Viêm Da Đầu Tiết Bã Nhờn: Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Viêm da đầu tiết bã nhờn là bệnh lý da liễu phổ biến xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh có tính chất mạn tính và diễn tiến theo nhiều mức độ, nếu bệnh xảy ra ở trẻ em có thể tự biến mất mà không phải điều trị chuyên sâu. Nhưng nếu bệnh đột ngột bùng phát ở người lớn thì bệnh sẽ rất dai dẳng, thường xuyên tái phát và gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thẩm mỹ và tâm lý của người bệnh.
Viêm da đầu tiết bã nhờn là bệnh gì?
Viêm da đầu tiết bã nhờn hay còn được gọi là chàm da mỡ, viêm da dầu, viêm da tiết bã là một trong những bệnh da liễu điển hình với tỷ lệ mắc khá cao. Bệnh có tính chất mạn tính và đặc trưng bởi các triệu chứng da đầu ửng đỏ, tiết nhiều dầu nhờn, ẩm ướt và hơi dính kèm theo bong tróc vảy, xuất hiện từng mảng da dày xung quanh bám vào chân tóc.
Bệnh được các chuyên gia nghiên cứu và nhận định có liên quan mật thiết đến sự rối loạn trong hoạt động của tuyến bã nhờn cùng sự tăng sinh quá mức của các loại vi nấm như Malassezia hoặc Candida albicans.
Viêm da đầu tiết bã nhờn có thể xuất hiện ở cả trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ (từ 0 – 3 tháng tuổi) và người lớn. Đối với trẻ nhỏ thì bệnh không đáng lo ngại, các triệu chứng xuất hiện và có thể tự thuyên giảm biến mất sau 3 – 12 tháng. Ngược lại, đối với người lớn thì lại khác, nếu bùng phát đột ngột các triệu chứng thì bệnh sẽ rất dai dẳng, kéo dài, thường xuyên tái phát và rất khó điều trị. Người bệnh phải đối mặt với nhiều phiền phức trong cuộc sống, ảnh hưởng đến ngoại hình và tâm lý của người bệnh.
Theo các chuyên gia, đối với bệnh viêm da đầu tiết bã nhờn nói riêng và các bệnh lý da liễu nói chung thì chưa có một biện pháp đặc trị nào để chữa khỏi hoàn toàn. Việc điều trị chủ yếu dựa vào việc kiểm soát triệu chứng và duy trì một lối sống, sinh hoạt, ăn uống lành mạnh để phòng ngừa tái phát càng lâu càng tốt.
Dấu hiệu nhận biết viêm da đầu tiết bã nhờn
Triệu chứng đặc trưng của viêm da đầu tiết bã nhờn là sự tăng tiết dầu nhờn trên da đầu, ửng đỏ, dày sừng bám xung quanh chân tóc và bong tróc vảy. Tuy nhiên, còn tùy vào tình trạng bệnh nặng hay nhẹ, cơ địa làn da của người bệnh mà các triệu chứng của từng người sẽ khác nhau.
Đối với trẻ em
Triệu chứng viêm da đầu tiết bã nhờn ở trẻ em từ 0 – 3 tháng tuổi là bệnh lý da liễu mà hầu như đứa trẻ sơ sinh nào cũng gặp phải. Bệnh có thể khu trú tại vùng đầu hoặc xuất hiện ở cả 2 bên má, trán, cằm, cổ…
Một số triệu chứng điển hình như:
- Bề mặt da đầu xuất hiện nhiều mảng bám màu vàng nâu và bong vảy trắng hoặc nâu đen.
- Những mảng bám này thường bám rất chặt vào chân tóc, da đầu và khó bong, nếu bong ra sẽ
- Da đầu có thể ửng đỏ hoặc không tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh.
- Những tổn thương thường diễn ra độc lập không gây cảm giác ngứa ngáy, nóng rát hay châm chích khó chịu.
Đối với trẻ bị viêm da đầu tiết bã nhờn thì những triệu chứng vừa kể trên có thể tự thuyên giảm và biến mất sau khoảng 3 – 12 tháng nếu có sự chăm sóc vệ sinh kỹ lưỡng mà không cần can thiệp điều trị y tế.
Đối với người lớn
Khác với trẻ em, bệnh viêm da đầu tiết bã nhờn ở người lớn sẽ có mức độ nặng hơn do có tính chất dai dẳng, kéo dài và thường xuyên tái đi tái lại.
Một số triệu chứng nhận biết viêm da đầu tiết bã nhờn ở người lớn như:
- Da đầu tăng tiết bã nhờn, ửng đỏ và bong tróc vảy trắng, những mảng da dày sừng trên da đầu của người lớn thường dễ bong hơn so với trẻ nhỏ.
- Ngứa ngáy nhẹ ở vùng chân tóc và gây cảm giác bết dính.
- Những tổn thương trên bề mặt da đầu nổi cộm khó chịu, có ranh giới rõ ràng với những vùng da lân cận.
- Một số trường hợp nặng hơn có thể kèm theo triệu chứng nóng rát, châm chích.
Nguyên nhân gây viêm da đầu tiết bã nhờn
Cơ chế hình thành và khởi phát triệu chứng bệnh viêm da đầu tiết bã nhờn khá phức tạp, trong đó chính sự rối loạn hoạt động của tuyến bã nhờn và sự tăng sinh quá mức của các loại vi nấm Malassezia là cơ chế chủ yếu tác động và khởi phát bệnh.
Ngoài ra, theo nhận định của các chuyên gia thì bệnh có khả năng di truyền giữa những thế hệ cận huyết. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nếu bố hoặc mẹ có tiền sử mắc các bệnh lý da liễu như vảy nến hoặc viêm da dầu, viêm da cơ địa… thì nguy cơ di truyền cho thế hệ con cái là rất cao.
Tuy nhiên, dù di truyền hay có cơ địa nhạy cảm cũng không thể gây ra hàng loạt các triệu chứng bệnh nếu không có sự tác động của các yếu tố sau:
- Do tiếp xúc với các tác nhân dị ứng: Da đầu tiếp xúc trực tiếp với hóa chất của thuốc nhuộm tóc, dầu gội đầu, dầu xả, dị ứng thời tiết hoặc dị ứng thức ăn… cũng đều có khả năng kích thích bùng phát triệu chứng viêm da đầu tiết bã nhờn.
- Do ăn uống không lành mạnh: Những người có thói quen ăn uống không lành mạnh, thường xuyên sử dụng thức ăn nhanh, chiên xào nhiều dầu mỡ, chất kích thích, đồ ngọt hay các chế phẩm từ đường… đều là những tác nhân kích thích sự hoạt động quá mức của tuyến bã nhờn, khi da đầu tiết nhiều dầu nhờn sẽ tạo điều kiện để các loại nấm men phát triển gây hại và làm tổn thương da.
- Do suy giảm sức đề kháng: Có rất nhiều nguyên nhân gây suy giảm sức đề kháng như ăn uống thiếu chất, suy nhược cơ thể, mang thai, sau khi thực hiện phẫu thuật, căng thẳng kéo dài… Đây đều là những tác nhân khiến cho nấm men phát triển, đột ngột bùng phát bệnh.
- Do ảnh hưởng với các bệnh lý ở da đầu: Da đầu là vị trí nhạy cảm và dễ mắc các bệnh lý như vảy nến, chàm da đầu, gàu ngứa… cũng làm tăng nguy cơ khởi phát bệnh viêm da đầu tiết bã nhờn.
- Một số tác nhân khác: Ngoài những nguyên nhân vừa kể trên thì viêm da đầu tiết bã nhờn còn có bùng phát nếu gặp phải các tác nhân như: vệ sinh kém, môi trường sống ô nhiễm, là tác dụng phụ của một số loại thuốc, căng thẳng thần kinh kéo dài…
Bệnh viêm da đầu tiết bã nhờn có nguy hiểm không? Có lây lan không?
Hầu hết các bệnh lý da liễu đều khá lành tính và chỉ gây ra những tổn thương ngoài da. Đối với trẻ em thì bệnh sẽ tự biến mất trong thời gian ngắn mà không cần điều trị. Tuy nhiên, viêm da đầu tiết bã nhờn ở người lớn lại hoàn toàn khác, thường xuyên tái đi tái lại và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, ngoại hình và tâm lý của người bệnh.
Nếu xét về bản chất, viêm da đầu tiết bã nhờn không gây ảnh hưởng đến những cơ quan nội tạng bên trong cơ thể, tuy nhiên lại gây ra một số biến chứng điển hình như:
- Mắc các bệnh lý da liễu khác: Mắc viêm da đầu tiết bã nhờn không được điều trị đúng cách và kịp thời sẽ kéo theo nhiều bệnh lý khác như vảy nến, nấm da, gàu…
- Rụng tóc: Tuyến bã nhờn trên đầu hoạt động quá mức trong thời gian dài không được xử lý sẽ làm mất cân bằng hệ vi sinh, chân tóc yếu đi và hậu quả là rụng tóc, tóc chẻ ngọn, dễ dứt gãy và khô xơ.
- Nhiễm trùng, bội nhiễm: Thường thì viêm da đầu tiết bã nhờn sẽ khiến người bệnh có xu hướng cào gãi mạnh do da đầu bị kích ứng. Nếu cào gãi sẽ gây ra trầy xước, thậm chí là chảy máu và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Biện pháp điều trị viêm da đầu tiết bã nhờn
Như đã biết, bệnh viêm da đầu tiết bã nhờn nói riêng và các bệnh lý da liễu nói chung gần như không thể điều trị tận gốc. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà người bệnh lơ là không điều trị. Mục tiêu chính trong điều trị bệnh là cải thiện và kiểm soát các triệu chứng, ngăn chặn biến chứng và phòng ngừa tái phát càng lâu càng tốt.
Tùy vào từng giai đoạn mắc bệnh và mức độ bệnh nặng hay nhẹ trong thời điểm hiện tại mà bác sĩ sẽ tư vấn phương án điều trị phù hợp. Cụ thể, trong giai đoạn bệnh vừa bùng phát thì dùng thuốc Tây y dạng bôi kết hợp thuốc uống. Đến giai đoạn bệnh đã ổn định thì chuyển sang dùng các loại thuốc tại chỗ và kết hợp với các loại thảo dược nhiên cùng một chế độ chăm sóc khoa học.
1. Thuốc điều trị tại chỗ và thuốc uống
Đối với bệnh viêm da đầu tiết bã nhờn thì chủ yếu sẽ sử dụng các loại thuốc có tác dụng ức chế nấm men Malassezia, ức chế sự hoạt động của dầu thừa và hỗ trợ loại bỏ vảy bong trên da. Bên cạnh đó, tùy từng trường hợp má bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giảm ngứa, chống viêm.
Một số loại thuốc được chỉ định sử dụng phổ biến như:
Dầu gội: Khác với những vị trí viêm da khác thường sử dụng thuốc dạng kem hoặc gel bôi trực tiếp để điều trị bệnh thì khi da đầu bị viêm do tiết nhiều dầu nhờn phải sử dụng dầu gội chứa thành phần điều trị bệnh.
- Dầu gội chống nấm: Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại dầu gội chống nấm được các bác sĩ da liễu chỉ định sử dụng trong điều trị viêm da đầu tiết bã nhờn. Loại dầu gội được dùng phổ biến là Ketoconazole có tác dụng ức chế sự hình thành và phát triển của các loại vi nấm, cải thiện triệu chứng ngứa ngáy, đỏ da đầu, bong tróc vảy. Những trường hợp chủng nấm gây bệnh kháng hoạt chất nhóm zol có thể thay thế bằng dầu gội chứa Selenium sulfide hoặc Zinc pyrithione.
- Dầu gội giúp bong tróc vảy: Lớp da dày sừng thường bám rất chặt vào chân tóc nên nếu muốn làm chúng bong ra thì người bệnh có thể sử dụng dầu gội có chứa thành phần làm bạt sừng như Lactic acid, Acid salicylic… Không chỉ giúp làm bong vảy nhẹ nhàng mà nhóm thuốc này còn có khả năng giảm ngứa ngáy, ức chế sự hoạt động của tuyến bã nhờn mà không gây bết dính vào chân tóc.
- Dầu gội chứa thành phần Biotin: Muốn tóc khỏe, mọc dày và cứng cáp thì bắt buộc không thể thiếu hoạt chất biotin. Loại dầu gội này được khuyến khích sử dụng khi viêm da đầu tiết bã nhờn gây rụng tóc số lượng nhiều, tóc khô xơ, dễ đứt gãy.
Thuốc uống: Đối với nhóm thuốc uống thì chủ yếu được chỉ định sử dụng trong trường hợp bệnh nặng, có dấu hiệu xuất hiện biến chứng và diễn tiến nặng.
- Thuốc chống nấm dạng uống: Nếu dùng dầu gội chống nấm không đạt hiệu quả thì bác sĩ sẽ cân nhắc chuyển sang dùng thuốc uống. Loại thuốc chống nấm dạng uống được dùng phổ biến là Itraconazole có tác dụng làm giảm nhanh triệu chứng trên bề mặt da và tiêu diệt vi nấm. Tuy nhiên, tác dụng phụ của thuốc là dễ làm suy giảm chức năng gan và sinh lý nam giới.
- Thuốc kháng histamin H1: Đây là nhóm thuốc có khả năng chống lại các phản ứng dị ứng và giảm ngứa hiệu quả. Thuốc chỉ được dùng cho những trường hợp bị viêm da đầu tiết bã nhờn có triệu chứng đau rát, châm chích da đầu. Với khả năng ức chế sự hoạt động sản sinh histamin trong cơ thể, từ đó giảm thiểu tối đa những tổn thương trên bề mặt da và ngăn chặn lây lan.
- Thuốc uống chứa corticoid: Rất hiếm trường hợp bị viêm da đầu tiết bã nhờn phải sử dụng đến nhóm thuốc này. Chỉ có trường hợp những tổn thương trên da nặng nề quá mức mới được dùng, tuy nhiên cũng chỉ dùng trong thời gian ngắn để hạn chế tối đa tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe.
2. Sử dụng các loại thảo dược từ thiên nhiên
Với những trường hợp triệu chứng viêm da đầu tiết bã nhờn chỉ vừa khởi phát và có mức độ nhẹ thì không cần thiết phải sử dụng các loại thuốc tân dược. Thay vào đó, người bệnh nên ưu tiên sử dụng các loại thảo dược tự nhiên vừa có tác dụng cải thiện triệu chứng vừa an toàn, lành tính cho làn da lại không quá tốn kém.
- Dùng nước lá trầu không để gội đầu: Các dược chất trong lá trầu không có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm tự nhiên rất tốt. Không những vậy, thảo dược này còn hỗ trợ làm giảm cảm giác ngứa ngáy, khó chịu và bết dính trên da đầu. Cách thực hiện rất đơn giản, chỉ cần dùng vài lá trầu không tươi nấu lấy nước và gội đầu 2 – 3 lần/ tuần để đạt được kết quả tốt nhất.
- Dùng tinh dầu tràm trà: Đây là một trong những loại tinh dầu được các chuyên gia da liễu khuyến khích sử dụng trong điều trị viêm da đầu tiết bã nhờn. Với đặc tính kháng viêm mạnh, hạn chế bong vảy và hỗ trợ loại bỏ dầu thừa trên da đầu. Những ngày gội đầu hãy kết hợp dầu gội của bạn cùng một vài giọt tình dầu tràm trà và gội như bình thường để cải thiện những tổn thương trên da.
- Gội đầu bằng bồ kết: Quả bồ kết được biết đến là nguyên liệu tự nhiên giúp nuôi dưỡng mái tóc mềm mượt, khỏe mạnh và ngăn ngừa triệu chứng của viêm da đầu tiết bã nhờn. Nhờ hoạt chất saponaretin và flavonoid có khả năng giảm sưng đỏ da đầu, ức chế sự phát triển của vi khuẩn.
Hướng dẫn cách chăm sóc và phòng ngừa tái phát viêm da đầu tiết bã nhờn
Viêm da đầu tiết bã nhờn là bệnh lý dễ tái phát nếu tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng cả bên trong lẫn bên ngoài. Vì vậy, để duy trì hiệu quả chữa bệnh dài lâu và phòng ngừa tái phát, người bệnh cần chú ý tuân thủ thực hiện các biện pháp sau:
- Gội đầu 2 ngày/ lần bằng các loại dầu gội có khả năng làm sạch sâu, dịu nhẹ không có chứa hương liệu, chất tạo màu. Đồng thời, giữ cho da đầu luôn sạch sẽ, khô thoáng để giảm thiểu tối đa sự phát triển của vi khuẩn, nấm men.
- Hạn chế tối đa việc dùng tay hay vật cứng cào gãi, chà xát lên vùng da đầu bị tổn thương.
- Trong thời gian điều trị bệnh nên tránh sử dụng các loại hóa chất hay nhiệt nóng lên tóc.
- Che chắn cẩn thận, tránh để da đầu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời hay các tác nhân gây dị ứng bằng cách đội nón, che dù…
- Xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, ưu tiên các loại thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất tốt cho tóc.
- Tập thể dục hằng ngày, nâng cao sức đề kháng và kiểm soát căng thẳng, nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc để giảm thiểu tối đa nguy cơ tái phát bệnh.
Viêm da đầu tiết bã nhờn hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu chăm sóc đúng cách và điều trị kịp thời. Vì vậy, ngay khi khởi phát triệu chứng, người bệnh nên chủ động thăm khám để được chẩn đoán và tư vấn biện pháp điều trị phù hợp. Vì chữa bệnh trong giai đoạn đầu lúc nào cũng hiệu quả hơn so với các giai đoạn nặng và có biến chứng.
Có thể bạn quan tâm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!