
Thiếu Máu Trong Viêm Khớp Dạng Thấp và Hướng Điều Trị
Theo dõi Viện y dược dân tộc trên

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Thiếu máu trong viêm khớp dạng thấp là tình trạng phổ biến rất nhiều người bệnh gặp phải. Thậm chí, đây còn được xem là một trong những biến chứng nguy hiểm khiến người bệnh suy nhược cơ thể do thiếu máu trầm trọng. Vậy mối liên hệ giữa viêm khớp dạng thấp và thiếu máu là gì? Cách xử lý ra sao? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Định nghĩa viêm khớp dạng thấp và bệnh thiếu máu
Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý xương khớp phổ biến ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Đây là tình trạng tự miễn dịch gây ra viêm nhiễm trong lớp niêm mạc khớp. Bệnh biểu hiện với một số triệu chứng đặc trưng như đau nhức xương khớp, sưng đỏ, cứng khớp, hạn chế khả năng vận động.

Từ viêm khớp dạng thấp có thể phát triển thành nhiều biến chứng khác, trong đó có tình trạng thiếu máu. Thiếu máu là tình trạng số lượng hồng cầu trong cơ thể giảm xuống mức thấp, trong khi các tế bào này có nhiệm vụ vận chuyển oxy từ phổi đến các cơ quan còn lại của cơ thể. Lúc này, thiếu này sẽ biểu hiện với các triệu chứng như da dẻ nhợt nhạt, xanh xao, hồi hộp, tim đập nhanh, khó thở, yếu ớt…
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu máu còn gây ra rất nhiều ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể chất và khả năng nhận thức của người bệnh nói riêng. Thiếu máu là căn bệnh nguy hiểm cần chữa trị kịp thời, nếu không sẽ rất dễ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí gây tử vong.
Nguyên nhân gây ra thiếu máu trong viêm khớp dạng thấp
Theo các chuyên gia, tình trạng thiếu máu được hình thành chủ yếu do 2 nguyên nhân là thiếu sắt hoặc rối loạn mãn tính. Trong đó, bệnh viêm khớp dạng thấp chính là bệnh lý mãn tính được đánh giá có liên quan mật thiết đến thiếu máu. Một thống kê cho thấy có khoảng 30 – 70% người bệnh viêm khớp dạng thấp có triệu chứng thiếu máu.
Lý giải nguyên nhân này là do khi viêm khớp dạng thấp, cơ thể sẽ gây ra phản ứng miễn dịch dẫn đến viêm tại khớp hoặc lây lan sang nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Quá trình diễn ra viêm mãn tính có thể làm ức chế sự sản xuất của các tế bào hồng cầu trong tủy xương. Từ đó kích thích việc tăng giải phóng các protein liên quan đến việc sử dụng sắt trong cơ thể.
Đồng thời, tình trạng viêm nhiễm cũng làm ảnh hưởng ít nhiều đến việc sản xuất erythropoietin từ gan và thận. Đây vốn là một loại hormone có khả năng kiểm soát quá trình sản xuất hồng cầu.

Ngoài ra, tình trạng thiếu máu trong viêm khớp dạng thấp cũng có thể hậu quả của việc sử dụng các loại thuốc trị viêm khớp dạng thấp. Có thể kể đến như thuốc kháng viêm không steroid (NDAIDs) như naproxen, ibuprofen, meloxicam… có công dụng giảm đau, chống viêm.
Các loại thuốc này khi vào trong cơ thể bên cạnh phát huy công dụng thì cũng rất dễ gây ra tác dụng phụ như viêm loét dạ dày, chảy máu trong dạ dày hoặc các vị trí cơ quan khác của hệ tiêu hóa và gây ra thiếu máu trầm trọng.
Cách chẩn đoán tình trạng thiếu máu trong viêm khớp dạng thấp
Để bắt đầu chẩn đoán tình trạng thiếu máu trong viêm khớp dạng thấp, bác sĩ sẽ tiến hành khai thác các thông tin cần thiết liên quan đến tiền sử bệnh thông qua triệu chứng, biểu hiện lâm sàng và quan sát hình dạng bề ngoài, màu sắc của khớp viêm và các triệu chứng toàn thân.
Thường thì thiếu máu mức độ nhẹ sẽ không gây ra hoặc có rất ít triệu chứng nào trên lâm sàng. Ngược lại, nếu thiếu máu nghiêm trọng khiến cho số lượng hồng cầu giảm sút đáng kể, làm chậm hoặc gây gián đoạn khả năng vận chuyển oxy trong cơ thể có thể khiến người bệnh gặp phải một số triệu chứng như:
- Hoa mắt, chóng mặt;
- Mệt mỏi, suy yếu;
- Khó thở, thay đổi nhịp tim, dễ hồi hộp;
- Đau đầu, rụng tóc
- …
Dựa vào các triệu chứng này bác sĩ có thể kết luận sơ về tình trạng thiếu máu trong viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên cũng có rất nhiều trường hợp các triệu chứng thiếu máu bị trùng với một số triệu chứng sẵn có của bệnh viêm khớp, từ đó dễ bỏ sót và gây chẩn đoán sai lệch, điều trị sai cách khiến bệnh ngày càng nặng.
Vì vậy, trong trường hợp nghi ngờ bệnh viêm khớp dạng thấp có dấu hiệu thiếu máu, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh thực hiện một số xét nghiệm khác để đánh giá mức độ thiếu máu, tìm kiếm các bất thường trong máu để có thêm cơ sở dữ liệu chẩn đoán bệnh chính xác.
Sau đây là một số xét nghiệm máu cần thực hiện để chẩn đoán thiếu máu do viêm khớp dạng thấp:
1. Xét nghiệm công thức máu
Công thức máu đầy đủ là xét nghiệm máu nhằm xác định số lượng hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Cụ thể như sau:
- Hồng cầu: Tùy theo giới tính mà số lượng hồng cầu sẽ khác nhau. Trong đó, nam giới thường có giá trị khoảng 5 – 6 triệu tế bào hồng cầu/ micro lít, phụ nữ có giá trị hồng cầu thấp hơn khoảng 3.6 – 5.6 triệu tế bào hồng cầu/ micro lít.
- Bạch cầu: Số lượng tế bào bạch cầu thường dao động trong khoảng 5.000 – 10.000 / mỗi micro lít máu. Trường hợp có tình trạng nhiễm trung hoặc viêm nhiễm thì số lượng bạch cầu sẽ tăng lên.
- Hemoglobin: Đây là thành phần có chứa sắt của tế bào hồng cầu và mang oxy. Đối với nam giới là 13 – 18g/dl, nữ giới là 12 – 16g/dl.
- Tiểu cầu: Đây là thành phần quan trọng trong quá trình hình thành cục máu đông. Giá trị bình thường của tiểu cầu là từ 150.000 – 400.000/ mỗi micro lít.
- Bạch cầu: Chỉ số bạch cầu trung tính thường tăng lên do nhiễm khuẩn hoặc viêm cấp tính, lymphocyte tăng lên trong nhiễm virus, Monocyte tăng lên trong nhiễm trùng mãn tính, tăng chỉ số bạch cầu ái toan trong một số bệnh lý dị ứng.

Kết luận: Tình trạng viêm nhiễm sẽ gây ra sự thay đổi nhất định về số lượng tế bào máu. Trong đó, số lượng tế bào hồng cầu sẽ nhanh chóng giảm xuống, bạch cầu và tiểu cầu tăng lên. Sau khi loại trừ được các yếu tố thiếu máu do thiếu sắt hoặc mất máu thì tình trạng thiếu máu hiện tại chắc chắn là do viêm khớp dạng thấp hoặc các tình trạng viêm khác.
2. Xét nghiệm hóa sinh
Đây là một dạng xét nghiệm được sử dụng để đánh giá chức năng trao đổi chất chính của cơ thể. Bao gồm các xét nghiệm sau: xét nghiệm định lượng các chất điện giải, muối ion hóa trong máu hoặc trong các dịch mô như kali, natri, clorua…
Bên cạnh đó, xét nghiệm này giúp đánh giá chỉ số nguy cơ đối với các cơ quan khác như chức năng thận, bệnh tim mạch, chức nang gan, đái tháo đường… thông qua các chỉ số như glucose máu, bilan lipid, urê, creatinin máu…
3. Xét nghiệm máu chuyên khoa liên quan đến bệnh viêm khớp dạng thấp
- Tìm kiếm yếu tố thấp khớp (RF – Rheumatoid Factor): Yếu tố thấp khớp ở đây là một loại kháng thể chỉ xuất hiện ở những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Có đến 80% người viêm khớp dạng thấp đều có yếu tố này trong máu, nếu nồng độ này càng cao thì bệnh càng nặng.
- Tốc độ lắng đọng hồng cầu (ESR – Erythrocyte Sedimentation Rate): Bác sĩ tiến hành thu thập mẫu máu và cho vào một ống nghiêm để xem tốc độ lắng hồng cầu xuống đáy ống trong bao lâu. Nếu có yếu tố viêm nhiễm, các protein trong máu sẽ tụ lại với nhau nên tốc độ rơi sẽ nhanh hơn bình thường. Thông thường, ở một người khỏe mạnh thì tốc độ lắng sẽ dưới 20mm/ giờ, cụ thể 0 – 15mm/ giờ đối với nam giới và 0 – 20mm/ giờ đối với nữ.
- Kháng thể kháng nhân (ANA – Antinuclear Antibody): Đây là xét nghiệm giúp chẩn đoán một số bệnh thấp khớp nhất định. Xét nghiệm này được thực hiện bằng cách đặt huyết thanh của người bệnh lên một kính hiển vi đặc biệt có chứa các tế bào phát hiện nhân. Trong đó có đến 50% người bệnh dương tính với ANA nếu bị viêm khớp dạng thấp. Ngoài ra, xét nghiệm này đặc biệt hiệu quả với người mắc bệnh lupus ban đỏ với tỷ lệ 90% người mắc bệnh nếu dương tính với ANA.
- Kháng nguyên bạch cầu ở người HLA – B27: Xét nghiệm HLA – B27 là dấu hiệu di truyền có khả năng phát hiện một số bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp phản ứng, viêm khớp dính khớp, hội chứng Reiter…
- Protein phản ứng C (CRP: C – Reactive Protein): Nếu kết quả xét nghiệm CRP cao chứng tỏ có dấu hiệu của bệnh viêm cấp tính hoặc nhiễm trùng.
Phương pháp điều trị cải thiện thiếu máu do viêm khớp dạng thấp
Để điều trị hiệu quả tình trạng thiếu máu do viêm khớp dạng thấp còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Trong đó phương pháp điều trị được đánh giá hiệu quả nhất chính là tiếp tục điều trị tốt bệnh viêm khớp dạng thấp, khi yếu tố viêm bên trong cơ thể được kiểm soát thì tình trạng thiếu máu cũng sẽ được cải thiện nhanh chóng.
1. Điều trị bằng thuốc
Thông thường, người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD) để điều trị viêm khớp dạng thấp, giảm các triệu chứng viêm, từ đó cải thiện tình trạng thiếu máu do bệnh mạn tính. Cụ thể:

- Người bệnh thiếu máu thiếu sắt cần bổ sung các viên uống chứa sắt hoặc truyền sắt. Tuy nhiên cách này rất dễ gây dư thừa sắt và gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.
- Trường hợp thiếu máu hồng cầu to sẽ được yêu cầu bổ sung acid folic và vitamin B12 để hỗ trợ điều trị.
- Một số trường hợp điều trị bệnh thiếu máu có thể được chỉ định sử dụng erythropoietin tái tổ hợp ở người (EPO). EPO là chất có khả năng hoạt động tương tự như hormone erythropoietin tự nhiên, có nhiệm vụ kích thích sản xuất các tế bào hồng cầu.
- Theo các nghiên cứu lâm sàng cho thấy những người sử dụng EPO điều trị viêm khớp dạng thấp và thiếu máu sẽ giúp tăng nồng độ hemoglobin hiệu quả sau vài lần tiêm. Đây được xem là bước tiến mới trong việc điều trị thiếu máu trong viêm khớp dạng thấp.
2. Điều chỉnh lượng máu thông qua bổ sung các loại thực phẩm
Đối với những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp kèm theo tình trạng thiếu máu nên điều chỉnh lại thực đơn ăn uống sao cho phù hợp. Nên ưu tiên các loại thực phẩm bổ máu, tái tạo máu mà vẫn không làm tăng nặng tình trạng viêm khớp. Có thể kể đến một số loại thực phẩm như:

- Mỗi ngày sử dụng một lượng nhỏ thịt bò vì đây là loại thực phẩm bổ máu cực kỳ tốt. Tuy nhiên không nên ăn quá nhiều vì thịt bò rất dễ làm tăng nặng các triệu chứng viêm khớp dạng thấp.
- Bổ sung nhiều loại rau có lá màu xanh đậm giàu vitamin A, C, K, folate và sắt non – heme như bông cải xanh, cải bó xôi, rau chân vịt…
- Ăn nhiều trái cây tươi, ưu tiên các loại trái cây giàu vitamin C như cam, quýt, chanh, bưởi, kiwi, dâu tây… để tăng cường khả năng hấp thụ sắt, kích thích duy trì quá trình tuần hoàn máu đến khắp cơ thể.
- Uống sữa mỗi ngày vì sữa có chứa hàm lượng vitamin B12 cao rất có lợi cho những người bị thiếu máu.
- Uống nước ép củ cải đường giúp bổ sung lượng sắt lớn nhanh chóng phục hồi chỉ số tế bào máu cần thiết và cung cấp oxy mới cho cơ thể.
- Ăn nho khô nhiều hơn để tăng lượng chất kiềm và kích thích khả năng đào thải độc tố trong cơ thể.
- Sử dụng mật ong hằng ngày với liều lượng cho phép để tăng cường khả năng kháng viêm, chống khuẩn, đặc biệt hỗ trợ cân bằng huyết sắc tố.
- Tránh sử dụng các loại thực phẩm giàu chất béo, nhiều dầu mỡ, chất kích thích, thức ăn ngọt, cay nóng, nhiều gia vị… Bởi chúng đều là các loại đồ ăn thức uống làm tăng phản ứng sưng viêm khớp.
Một số lưu ý cần biết khi điều trị viêm khớp dạng thấp kèm theo thiếu máu
Các chuyên gia cho biết viêm khớp dạng thấp là bệnh viêm khớp mạn tính gây ra rất nhiều triệu chứng tại khớp và biểu hiện toàn thân ở nhiều mức độ khác nhau. Chính vì vậy, tùy theo mức độ phản ứng của từng người mà việc điều trị dứt điểm có thể hiệu quả hoặc không.
Hiện tại, các biện pháp điều trị thực chất chỉ mang tính chất làm giảm triệu chứng tạm thời chứ không có khả năng điều trị dứt điểm. Vì vậy, để hạn chế tái phát triệu chứng viêm khớp dạng thấp và đi kèm thiếu máu, người bệnh cần chú ý một số vấn đề sau đây:

- Xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh bằng cách thường xuyên vận động, tập thể dục thể thao đều đặn hằng ngày để cơ thể dẻo dai, linh hoạt. Đồng thời nâng cao hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng chống lại bệnh tật.
- Luôn giữ cho tinh thần thoải mái, vui vẻ, tránh stress kéo dài dẫn đến trầm cảm.
- Tạo thói quen ngâm tay, ngâm chân vào nước ấm để kích thích tuần hoàn máu. Tốt nhất nên làm vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ để dễ ngủ và ngủ ngon hơn.
- Đối với một số hoạt động cúi người, ngẩng đầu nên thực hiện chậm rãi, từ từ để hạn chế kích thích các triệu chứng thiếu máu như hoa mắt, chóng mặt, xay xẩm…
- Từ bỏ thói quen nghiện thuốc lá, rượu bia… để duy trì một sức khỏe tốt nhất.
Trên đây là tất cả những thông tin về vấn đề “thiếu máu trong viêm khớp dạng thấp” đang được nhiều người quan tâm. Thực tế đây không phải tình trạng quá nguy hiểm và cũng không khó để khắc phục, chỉ cần người bệnh thực hiện sớm và đúng cách. Mọi vấn đề thắc mắc về bệnh viêm khớp dạng thấp cũng như thiếu máu, người bệnh hãy liên hệ với bác sĩ để được thăm khám và tư vấn hướng xử lý phù hợp nhất.
Có thể bạn quan tâm
TIN BÀI NÊN ĐỌC
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!