Ngủ là nhu cầu sống cần thiết của con người, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, ngủ chiếm thời gian ⅓ cuộc đời của mỗi người. Thông thường, một người bình thường sẽ ngủ trung bình từ 7 - 8 tiếng/ đêm. Để đảm bảo chất lượng giấc ngủ, chúng ta cần đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cơ bản như ngủ đủ giờ, ngủ sâu và khi thức dậy cảm thấy thực sự khỏe khoắn, tỉnh táo…
Trên thực tế, mất ngủ là một dạng rối loạn thần kinh được khởi phát từ nhiều nguyên nhân. Chủ yếu là do cơ thể mất dần khả năng sản sinh hormone gây buồn ngủ (melatonin). Mất ngủ thực chất là khi giấc ngủ của bạn rơi vào trạng thái rối loạn. Ban đêm, người bệnh khó đi vào giấc ngủ, trằn trọc, không thể ngủ sâu giấc, dễ giật mình tỉnh giấc giữa đêm khuya hoặc lúc sáng sớm.
Các chuyên gia cũng cho biết thêm, đây là bệnh lý xuất hiện phổ biến ở người cao tuổi, phụ nữ mãn kinh và những người bị bệnh trầm cảm, thường xuyên đối mặt với áp lực hoặc chấn thương tâm lý kéo dài…
Bệnh mất ngủ được chia làm 2 loại chủ yếu gồm:
- Mất ngủ cấp tính: Đây là bệnh mất ngủ tạm thời, các triệu chứng của mất ngủ chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn, khoảng vài tuần và sẽ biến mất. Nguyên nhân chủ yếu gây ra mất ngủ là do ăn uống không đủ chất, thói quen sinh hoạt không lành mạnh, ảnh hưởng từ một số bệnh lý cấp tính như đau bụng, đau đầu, đau răng… và đặc biệt là phải đối mặt với những chấn thương tâm lý hoặc áp lực đột ngột.
- Mất ngủ mãn tính: Bệnh mất ngủ ở giai đoạn này biểu hiện với các triệu chứng như ngủ chập chờn, không sâu giấc, dễ giật mình… nhưng với tần suất thường xuyên hơn so với giai đoạn đầu, ít nhất 3 lần/ tuần và kéo dài hơn 1 tháng, mỗi đêm chỉ ngủ được khoảng 3 - 4 tiếng. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do tuổi tác cao, tác dụng phụ của thuốc, sử dụng nhiều chất kích thích cũng như mắc các bệnh viêm khớp, huyết áp, trầm cảm, rối loạn lo âu…