiều axit amin, khoáng chất và nước giúp làm giảm ngứa ngáy, dịu da, dưỡng ẩm và kích thích phục hồi những tổn thương trên bề mặt hiệu quả.
  • Bổ sung thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất: Da thiếu sức sống, mất đi sức đề kháng vốn có chính là nguyên nhân khiến cho vi khuẩn tấn công, xâm nhập và gây bệnh. Vì vậy, bạn cần tập trung bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin khoáng chất từ các loại rau củ quả, trái cây tươi… để làm giảm triệu chứng nổi mề đay và phòng ngừa bệnh tái phát hiệu quả.
  • Dưỡng ẩm, bôi kem chống nắng cho da: Dù có bị nổi mề đay hay không thì bạn cũng nên sử dụng các loại kem dưỡng ẩm và bôi kem chống nắng trước khi ra ngoài hằng ngày. Đây là cách để tăng cường “hệ miễn dịch” cho làn da chống lại những tác nhân tiêu cực như ánh nắng mặt trời, chủ động bảo vệ làn da và hỗ trợ cải thiện các triệu chứng bệnh nổi mề đay.

Bôi kem dưỡng ẩm hằng ngày để làm mềm da, cung cấp dưỡng chất thúc đẩy làm lành những tổn thương
Bôi kem dưỡng ẩm hằng ngày để làm mềm da, cung cấp dưỡng chất thúc đẩy làm lành những tổn thương

2. Điều trị nổi mề đay bằng các loại thuốc Tây

Với những người bệnh nổi mề đay thể nặng hoặc triệu chứng kéo dài sẽ được bác sĩ kê đơn một số loại thuốc Tây (dạng bôi hoặc dạng uống) để hỗ trợ cải thiện triệu chứng bệnh.

  • Thuốc kháng histamine H1: Đây là nhóm thuốc có khả năng ức chế chọn lọc thụ thể histamin H1 (một chất trung gian kiểm soát các phản ứng dị ứng). Thuốc có khả năng làm giảm hình thành các mảng da đỏ, ngứa trên da và giảm bớt ngứa ngáy. Một số loại thuốc được sử dụng phổ biến như cetirizine, levocetirizine, desloratadine, fexofenadine, loratadine…
  • Thuốcb giảm đau (Paracetamol và NSAID): Trường hợp bị nổi mề đay do nhiễm trùng thì có thể sử dụng nhóm thuốc này để hạ sốt, giảm đau, kháng viêm khi phát bệnh.
  • Thuốc chống viêm dạng uống (NSAID và corticosteroid)Người bệnh bị nổi mề đay nặng, da sưng đỏ, bùng phát trên diện rộng và triệu chứng có xu hướng tăng nặng hơn thì bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) hoặc trường hợp nổi mề đay kèm theo phù mạch thì dùng thuốc Corticosteroid dạng uống (phổ biến nhất là Prednison).
  • Thuốc dạng bôi ngoài da: Sử dụng thuốc bôi ngoài da chủ yếu nhằm mục đích cải thiện triệu chứng ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ trên bể mặt da. Một số loại thuốc bôi ngoài da được bác sĩ kê đơn sử dụng phổ biến như Menthol 1%, Hydrocortisone, Dermovate Cream, Clamine…
  • Ngoài ra, tùy theo tình trạng bệnh và triệu chứng ở thời điểm hiện tại mà bác sĩ sẽ kê đơn một số loại thuốc khác như thuốc ức chế miễn dịch, thay huyết tương Immunoglobuline truyền tĩnh mạch cùng một số loại khác gồm Leukotriene, colchicine, epinephrine, dapson, doxepin…

Thuốc Tây chữa nổi mề đay được sử dụng phổ biến thường là thuốc dạng uống hoặc dạng bôi
Thuốc Tây chữa nổi mề đay được sử dụng phổ biến thường là thuốc dạng uống hoặc dạng bôi

Lưu ý: Hầu hết tất cả các loại thuốc trên đều là thuốc mạnh, có thể gây ra tác dụng phụ ngoài ý muốn. Do đó, người bệnh chỉ được sử dụng thuốc trị nổi mề đay theo chỉ định kê đơn của bác sĩ và tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn sử dụng. Đặc biệt là các đối tượng như phụ nữ mang thai, đang trong thời kỳ cho con bú và trẻ em cần cân nhắc và tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.

3. Chữa bệnh nổi mề đay bằng mẹo dân gian tại nhà

Trong dân gian lưu truyền rất nhiều mẹo chữa nổi mề đay hay do ngày xưa chưa có đa dạng các loại thuốc Tây. Đặc điểm chung của những bài thuốc chữa nổi mề đay này là dễ thực hiện, nguyên liệu dễ tìm và rẻ tiền mà lại đạt được hiệu quả rõ rệt với những trường hợp mắc bệnh nhẹ ở giai đoạn đầu.

  • Dùng muối chữa nổi mề đay: Muối có tính sát khuẩn cao và an toàn nên bạn hoàn toàn có thể sử dụng muối biển pha loãng ra rồi rửa trực tiếp lên vùng da bị bệnh, sau đó rửa sạch với nước sạch là được. Ngày thực hiện 2 – 3 lần để đạt được hiệu quả tốt nhất.
  • Chữa nổi mề đay bằng lá khế: Lá khế có chứa những hoạt chất kháng viêm, chống khuẩn tự nhiên nên rất thích hợp dùng để chữa bệnh nổi mề đay. Lá khế đem đem sao nóng cùng muối lên rồi cho vào khăn mỏng, chườm trực tiếp lên những vùng da bị tổn thương. Hoặc bạn cũng có thể dùng lá khế nấu thành nước để tắm vừa tiện vừa hiệu quả.
  • Lá tía tô trị nổi mề đay: Cũng như lá khế, lá tía tô có khả năng chống viêm, kháng khuẩn khá hiệu quả. Hằng ngày dùng lá tía tô nấu nước uống hoặc nấu nước tắm đều được.

Lưu ý: Những mẹo chữa nổi mề đay theo dân gian chỉ phù hợp với những người mắc bệnh nhẹ, triệu chứng không nghiêm trọng. Hiệu quả của phương pháp này còn phụ thuộc vào cơ địa của từng người nên người bệnh nên cân nhắc trước khi sử dụng. Nếu có cơ địa nhạy cảm với các dược chất trong lá thì không nên sử dụng để tránh làm tăng mức độ nặng của bệnh.

4. Chữa bệnh nổi mề đay theo Đông y

Chữa bệnh nổi mề đay bằng các bài thuốc Đông y cũng là một trong những biện pháp hiệu quả được nhiều người áp dụng do hiệu quả cao và an toàn cho sức khỏe. Bệnh nổi mề đay theo Y học cổ truyền là do cơ thể bị nhiễm phong hàn, phong nhiệt, uất tích tại bì, trường vị thấp, khí huyết lưu thông kém…

Do đó, chữa bệnh theo Đông y sẽ giúp tác động và xử lý trực tiếp các triệu chứng của bệnh tận gốc. Không những vậy, những bài thuốc chữa nổi mề đay theo Đông y còn có khả năng bồi bổ chức năng gan thận, hỗ trợ loại bỏ các độc tố trong cơ thể, tăng sức đề kháng trong cơ thể, chống chọi lại bệnh tật.

Chữa bệnh nổi mề đay bằng các bài thuốc Đông y đem lại hiệu quả cao, an toàn nhưng tốn thời gian hơn thuốc Tây
Chữa bệnh nổi mề đay bằng các bài thuốc Đông y đem lại hiệu quả cao, an toàn nhưng tốn thời gian hơn thuốc Tây

Một số bài thuốc Đông y chữa nổi mề đay hiệu quả như:

  • Bài thuốc 1: Chuẩn bị hạ liên thảo, địa hoàng thán, nhẫn đông đằng mỗi thứ 12g sắc lấy nước uống hằng ngày.
  • Bài thuốc 2: Bài thuốc này dành cho trường hợp nổi mề đay nặng, tái phát nhiều lần. Chuẩn bị hắc sâm, hà thủ ô, đan sâm, sinh địa hoàng, đan bì mỗi loại 10g, xuyên khung, thuyền y, lộc thảo, tần quy mỗi loại 6g. Sắc các dược liệu với một lít nước cho đến khi nước cô đặc lại khoảng 450ml thì chia làm 3 lần uống mỗi ngày.
  • Bài thuốc 3: Chuẩn bị sinh địa, hạn liên tử, kim ngân hoa, bèo cái, đại thanh điệp, ngưu hoàng mỗi loại 10g, thuyền thoái, lộc thảo, giả tô, phòng phong mỗi loại 6g.

Lưu ý: Chữa bệnh nổi mề đay theo Đông y dù hiệu quả, ít gây tác dụng phụ như thuốc Tây nhưng hiệu quả đến tương đối chậm. Vì vậy, người bệnh nên kiên thì theo liệu trình điều trị thuốc để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Biện pháp phòng ngừa nổi mề đay

Có thể thấy, có rất nhiều nguyên nhân làm khởi phát bệnh nổi mề đay, có thể kể đến như dị ứng thời tiết, thức ăn, thuốc, môi trường, bệnh lý… Vì vậy, để phòng ngừa tái phát bệnh thì người bệnh chỉ cần tránh tiếp xúc với những tác nhân dị ứng này.

  • Loại bỏ những loại thực phẩm gây dị ứng cho cơ thể ra khỏi thực đơn ăn uống hằng ngày và ưu tiên thay thế bằng những loại thực phẩm khác có hàm lượng dinh dưỡng tương đồng và tốt cho sức khỏe.
  • Nếu bản thân nhạy cảm với những tác nhân như mùi hóa chất, cao su, phấn hoa, lông động vật, khói bụi… thì nên hạn chế tối đa việc tiếp xúc với chúng.
  • Sử dụng các loại sản phẩm chống côn trùng hoặc xua đuổi côn trùng để giảm thiểu nguy cơ bị chúng cắn gây khởi phát dị ứng.
  • Bảo vệ làn da trước những yếu tố nguy cơ hằng ngày như thời tiết hanh khô, ánh nắng mặt trời, che chắn cẩn thận bằng áo khoác, nón, khẩu trang, bôi kem chống nắng…
  • Đồng thời, chú ý bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, trong đó ưu tiên thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất như vitamin A (sữa và các chế phẩm từ sữa, cà rốt, khoai lang, lòng đỏ trứng, gan…), vitamin E (có trong các loại hạt, dưa leo, bông cải xanh, xoài…), vitamin C (những loại trái cây thuộc họ cam, chanh, bưỡi, quýt…), vitamin K (trong các loại rau có lá màu xanh đậm)…

Chú ý che chắn kỹ lưỡng để phòng ngừa bệnh do các tác nhân dị ứng từ môi trường bên ngoài
Chú ý che chắn kỹ lưỡng để phòng ngừa bệnh do các tác nhân dị ứng từ môi trường bên ngoài

Nổi mề đay là bệnh lý da liễu dễ gặp phải nhưng lại khó điều trị dứt điểm được vì có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được triệu chứng bệnh cũng như phòng ngừa được biến chứng, rủi ro có thể xảy ra. Nên thăm khám tại chuyên khoa Da liễu để được chẩn đoán và tư vấn hướng điều trị phù hợp, an toàn và hiệu quả nhất.

Có thể bạn quan tâm

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Chuyên gia tư vấn