Viêm Xoang Mãn Tính: Triệu Chứng Và Phương Pháp Điều Trị
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Viêm xoang mãn tính thường được nhắc đến với các triệu chứng nặng nề, khó chịu và kéo dài dai dẳng hơn so với viêm xoang cấp tính. Nếu viêm xoang mãn tính không được điều trị kịp thời chắc chắn sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe và thậm chí tính mạng của người bệnh.
Viêm xoang mãn tính là gì?
Viêm xoang mãn tính chính là giai đoạn nặng của viêm xoang cấp tính nhưng không được chữa trị đúng cách. Lúc này, các mô xoang bên trong mũi bị sưng phù, viêm nhiễm nghiêm trọng và kéo dài hơn 12 tuần, tái đi tái lại thường xuyên khiến cho dịch nhầy ứ đọng quá mức, làm gián đoạn hoạt động dẫn lưu dịch và bùng phát các triệu chứng nghiêm trọng hơn so với giai đoạn đầu.
Viêm xoang mãn tính được chia làm nhiều dạng khác nhau và phân loại dựa theo cấu tạo trên cơ thể như: viêm xoang trán, viêm xoang bướm, viêm xoang sàng… Trường hợp hốc xoang tại nhiều vị trí cùng bị viêm được gọi là viêm đa xoang. Nếu như viêm xoang cấp tính chỉ khởi phát do nhiễm trùng hay dị ứng thì viêm xoang mãn tính xuất phát chủ yếu do các yếu tố bên trong hoặc bên ngoài cơ thể như dị tật vách ngăn mũi lệch, xuất hiện polyp mũi.
Bệnh viêm xoang mãn tính là căn bệnh phổ biến có thể xảy ra ở mọi đối tượng nhưng thường gặp nhất ở những người trong độ tuổi thanh niên, trung niên. Thể bệnh này cần được điều trị càng sớm càng tốt vì triệu chứng của bệnh không thể tự biến mất như thể cấp tính. Tùy vào từng trường hợp cụ thể bệnh nặng hay nhẹ mà bác sĩ sẽ hướng dẫn phác đồ điều trị phù hợp.
Triệu chứng đặc trưng của viêm xoang mãn tính
Thực tế thì các triệu chứng của bệnh viêm xoang mãn tính cũng tương tự như viêm xoang cấp tính, tuy nhiên với mức độ nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, nếu dựa vào triệu chứng để chẩn đoán viêm xoang mãn tính thì cần đảm bảo xác định được ít nhất 2 trong các triệu chứng dưới đây:
- Liên tục chảy ngược dịch nhầy từ mũi ra ngoài hoặc từ mũi xuống họng rồi được khạc ra ngoài. Nguyên nhân là do tình trạng dịch nhầy ứ đọng quá mức bên trong hốc xoang.
- Bị tắc nghẽn mũi hoàn toàn dẫn đến khó thở, thường xuyên thở bằng miệng, đặc biệt là trong lúc ngủ.
- Có cảm giác nặng mặt, vùng má, trán, mắt bị sưng phù.
- Suy giảm khứu giác và vị giác.
Ngoài các triệu chứng đặc trưng như vừa kể trên, tùy từng trường hợp mà viêm xoang mãn tính còn được biểu hiện với một số triệu chứng toàn thân khác như:
- Ho nhiều, đặc biệt là vào ban đêm;
- Đau họng, chủ yếu ở khu vực răng hàm trên và xương hàm;
- Đau cổ, đau tai;
- Buồn nôn, nôn ói;
- Đau đầu dữ dội, suy giảm thị lực;
- Hôi miệng;
- Mệt mỏi, suy nhược, sụt cân;
- …
Qua các triệu chứng trên có thể nhận thấy rõ ràng sự khác nhau giữa viêm xoang mãn tính và viêm xoang cấp tính đó là không xuất hiện triệu chứng hành sốt khi viêm xoang đã chuyển sang mãn tính.
Nguyên nhân gây bệnh viêm xoang mãn tính
Nguyên nhân hình thành nên viêm xoang mãn tính là sự tích tụ dịch nhầy trong các hốc xoang nhưng bị cản trở không thể tống chất nhờn ra ngoài. Sau thời gian tích tụ bên trong xoang ẩm ướt và gây ra nhiễm trùng. Đây là cơ chế hình thành viêm xoang mãn tính và dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này:
- Hình thành các khối polyp mũi: Vì một nguyên nhân nào đó làm xuất hiện các khối polyp mũi trong xoang sẽ vô tình làm cản trở sự hoạt động tại khu vực này, tắc khe mũi dẫn lâu ngày dẫn đến viêm xoang.
- Bị vẹo vách ngăn mũi: Vách ngăn mũi bị vẹo do dị tật bẩm sinh hoặc chấn thương mạnh gây hẹp đường thở, gián đoạn quá trình lưu thông không khí và chất nhầy, từ đó gây viêm xoang mãn tính.
- Chấn thương mặt: Khu vực mặt, đặc biệt tại mũi bị chấn thương mạnh tác động gây gãy xương có thể làm tắc nghẽn ống xoang, nếu không được điều trị sớm sẽ hình thành viêm xoang mãn tính.
- Nhiễm trùng: Sự xâm nhập tấn công của các loại virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng… vào bên trong xoang mũi khiến khu vực này nhanh chóng bị viêm nhiễm.
- Dị ứng: Cơ thể dị ứng và bộc phát triệu chứng khi tiếp xúc với các dị nguyên cũng là một trong những nguyên nhân tạo ra phản ứng viêm và làm tắc nghẽn xoang mũi, dẫn đến viêm xoang mãn tính.
- Biến chứng của một số bệnh lý: Một số bệnh lý mạn tính được đánh giá có liên quan đến viêm xoang như tiểu đường, trào ngược dạ dày, nhiễm HIV, biến chứng của các xơ nang… làm tăng nguy cơ bị viêm xoang mãn tính vì suy giảm hệ miễn dịch.
Ngoài các nguyên nhân vừa kể trên, viêm xoang mãn tính còn là hậu quả của một số vấn đề sau:
- Không điều trị bệnh giai đoạn cấp: Khi bệnh còn ở giai đoạn nhẹ nhưng không điều trị, chủ quan bệnh sẽ tự khỏi khiến bệnh tái đi tái lại nhiều lần và hậu quả là dẫn đến mãn tính khó trị.
- Sử dụng thuốc sai cách: Việc tự ý sử dụng thuốc trị bệnh không rõ tác dụng và dùng sai cách, liều lượng không đúng hoặc dừng sử dụng thuốc khi chưa kết thúc liệu trình là nguyên nhân phổ biến gây nhờn thuốc hoặc làm suy giảm sức đề kháng, bệnh không những không khỏi mà còn ngày càng nặng hơn. Ngoài ra, lạm dụng thuốc kháng sinh quá mức trong giai đoạn cấp cũng rất dễ gây ra tác dụng phụ.
- Rửa mũi sai cách: Rửa mũi hằng ngày là điều nên làm khi bị viêm xoang. Tuy nhiên, có không ít người rửa mũi sai cách dẫn đến hậu quả khó lường. Chẳng hãn như dùng nước muối có nồng độ không phù hợp, quá nhạt hoặc quá mặn… cũng có thể khiến tình trạng viêm nhiễm trở nên nghiêm trọng.
- Không bảo vệ mũi đúng cách: Không đeo khẩu trang che chắn, để mũi tiếp xúc với khói bụi hoặc thường xuyên sử dụng các chất kích thích là những nguyên nhân làm tăng nặng triệu chứng viêm xoang.
Biến chứng viêm xoang mãn tính nguy hiểm như thế nào?
Các chuyên gia cho biết viêm xoang mãn tính không phải căn bệnh quá nguy hiểm, có thể chữa trị được. Ngược lại, nếu không điều trị kịp thời đúng cách các biến chứng vẫn có thể xuất hiện gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người bệnh. Có thể kể đến một số biến chứng như:
- Viêm màng não: Nhiễm trùng hốc xoang kéo dài gây viêm màng và các chất lỏng xung quanh não, tủy sống.
- Lên cơn hen: Từ viêm xoang mãn tính có thể biến chứng thành các cơn ho hen nặng nề, nghiêm trọng.
- Biến chứng ở mắt: Các ổ khuẩn lây lan rất nhanh chóng, nếu lan rộng đến bộ phận mắt sẽ làm suy giảm thị lực, thậm chí gây mù lòa vĩnh viễn.
- Biến chứng phình động mạch hoặc tụ máu đông: Viêm xoang nặng do nhiễm trùng có thể gây ra hàng loạt vấn đề trong các tĩnh mạch quanh xoang, cản trở nguồn cung cấp máu, thậm chí dẫn đến đột quỵ, tử vong.
Chẩn đoán viêm xoang mãn tính
Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây viêm xoang mãn tính, đầu tiên bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng bằng cách tìm kiếm vị trí đau và dùng công cụ giữ mũi cùng với thuốc co rút mạch máu, sau đó dùng đèn soi vào bên trong mũi để đánh giá tình trạng viêm cũng như tìm kiếm chất dịch nhầy. Biện pháp thăm khám kiểm tra này còn giúp loại trừ một số yếu tố vật lý có thể kích hoạt phản ứng viêm trong hốc xoang như polyp mũi hay các chấn thương bất thường khác.
Ngoài ra, để có thêm cơ sở dữ liệu nhằm đánh giá và đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác nhất, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh thực hiện thêm một hoặc vài xét nghiệm khác sau đây:
- Nội soi mũi: Sử dụng một ống nội soi nhỏ, dài có gắn camera đầu dò vào bên trong mũi để quan sát trực quan cấu trúc và tình trạng viêm bên trong mũi.
- Xét nghiệm hình ảnh: Hình ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT scan) giúp phát hiện chính xác tình trạng và mức độ tổn thương của xoang mũi cùng toàn bộ khu vực lân cận. Phương pháp xét nghiệm này giúp quan sát sâu ổ viêm hoặc vị trí hốc xoang bị viêm bị cản trở mà nội soi khó phát hiện được.
- Test phản ứng với dị nguyên: Những trường hợp mà bác sĩ nghi ngờ viêm xoang mãn tính có liên quan đến các yếu tố dị ứng cần phải thực hiện test dị nguyên. Để thực hiện cách này, bác sĩ sẽ sử dụng miếng pad có chứa dị nguyên nhất định lên trên bề mặt da rồi quan sát phản ứng của cơ thể, sau đó đưa ra kết luận chính xác.
- Nuôi cấy dịch mũi và xoang: Trường hợp nghi ngờ viêm xoang mãn tính do nhiễm trùng bắt buộc phải tiến hành thu mẫu phẩm dịch nhầy trong hốc mũi đi nuôi cấy và xét nghiệm, xác định loại vi khuẩn, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Phương pháp điều trị viêm xoang mãn tính hiệu quả
Mục tiêu của việc điều trị viêm xoang mãn tính là làm giảm phản ứng viêm bên trong, làm thông thoáng đường mũi, loại trừ nguyên nhân gây bệnh và phòng ngừa tái phát. Để đạt được điều này, người bệnh cần điều trị theo đúng phác đồ do bác sĩ hướng dẫn, trong đó các biện pháp được áp dụng phổ biến để điều trị viêm xoang mãn tính có thể kể đến như:
1. Dùng thuốc Tây
Một số loại thuốc Tây thường được bác sĩ kê đơn sử dụng trong điều trị viêm xoang mãn tính như:
- Thuốc xịt mũi: Bên cạnh các dung dịch rửa mũi dạng xịt, người bệnh cũng có thể sử dụng Corticosteroid xịt mũi để diệt khuẩn đang trú ngụ trong các hốc xoang. Một số loại thuốc xịt mũi được khuyên dùng như: Budesonide(Rhinocort Aqua), Mometasone (Nasonex), Fluticasone (Flisonase), Triamcinolone (Nasacort AQ), Beclomethasone (Beconase AQ)…
- Corticosteroid dạng uống hoặc tiêm: Với những trường hợp bị viêm xoang mãn tính cấp độ nặng, đặc biệt viêm xoang do xuất hiện polyp, khối u ở mũi mới được chỉ định sử dụng nhóm thuốc này. Trong đó có hai loại phổ biến nhất là Prednisone và Methylprednisolone.
- Thuốc thông mũi: Trong hầu hết các trường hợp bị viêm xoang mãn tính đều được kê đơn các loại thuốc thông mũi dạng xịt, dạng viên hay dạng thuốc nước. Các loại thuốc này hầu như đều có chứa thành phần Actifed, Sudafed và Drixoral… Trong đó có 2 loại phổ biến là thuốc thông mũi, miệng OTC hoặc thuốc phenyllephrine và oxymetazoline.
- Thuốc giảm đau: Hầu hết những trường trường hợp bị viêm xoang mãn tính đều gặp phải triệu chứng đau nhức vùng mũi, trán, mắt rất khó chịu. Vì vậy, người bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc giảm đau thông dụng để giảm bớt cơn đau. Một vài loại giảm đau phổ biến như: Aspirin, Acetaminophen (Tylenol) hoặc Ibuprofen (Motrin IB, Advil…)…
- Thuốc kháng sinh: Loại thuốc này thường được chỉ định sử dụng với các trường hợp bị viêm xoang mãn tính do nhiễm khuẩn. Có thể kể đến một số loại phổ biến như Cefadroxil, Cefadroxil, Amoxicillin, Ceruroxim, Loratadin, Pheramin… Khi sử dụng kháng sinh cần hết sức lưu ý tuân thủ liều dùng, có thể sử dụng từ 10 – 14 ngày hoặc lâu hơn để cải thiện các triệu chứng.
- Tiêm miễn dịch: Những người bị viêm xoang mãn tính do dị ứng thường rất khó để điều trị dứt điểm vì chỉ cần tiếp xúc với dị nguyên sẽ kích hoạt các triệu chứng ngay lập tức. Vì vậy, phương pháp tối ưu nhất là tiêm dị ứng (miễn dịch) để cơ thể nhận biết và hạn chế phản ứng viêm khi tiếp xúc với dị nguyên.
2. Điều trị theo Đông y
Theo ghi chép trong Đông y, viêm xoang là căn bệnh được hình thành do Thận âm hư, Phế nhiệt và Can hỏa vượng thịnh. Hiểu đơn giản là khi các cơ quan này bị tấn công và suy yếu khiến khả năng phòng vệ suy giảm, tà khí, khí độc xâm nhập vào bên trong cơ thể khiến ứ trệ khí huyết, ứ đọng dịch trong mũi, gây tắc nghẽn và hậu quả là viêm xoang.
Viêm xoang ở giai đoạn mãn tính rất khó trị, phải dùng nhiều thuốc hơn và phác đồ điều trị cũng mất nhiều thời gian hơn. Để trị viêm xoang mãn tính theo Đông y chủ yếu tập trung vào tiết nhiệt giải độc, thanh phế và khu phong tán hàn. Đồng thời, tăng cường cải thiện chức năng thận, đẩy lùi tà khí và cân bằng âm dương, trị dứt điểm tình trạng xoang, ngăn ngừa bệnh tái phát trong thời gian dài.
Bài thuốc Đông y chữa viêm xoang mãn tính hiệu quả phải đem lại tác dụng dưỡng âm, nhiệt giải độc, nhuận táo thanh. Cách thực hiện như sau:
- Chuẩn bị các vị thuốc gồm: sinh địa, kim ngân hoa, ngư tinh thảo, hy thiêm thảo và ké đầu ngựa mỗi loại 16g, 12g mạch môn cùng 8g trần bì.
- Cho hết số vị thuốc trên vào ấm sắc cùng 750ml nước, đậy kín nắp đun trên lửa vừa.
- Đun cho đến khi nước thuốc cạn xuống còn khoảng 250ml thì tắt bếp, lọc lấy nước thuốc chia làm 3 phần uống hết trong ngày. Nên uống khi thuốc còn ấm để đạt hiệu quả tốt nhất.
Bên cạnh các bài thuốc tận dụng các vị thuốc quý để chữa bệnh thì trong Đông y cũng có các liệu pháp vật lý trị liệu hay kết hợp làm tăng kết quả trị bệnh. Trong đó phổ biến nhất là liệu pháp cứu ấm (dùng hơi nóng của ngải cứu) và châm cứu (tại các huyệt xung quanh mũi, hốc xoang và các huyệt vùng cổ gáy). Cụ thể như sau:
- Xoa bóp: Liệu pháp này bao gồm các thủ thuật như chà xát, xoa, day, nắn, miết, ấn nhẹ nhàng lên vùng mặt, vùng xoang mũi và vùng cổ gáy để làm giảm áp lực, kích thích dẫn lưu dịch nhầy và giảm đau nhức hiệu quả.
- Ấn huyệt: Dùng lực vừa phải ấn tại các huyệt có liên quan tại vùng đầu cổ, tay, chân để giúp hỗ trợ giảm đau nhức, khó chịu tại hốc xoang. Một số huyệt liên quan đến viêm xoang mãn tính như huyệt bách hội (nằm giữa đỉnh đầu), huyệt hợp cốc (nằm giữa ngón cái và ngón trỏ), huyệt ấn đường (nằm giữa hai chân mày), huyệt thượng tinh (nằm giữa đường chân tóc phía trước trán), huyệt nghinh hương (nằm ở khóe ngoài lỗ mũi)…
Lưu ý, thông thường một liệu trình trị liệu sẽ kéo dài từ 10 – 15 ngày, mỗi lần khoảng 20 phút tùy theo mức độ nặng hay nhẹ và tiến triển của bệnh qua những lần trị liệu trước.
3. Can thiệp phẫu thuật nếu cần
Sau một thời gian dài áp dụng các biện pháp điều trị bảo tồn nhưng không hiệu quả, bệnh vẫn tiếp tục diễn tiến nặng hơn và có nguy cơ xuất hiện biến chứng, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định cho người bệnh tiến hành phẫu thuật để ngăn chặn sự nguy hiểm của các biến chứng liên quan. Ngoài ra, những trường hợp viêm xoang mãn tính mà ngay từ đầu được xác định là do bất thường trong cấu trúc mũi như xuất hiện polyp, lệch vách ngăn, hẹp đường thở… cũng sẽ được chỉ định phẫu thuật để loại bỏ nguyên nhân gây bệnh, sau đó tiến hành phục hồi chức năng sinh lý vốn có của xoang.
Hiện nay, có hai phương pháp phẫu thuật viêm xoang mãn tính phổ biến là phẫu thuật nội soi và nạo xoang. Trong đó nội soi vẫn là phương pháp được ưu tiên áp dụng hàng đầu vì có tỷ lệ thành công cao, an toàn, nhanh khỏi và ít rủi ro. Để thực hiện, bác sẽ sẽ tiến hành đưa vào bên trong mũi một thiết bị nội soi nhỏ có gắn đèn và camera đầu dò vào sâu bên trong khoang mũi. Sau đó, tùy theo nguyên nhân gây tắc nghẽn khoang mũi là gì mà sĩ sẽ thực hiện loại bỏ bằng cách cắt hoặc nạo khối u, khối polyp, đồng thời mở rộng lỗ xoang bị hẹp nhằm khai thông đường thở, dẫn lưu dịch nhầy…
Mặc dù phẫu thuật đem lại hiệu quả cao trong việc giải quyết nguyên nhân gây viêm xoang nhưng phương pháp này có thể làm suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể. Không những vậy, người bệnh cũng rất dễ gặp phải những rủi ro trong và sau khi phẫu thuật nếu không kỹ lưỡng, hậu quả khiến bệnh tái phát trở lại.
4. Kết hợp áp dụng các biện pháp khắc phục tại nhà
Bên cạnh các biện pháp điều trị chuyên môn, người bệnh cũng nên kết hợp áp dụng một số biện pháp khắc phục, làm giảm bớt triệu chứng viêm xoang mãn tính như:
- Uống nhiều nước: Uống nhiều nước lọc, nước ép trái cây… có khả năng làm loãng dịch nhầy trong mũi, kích thích quá trình đào thải thoát nước, khi dịch nhầy được tống ra khỏi hốc xoang giúp mũi thông thoáng, dễ chịu, giảm đau nhức cho người bệnh. Lưu ý không nên sử dụng các loại thức uống có chứa chất kích thích như caffein, rượu bia vì chúng sẽ làm khử nước, càng làm tăng nặng tình trạng sưng phù màng xoang, mũi cũng như không tốt cho sức khỏe.
- Xông mặt: Có nhiều cách để xông mặt, chẳng hạn như xông hơi từ chậu nước nóng pha tinh dầu, trùm khăn ấm lên mặt hoặc tắm nước nóng từ vòi sen và hít thở không khí ấm. Những mẹo này đều rất đơn giản nhưng đem lại hiệu quả giảm đau, giảm dịch nhầy hiệu quả.
- Nghỉ ngơi nhiều hơn: Khi nghỉ ngơi đủ sẽ giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi, nâng cao thể trạng và chống lại tình trạng nhiễm trùng.
- Vệ sinh mũi: Mỗi ngày đều phải rửa mũi bằng nước muối sinh lý, nước muối loãng tự pha hoặc khí dung đường mũi. Cách này sẽ giúp giảm tình trạng viêm, rửa trôi các chất dị ứng, chất kích thích, làm thông thoáng đường mũi, giảm nhanh các triệu chứng hiệu quả.
- Kê cao đầu khi ngủ: Khi ngủ nên đặt gối cao hơn so với bình thường để giúp giảm bớt sự tắc nghẽn, quá trình lưu thông không khí và dịch nhầy diễn ra trơn tru hơn.
Hướng dẫn cách phòng ngừa sớm viêm xoang mãn tính
Viêm xoang mãn tính là căn bệnh hô hấp rất khó điều trị vì dù đã khỏi nhưng vẫn có thể tái phát bất kỳ lúc nào. Vì vậy, người bệnh cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa ngay từ đầu để tránh tái phát, chủ động ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm về sau. Gợi ý các bước phòng chống mắc viêm xoang mãn tính đơn giản như sau:
- Hạn chế tiếp xúc với những người đang bị cảm lạnh, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, đặc biệt là trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh để giảm nguy cơ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên.
- Luôn luôn đeo khẩu trang y tế khi ra ngoài để tránh khói bụi, khói thuốc lá, hóa chất xâm nhập vào bên trong mũi.
- Tạo thói quen giữ vệ sinh mũi bằng cách rửa mũi và đánh răng ít nhất 2 lần/ ngày trước và sau khi ngủ dậy.
- Thăm khám để biết được các yếu tố dị ứng với bản thân và tránh xa những dị nguyên này.
- Khuyến khích sử dụng máy tạo độ ẩm tại nơi sinh hoạt, nơi làm việc để làm ẩm không khí, tránh làm khô mũi, ngăn ngừa viêm xoang.
Viêm xoang mãn tính là căn bệnh không đơn giản như những bệnh hô hấp thông thường vì rất dễ gây biến chứng, đặc biệt là các biến chứng liên quan đến hộp sọ, thần kinh, mắt… Vì vậy, người bệnh không nên chủ quan, lơ là trong điều trị mà hãy chủ động thăm khám để được bác sĩ chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị phù hợp, sớm thoát khỏi bệnh tật và các biến chứng khó lường.
Có thể bạn quan tâm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!