Bệnh Chàm Sữa Ở Trẻ Sơ Sinh: Cách Chăm Sóc, Điều Trị
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Chàm sữa ở trẻ sơ sinh là một trong những bệnh lý ngoài da phổ biến hiện nay. Đặc trưng với các triệu chứng như da đỏ hồng, khô ráp, bong tróc, nổi mụn li ti kèm theo tình trạng ngứa ngáy khó chịu và ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ ngoài da của trẻ khiến bố mẹ hết sức lo lắng. Vậy phải làm sao để điều trị hiệu quả căn bệnh này?
Bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh là gì?
Chàm sữa hay còn được gọi với nhiều cái tên khác như bệnh lác sữa, chàm da Eczema hoặc viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh. Đây cũng chính là giai đoạn đầu của bệnh chàm thể tạng với các triệu chứng đặc trưng như da khô ráp, ửng đỏ. Những triệu chứng của bệnh thường xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau như trên mặt, 2 bên má, nhanh chóng lan ra khắp ở cả 2 tay, 2 chân hoặc toàn thân của trẻ sơ sinh.
Bệnh chàm sữa thường xảy ra chủ yếu ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ dưới 1 tuổi. Thông thường, khi trẻ dần lớn hơn khoảng 2 – 4 tuổi các triệu chứng bệnh sẽ nhanh chóng biết mất. Tuy nhiên, với những trường hợp trẻ đã hơn 4 tuổi nhưng nếu các triệu chứng của bệnh không thuyên giảm có thể nhanh chóng chuyển sang mạn tính và biến thành chàm thể tạng.
Bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh được chia làm 3 cấp độ chính gồm:
- Cấp tính: Trên da xuất hiện những đốm mụn nước có màu đỏ hồng, chứa dịch tiết và gây ngứa ngáy.
- Mạn tính: Từng mảng da tổn thương bong tróc, khô rát, dày sừng, thay đổi sắc tố da, ngứa ngáy…
- Bán cấp: Đây là giai đoạn tổn thương trung gian ở giữa giai đoạn cấp tính và mạn tính.
Căn bệnh chàm sữa có thể xuất hiện ở bất kỳ đứa trẻ sơ sinh nào, kể cả những trẻ có cơ địa khỏe mạnh. Bệnh có tính chất dai dẳng, kéo dài và thường xuyên tái đi tái lại. Bệnh này không gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh là gây ra chàm bội nhiễm, nhiễm trùng da gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và ngoại hình của trẻ.
Bên cạnh đó, bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh không có khả năng lây lan từ người sang người dù tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp thông qua các dụng cụ sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, bệnh chàm sữa nói riêng hoặc bệnh chàm da nói chung lại có tính di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nếu bố hoặc mẹ mắc bệnh thì con cái cũng có nguy cơ cao bị bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh
Bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh là một dạng của tình trạng rối loạn hệ miễn dịch. Nguyên nhân gây ra bệnh được các chuyên gia đánh giá phức tạp và chưa thể được xác định chính xác. Tuy nhiên, trong đó có một số yếu tố gây bệnh phổ biến như:
- Do di truyền: Bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh có tính chất di truyền. Nếu có bố hoặc mẹ có tiền sử mắc bệnh viêm mũi dị ứng, hen suyễn, viêm da dị ứng, chàm thể tạng… thì đời con của họ có nguy cơ cao mắc bệnh chàm.
- Do cơ địa nhạy cảm: Trẻ có cơ địa yếu, làn da nhạy cảm sẽ rất dễ bộc phát các triệu chứng bệnh chàm khi tiếp xúc với các tác nhân dị ứng như nấm mốc, khói bụi, lông chó mèo, thực phẩm (hải sản, trứng, sữa…). Đây chính là những tác nhân dị ứng có khả năng ức chế không cho cơ thể sản sinh kháng thể chống bệnh, từ đó khởi phát triệu chứng chàm ngứa.
- Do da khô thiếu nước: Sự thiếu hụt tế bào mỡ (ceramides) trên bề mặt da là một trong những nguyên nhân gây bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh do da bị mất nước, lâu dần dẫn đến khô da.
- Do dị ứng với hóa chất: Làn da của trẻ sơ sinh rất dễ bị khô, bong tróc và ngứa rát, lúc này bố mẹ thường sử dụng các loại kem dưỡng ẩm. Tuy nhiên, nếu tùy tiện sử dụng kem dưỡng ẩm có chứa các thành phần dị ứng, hóa chất hay chất tẩy có thể khiến da trẻ bị dị ứng, tăng nguy cơ bị chàm sữa.
- Dị ứng với môi trường: Nếu môi trường sống của trẻ bị ô nhiễm, nhiều khói bụi, nguồn nước ô nhiễm hay không khí lẫn tạp chất… đều là những tác nhân khiến cho làn da của trẻ bị kích ứng.
- Do đột biến gen: Một số trường hợp trẻ mắc bệnh chàm do đột biến gen trong quá trình mang thai… cũng là một trong những nguyên nhân gây ra chàm sữa ở trẻ sơ sinh.
Dấu hiệu nhận biết bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh
Những triệu chứng của bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh có thể dễ dàng quan sát bằng mắt thường. Có thể kể đến một số triệu chứng như:
- Trên bề mặt da xuất hiện các mảng đỏ, thô ráp và bong tróc vảy nhỏ li ti. Những triệu chứng này thường xuất hiện ở hai bên má, nếp gấp ở cánh tay, cẳng chân.
- Những đốm mụn nước li ti mọc chi chít trên da, nếu có tác động mạnh sẽ rất dễ vỡ ra, dịch tiết lan sang những vùng da bình thường khác, tạo thành lớp da dày sừng, khô cứng.
- Chỉ sau khoảng 1 tuần bùng phát triệu chứng bệnh, vùng da bị tổn thương rất ngứa ngáy, nứt nẻ và thậm chí là rỉ máu. Lúc này, bố mẹ cần chú ý giữ vệ sinh da, tránh để các loại vi khuẩn, virus xâm nhập vào sâu bên trong da gây nhiễm trùng.
- Vùng da bị tổn thương rất ngứa ngáy khiến trẻ có xu hướng đưa tay lên cào gãi, chà xát mạnh. Điều này kéo theo tình trạng trẻ quấy khóc, ăn ngủ không ngon và ít bú.
- Bên cạnh các triệu chứng ngoài da, bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh có thể gây ra các triệu chứng toàn thân như viêm mũi dị ứng, hen suyễn, sốt cao, mệt mỏi, khó thở… Lúc này, bố mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán, tư vấn phương án điều trị phù hợp.
Trẻ sơ sinh bị chàm sữa bao lâu thì khỏi? Có chữa khỏi được không?
Theo các chuyên gia da liễu, các triệu chứng bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh thường xuất hiện trên bề mặt da trong một khoảng thời gian rồi sẽ tự biến mất khi trẻ dần lớn lên. Thông thường, những triệu chứng này sẽ tự biến mất khi trẻ từ 2 – 7 tuổi hoặc nhanh hơn nếu bố mẹ biết cách chăm sóc và điều trị.
Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp các triệu chứng chàm sữa kéo dài và đeo bám dai dẳng cho đến khi trẻ 10 tuổi, thậm chí là cho đến khi trẻ lớn lên và chuyển biến thành bệnh chàm thể tạng. Lúc này, bệnh sẽ rất khó điều trị do đã ăn sâu vào máu gây nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài.
Đối với những trường hợp chàm sữa nhẹ thì triệu chứng có thể tự khỏi, tuy nhiên để quá trình tự khỏi diễn ra nhanh chóng và hiệu quả thì còn phụ thuộc vào các yếu tố như cách chăm sóc, điều trị bằng thuốc Tây, thuốc Đông y hoặc các mẹo dân gian tại nhà. Kết hợp với các biện pháp nâng cao hệ miễn dịch để nhanh chóng kiểm soát bệnh.
Phương pháp chữa trị bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh
Như đã biết, chàm sữa ở trẻ sơ sinh là bệnh lý da liễu rất dễ tái phát và mỗi lần bùng phát lại kéo dài dai dẳng. Theo các chuyên gia, nguyên tắc điều trị chàm sữa ở trẻ sơ sinh đó là phục hồi sự bình thường của làn da và phòng ngừa tái phát bệnh. Bởi bệnh chàm nói chung gần như không thể điều trị khỏi dứt điểm vĩnh viễn.
Hiện nay, để chữa trị chàm sữa ở trẻ sơ sinh thường sẽ áp dụng một số biện pháp sau đây:
1. Áp dụng các mẹo dân gian điều trị tại nhà
Khi trẻ sơ sinh bị chàm sữa ở mức độ nhẹ, bác sĩ thường khuyến khích bố mẹ áp dụng các biện pháp điều trị đơn giản tại nhà để hạn chế tối đa tác dụng phụ của các loại thuốc tân dược. Bởi ưu điểm của phương pháp này đó là an toàn, hiệu quả và lành tính cho làn da nhạy cảm của trẻ.
Dưới đây là một số mẹo dân gian phổ biến được áp dụng trong điều trị bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh:
- Dầu dừa: Đây là loại nguyên liệu lành tính và phát huy tác dụng chữa bệnh chàm hiệu quả đối với cả người lớn và trẻ em vì chứa hàm lượng vitamin, khoáng chất cao. Mỗi ngày, sau khi trẻ sơ sinh đã được tắm rửa sạch sẽ, thấm khô nước trên da thì dùng một lượng dầu dừa nhỏ thoa lên vùng da bị tổn thương, lưu ý bố mẹ nên xoa dầu dừa ra tay của mình trước rồi mới thoa lên da của trẻ.
- Lá ổi tươi: Trong lá ổi tươi có chứa một số dược chất với đặc tính kháng khuẩn, chống viêm tự nhiên và khá lành tính cho làn da của trẻ. Dùng một nắm lá ổi tươi, không sâu rầy, rửa sạch rồi cho vào nồi, đổ ngập nước và đun sôi trong khoảng 10 phút thì tắt bếp. Đổ nước lá ổi ra thau, đợi cho nước nguội một chút thì dùng khăn bông thấm nước lá ổi rồi rửa lên vùng da bị chàm của trẻ.
- Lá trầu không: Trong lá trầu không có chứa nhiều hoạt chất kháng khuẩn tự nhiên hiệu quả nên được sử dụng khá phổ biến trong điều trị bệnh chàm. Đun sôi nồi nước và cho lá trầu không đã rửa sạch vào nấu khoảng 10 phút. Đổ hết nước ra thau, đợi cho nguội bớt để làm nước tắm cho trẻ.
- Lá chè xanh: Cũng tương tự như lá trầu không, lá chè xanh có chứa hàm lượng cao hoạt chất chống oxy hóa, kháng viêm, diệt khuẩn, chống nấm và tăng cường hàng rào bảo vệ da của trẻ chống lại sự xâm nhập của các loại vi khuẩn gây bệnh. Đun nồi nước sôi và cho lá chè xanh đã rửa sạch vào nồi, nấu khoảng 10 phút cho các tinh chất lá chè xanh tiết hết ra. Đổ nước ra thau và đợi cho nguội bớt thì dùng nước này để tắm cho trẻ hằng ngày.
- Sữa mẹ: Trong sữa mẹ có chứa một số thành phần giảm đau, chất kháng viêm và vitamin tự nhiên nên được bố mẹ sử dụng để xử lý các triệu chứng bệnh chàm sữa. Trước tiên, rửa sạch vùng da bị chàm bằng nước ấm và thấm khô bằng khăn bông. Vắt sữa mẹ ra bình rồi dùng tăm bông thấm sữa thoa lên vùng da bị chàm của trẻ. Đợi khoảng 3 – 5 phút thì dùng khăn ướt lau sạch. Áp dụng mẹo này từ 5 – 6 lần/ tuần trong vòng 10 ngày để cải thiện hiệu quả triệu chứng bệnh.
Lưu ý: Áp dụng các mẹo dân gian chữa trị bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh chỉ nên áp dụng cho những trường hợp mắc bệnh mức độ nhẹ và triệu chứng không quá nghiêm trọng.
2. Dùng thuốc Tây chữa bệnh chàm sữa ở trẻ
Dựa vào các triệu chứng lâm sàng trên da mà tùy theo từng trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc Tây phổ biến trong điều trị bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh như:
- Nếu làn da của trẻ sơ sinh bị ửng đỏ hoặc rỉ dịch nên sử dụng các loại thuốc bôi có đặc tính sát khuẩn nhẹ như Eosin, Milian…
- Nếu có biểu hiện khô ráp, tróc vảy, nứt nẻ thì nên dùng nhóm thuốc chứa thành phần corticosteroid, điển hình như thuốc Eumovat có nồng độ thấp an toàn cho làn da của trẻ.
- Da trẻ dày sừng, khô ráp thì ưu tiên sử dụng các loại thuốc mỡ có chứa thành phần corticosteroid, tùy trường hợp có thể kết hợp với chất tiêu sừng như salicylic acid.
- Trẻ bị ngứa ngáy dữ dội, da đau rát sẽ được chỉ định sử dụng nhóm thuốc kháng histamine để giảm nhanh chóng cơn ngứa ngáy. Một số loại thuốc được sử dụng phổ biến trong nhóm này như alimemazin, chlorpheniramin…
- Sử dụng một số loại kem dưỡng ẩm, sát khuẩn và làm mềm da lành tính cho làn da của trẻ như Kem Biohoney Baby Balm, Aveeno Eczema Therapy, Bepanthen, Sudocream, Eucerin Eczema Relief, Mustela Stelatopia…
Lưu ý: Sử dụng thuốc Tây chữa bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh với ưu điểm phát huy hiệu quả nhanh chóng, tuy nhiên nếu dùng không đúng cách có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như:
- Đối với các loại thuốc kem bôi chứa corticosteroid nên dùng thuốc có nồng độ thấp, vì hoạt chất này quá cao sẽ làm ảnh hưởng nặng đến làn da của trẻ như teo da, mỏng da, suy tuyến thượng thận… nếu sử dụng trong thời gian dài.
- Tránh cho trẻ sơ sinh sử dụng thuốc kháng sinh để tránh gây ra tình trạng sốc phản vệ.
- Trẻ em là đối tượng có cơ địa làn da nhạy cảm, việc sử dụng thuốc Tây cần có sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ để tránh gây ra tác dụng phụ ngoài ý muốn.
3. Chữa chàm sữa ở trẻ sơ sinh bằng các bài thuốc Đông y
Tùy theo từng trường hợp cụ thể, độ tuổi của trẻ và mức độ bệnh nặng hay nhẹ mà các bậc phụ huynh có thể áp dụng biện pháp Đông y để chữa bệnh cho trẻ. Phương pháp này khá hiệu quả, an toàn và lành tính, tuy nhiên phải kiên trì sử dụng lâu ngày mới đạt được hiệu quả.
Một số bài thuốc Đông y chữa chàm sữa ở trẻ sơ sinh được sử dụng phổ biến là thuốc ngâm rửa và thuốc bôi, tuyệt đối không cho trẻ sơ sinh dùng thuốc uống vì sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ ngoài ý muốn.
- Bài thuốc ngâm rửa: Bài thuốc này phù hợp với hầu hết mọi đối tượng, trong đó có trẻ sơ sinh nhờ khả năng tiêu viêm, sát khuẩn, cải thiện hiệu quả các triệu chứng ngoài da. Chuẩn bị các loại dược liệu gồm hoàng liên, sài đất, khổ sâm, đơn đỏ, xuyên tâm liên… Đun sôi các loại dược liệu đã chuẩn bị, lọc lấy phần nước thuốc dùng để ngâm rửa vùng da bị chàm mỗi ngày 1 lần.
- Bài thuốc bôi số 1: Có tác dụng kích thích làm lành những tổn thương trên da, hỗ trợ tái tạo những tế bào da mới. Chuẩn bị các dược liệu gồm kim ngân hoa, đương quy, sa đằng tử, hồng hoa đem sắc với nước cho đến khi nước thuốc cô đặc lại. Dùng nước thuốc này để bôi lên da ngày 1 – 2 lần.
- Bài thuốc bôi số 2: Sử dụng bài thuốc này trong thời gian dài vừa giúp phục hồi những tổn thương trên da vừa hỗ trợ chăm sóc nuôi dưỡng da. Chuẩn bị các nguyên liệu gồm bí đao, tang bạch bì, cây vảy ngược, mật ong nguyên chất. Đun sôi dược liệu với nước và đợi cho nước cô đặc lại thì dùng để bôi lên da ngày 2 lần (sáng và tối). Lưu ý không áp dụng bài thuốc bôi này cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Cách phòng ngừa tái phát bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh
Chàm sữa ở trẻ sơ sinh là bệnh lý rất dễ tái phát khi cơ thể tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng. Vì vậy, bên cạnh việc điều trị làm bình thường hóa làn da, bố mẹ cũng cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa dựa trên các yếu tố gồm chế độ ăn uống, môi trường sống xung quanh và cách vệ sinh làn da của trẻ.
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên cho bú hoàn toàn bằng sữa mẹ lâu nhất có thể, nếu muốn cho trẻ ăn dặm phải thực hiện từ 6 tháng trở lên. Trong chế độ ăn uống hằng ngày, nên tránh cho trẻ ăn các loại thực phẩm dị ứng như hải sản, từntrừng, thực phẩm lên men, đậu phộng…
- Thực hiện vệ sinh thân thể cho trẻ hằng ngày, không tắm trong thời gian quá lâu với các loại xà phòng chứa chất kích ứng. Thay vào đó nên tắm bằng nước ấm để giảm thiểu cơn ngứa ngáy, vì càng ngứa sẽ càng khiến cho trẻ gãi mạnh dễ gây ra nhiễm khuẩn.
- Sau khi tắm nên thấm khô người bằng khăn bông, cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi, chất liệu cotton thấm hút để tránh gây bít tắc làn da.
- Chú ý nhiệt độ trong môi trường sống của trẻ, không nên để nhiệt độ phòng thay đổi đột ngột, đặc biệt là phòng ngủ của trẻ. Vệ sinh nhà cửa, chăn drap gối nệm sạch sẽ. Duy trì độ ẩm cần thiết cho không gian bằng cách sử dụng máy tạo độ ẩm và tránh cho trẻ tiếp xúc với các loại thú cưng như mèo, chó…
- Việc sử dụng các loại thuốc, kem bôi điều trị bệnh chàm sữa cho trẻ sơ sinh cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
- Nếu vùng da bị chàm của trẻ bị nứt nẻ, đốm mụn mủ vỡ ra nên nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị xử lý, phụ huynh không tự ý bôi thuốc để tránh gây ra tác dụng phụ.
Chàm sữa ở trẻ sơ sinh là bệnh lý da liễu phổ biến mà hầu như đứa trẻ nào cũng đã từng mắc phải. Bệnh không quá nguy hiểm nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng cách. Vì vậy ngay khi phát hiện các triệu chứng bệnh chàm ở trẻ, bố mẹ nên hết sức bình tĩnh để chọn cách điều trị phù hợp. Nếu bệnh có diễn tiến nặng nên nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán điều trị kịp thời.
Có thể bạn quan tâm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!