Viêm Mũi Vận Mạch Là Gì? Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Cách Điều Trị
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Viêm mũi vận mạch hay còn được gọi là viêm mũi vô căn, đây là một thể viêm mũi thường gặp nhưng không phải do dị ứng. Các triệu chứng của viêm mũi vận mạch thường dai dẳng và kéo dài liên tục trong vài ngày cho đến vài tháng. Nếu người bệnh chủ quan lơ là trong việc điều trị sẽ gây ảnh hưởng sức khỏe và nhiều biến chứng bệnh lý nguy hiểm khác.
Bệnh viêm mũi vận mạch là gì?
Bệnh viêm mũi vận mạch là một trong những bệnh lý đường hô hấp phổ biến, có tỷ lệ mắc cao khi xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Bệnh được hình thành do tiếp xúc với các tác nhân từ bên ngoài như thời tiết, vi khuẩn, nấm mốc, bụi bẩn… tạo ra phản ứng giữa hệ thần kinh và giao cảm bên trong niêm mạc mũi. Từ đó làm kích phát các triệu chứng kích ứng thông thường như hắt hơi, nghẹt mũi, chảy nước mũi…
Khác với viêm mũi dị ứng, viêm mũi vận mạch chỉ xảy ra ở người trưởng thành trên 20 tuổi, nữ giới thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới và không gây ra triệu chứng ngứa mũi, ngứa mắt hay chảy nước mắt.
Theo các chuyên gia, bệnh viêm mũi vận mạch còn được gọi là viêm mũi vô căn vì cho đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra bệnh. Đã có rất nhiều cuộc nghiên cứu, xét nghiệm như xét nghiệm máu IgE, xét nghiệm tế bào học hay tiêm dị nguyên dưới da nhưng cũng không thể tìm thấy các tế bào viêm đặc hiệu.
Căn bệnh này mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây nhiều phiền toái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống hằng ngày. Thậm chí những trường hợp chủ quan không điều trị vì nghĩ đây chỉ là bệnh hô hấp thông thường khiến bệnh chuyển sang mãn tính với các triệu chứng và biến chứng nguy hiểm.
Triệu chứng của bệnh viêm mũi vận mạch
Những triệu chứng của bệnh viêm mũi vận mạch có thể thoáng qua hoặc kéo dài khá dai dẳng kể từ khi bùng phát bệnh. Những triệu chứng này tương đồng với nhiều bệnh lý hô hấp khác, có thể kể đến như:
- Hắt hơi: Người bệnh hắt hơi liên tục không thể dừng lại, kéo thành một tràng dài. Đặc biệt triệu chứng này thường trở nên nặng hơn vào buổi sáng khi vừa ngủ dậy, nửa đêm về sáng hoặc khi thời tiết trở nặng.
- Nghẹt mũi: Những người bị viêm mũi vận mạch hầu như đều gặp phải triệu chứng này. Nghẹt mũi có thể xuất hiện ở một bên hoặc cả hai bên. Triệu chứng này kéo theo khó thở, người bệnh phải thở bằng miệng. Thậm chí càng về đêm triệu chứng này càng nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của bạn.
- Chảy nước mũi: Bên trong các hốc mũi tiết nhiều dịch nhầy khiến dịch chảy ra ngoài nhiều hơn so với bình thường.
- Đỏ mũi: Việc tiếp xúc với các tác nhân dị ứng khiến lớp niêm mạc mũi bị kích ứng gây ra triệu chứng ửng đỏ, ngứa ngáy, đau rát, thậm chí có thể gây chảy máu cam.
- Ho có đờm: Ứ đọng dịch nhầy trong khoang mũi quá mức khiến dịch chảy xuống cổ họng và xâm nhập vào bên trong cuống họng, gây ngứa họng và ho ra đờm.
- Phù nề cuốn mũi: Ở người bị viêm mũi vận mạch kết quả nội soi cho thấy cuốn mũi bị phù nề, sần sùi bề mặt và ửng đỏ.
- Một số triệu chứng khác: Sau mỗi lần ngừng hắt hơi người bệnh sẽ quay trở về trạng thái bình thường, một số trường hợp hay gặp nhức đầu, uể oải, mệt mỏi, thậm chí gây căng tức, ngứa ngáy ở ngón tay khi trời lạnh…
Lưu ý: Vì những triệu chứng của viêm mũi vận mạch gần như giống hoàn toàn với các bệnh lý khác như viêm mũi dị ứng, viêm xoang… nên bắt buộc phải thăm khám, chẩn đoán làm xét nghiệm mới xác định được tác nhân gây dị ứng và có phác đồ điều trị phù hợp.
Những tác nhân phổ biến gây viêm mũi vận mạch
Không có nguyên nhân chính xác nào được phát hiện có khả năng gây ra viêm mũi vận mạch. Tuy nhiên, bệnh chủ yếu khởi phát do một số tác nhân như:
- Môi trường: Bụi bẩn, khói bụi, ô nhiễm môi trường, hóa chất độc hại, khói thuốc lá, mùi nước hoa bay trong không khí hay sự thay đổi về nhiệt độ và độ ẩm của môi trường… đều là những tác nhân phổ biến làm kích phát các triệu chứng viêm mũi vận mạch.
- Khí hậu: Sự thay đổi đột ngột của thời tiết từ nóng sang lạnh, đặc biệt có độ ẩm thấp, hanh khô dễ gây kích ứng niêm mạc mũi, tổn thương, viêm nhiễm dẫn đến viêm mũi vận mạch.
- Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc có khả năng gây ra viêm mũi vận mạch như thuốc giảm đau, thuốc điều trị cao huyết áp, thuốc trầm cảm, tâm thần…
- Rối loạn nội tiết tố: Theo đánh giá của các chuyên gia, một số loại rối loạn nội tiết tố và chuyển hóa có thể gây viêm mũi vận mạch như lạm dụng thuốc ngừa thai, rối loạn nội tiết tố đột ngột do mang thai, bước vào chu kỳ kinh nguyệt, suy tuyến giáp, viêm mũi dị ứng bội nhiễm… gây tắc nghẽn mũi.
- Một số tác nhân khác: Một số yếu tố khác như có thói quen ăn thức ăn cay nóng, ngửi mùi hôi, khói thuốc lá, nước hoa, mạt bụi, lông chó mèo hoặc sự thay đổi cảm xúc như khóc lóc, stress, mệt mỏi… gây ra bệnh.
Cách chẩn đoán viêm mũi vận mạch
Vì các triệu chứng viêm mũi vận mạch khá giống với các bệnh lý hô hấp khác nên nếu chỉ quan sát các triệu chứng lâm sàng sẽ rất khó để chẩn đoán được chính xác tình trạng bệnh lý mà người bệnh đang gặp phải. Vì vậy, bắt buộc phải kết hợp thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán sau để có cơ sở dữ liệu đánh giá, đưa ra kết luận chính xác.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm này nhằm mục đích đo lường chỉ số phản ứng của hệ thống miễn dịch khi tiếp xúc với các yếu tố dị ứng thông thường.
- Test dị ứng da: Sử dụng một lượng nhỏ mẫu phẩm chứa tác nhân dị ứng và tiêm vào dưới da sau đó quan sát phản ứng. Nếu vùng da có dấu hiệu phát ban hoặc ửng đỏ chứng tỏ bạn có cơ địa dị ứng mẫn cảm và đang mắc một căn bệnh dị ứng nào đó.
Bên cạnh các biện pháp chẩn đoán xác định, người bệnh cũng sẽ phải thực hiện một vài xét nghiệm hình ảnh để loại trừ và phân biệt viêm mũi vận mạch với các bệnh lý khác. Một vài xét nghiệm thường dùng như:
- Nội soi mũi: Đưa vào bên trọng mũi một ống nội soi có kích thước nhỏ, dài có gắn camera đầu dò để quan sát tình trạng bên trong khoang mũi.
- Soi mũi trước thấy cuốn mũi dưới to nhẵn, phù nề và còn co hồi với thuốc co mạch, tuy nhiên không thấy tình trạng niêm mạc nhạt màu như bệnh viêm mũi dị ứng.
- Soi mũi sau thấy đuôi cuốn mũi dưới và giữa bị thay đổi, hơi phù nề, nhẵn hoặc sần sùi, quá phát và đổi màu. Thường thì khe mũi giữa thường phù và ít thấy dịch tiết nhiều.
- Chụp cắt lớp vi tính: Kỹ thuật này sử dụng công nghệ X quang được vi tính hóa nhằm tạo ra hình ảnh chi tiết vể các hốc xoang. Hình ảnh này giúp bác sĩ dễ dàng quan sát được cấu trúc, tình trạng tổn thương, viêm nhiễm và đưa ra chẩn đoán hiệu quả.
Phương pháp điều trị bệnh viêm mũi vận mạch
Tùy theo loại tác nhân gây ra và ình trạng bệnh của từng người mà bác sĩ sẽ có hướng dẫn về phương pháp điều trị thích hợp nhất. Về cơ bản, để đạt được hiệu quả trong việc điều trị viêm mũi vận mạch có thể áp dụng một số phương pháp sau:
1. Điều trị viêm mũi vận mạch bằng thuốc Tây
Điều trị viêm mũi vận mạch bằng thuốc Tây là biện pháp được nhiều người áp dụng vì đem lại tác dụng nhanh chóng và hiệu quả cao, thậm chí có thể nhìn thấy sự chuyển biến rõ rệt của bệnh sau liệu trình dùng thuốc ở những trường hợp bệnh nhẹ. Thông thường, trong phác đồ điều trị viêm mũi vận mạch sẽ được kê đơn một số loại thuốc như:
- Nhóm thuốc xịt: Loại thuốc xịt thường dùng nhất trong điều trị bệnh viêm mũi vận mạch là thuốc kháng cholinergic và ipratropium. Ngoài ra thuốc dạng nhỏ mũi, khí dung bằng thuốc corticoid và co mạch cũng là những loại thường được chỉ định sử dụng. Thực hiện xịt mũi vài lần trong ngày, chú ý giãn cách thời gian xịt để tránh gây tác dụng phụ ngoài ý muốn.
- Nhóm thuốc uống: Chủ yếu dùng thuốc kháng histamin, thuốc chống dị ứng… để kiểm soát làm giảm các triệu chứng viêm mũi vận mạch. Đối với histamin tổng hợp nên sử dụng liều tăng dần, còn nếu dùng thuốc corticoid phải dùng theo liều giảm dần để đạt hiệu quả cao, hạn chế tác dụng phụ.
Nhìn chung có thể thấy các loại thuốc Tây được dùng để điều trị viêm mũi vận mạch cũng khá giống với thuốc chữa viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên, do viêm mũi vận mạch có thể gây nghẹt mũi, chảy nước mũi nhiều hơn bình thường nên có thể sử dụng kết hợp với một số loại thuốc co mạch chống nghẹt, thuốc ức chế chảy nước mũi đặc hiệu.
Lưu ý: Việc sử dụng bất kỳ loại thuốc chữa viêm mũi vận mạch nào cũng đều cần phải có sự chỉ định kê toa của bác sĩ chuyên khoa Tai – Mũi – Họng. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc để tránh gây phản tác dụng, gây hại cho sức khỏe.
2. Chữa trị theo Đông y
Theo y học cổ truyền, bệnh viêm mũi vận mạch xảy ra do sự kết hớp của hai yếu tố chứng hư và chứng thực. Cụ thể khi phế khí hư, tỳ khí hư và thận dương hư làm mất cân bằng âm dương, suy giảm sức đề kháng, cộng với việc phong hàn, phong nhiệt xâm nhập vào trong cơ thể gây ra viêm nhiễm.
Vì vậy, nguyên tắc chữa bệnh viêm mũi vận mạch theo phương pháp Đông y chủ yếu tập trung vào việc thông kinh hoạt lạc, tăng cường vệ khí và cân bằng âm dương. Đồng thời, nhờ sử dụng một số loại dược liệu có khả năng bồi bổ tăng cường sức khỏe như cây giao, ké đầu ngựa, hoa ngũ sắc… tăng cường hiệu quả gấp nhiều lần và phòng ngừa tái phát bệnh lâu dài.
3. Kết hợp chăm sóc cải thiện triệu chứng bằng mẹo tại nhà
Để đạt được kết quả điều trị cao, người bệnh cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị bằng thuốc mà bác sĩ chỉ định. Đồng thời cần phải biết cách kết hợp thực hiện thêm một số mẹo cải thiện triệu chứng đơn giản tại nhà sau:
- Xông hơi tinh dầu: Phương pháp này giúp kích thích xoang mũi, xoa dịu tổn thương, hỗ trợ diệt khuẩn và làm loãng dịch nhầy trong mũi. Từ đó giúp cải thiện hiệu quả các triệu chứng như nghẹt mũi, tắc mũi, hắt xì… Chỉ cần nấu sôi một nồi nước dược liệu hoặc pha nước với tinh dầu là đã có thể tiến hành xông. Trong lúc xông cần chú ý hít thở thật sâu và đều đặn để hơi nước dễ dàng thẩm thấu vào các hốc xoang mũi.
- Dùng tỏi tươi: Tỏi tươi có chứa hàm lượng cao chất Allicin giúp kháng viêm, diệt khuẩn hiệu quả. Đồng thời, một số dưỡng chất khác như vitamin, khoáng chất còn giúp thúc đẩy quá trình hồi phục, nâng cao hệ miễn dịch chống lại các mầm mống, tác nhân gây bệnh hiệu quả. Người bệnh có thể dùng tỏi ngâm rượu, ngâm mật ong hoặc nhỏ mũi bằng nước ép tỏi. Tuy nhiên, cần chú ý nồng độ của tỏi, tránh dùng nước ép tỏi cô đặc mà phải pha loãng ra để tránh gây bỏng rát mũi.
Những mẹo cải thiện triệu chứng tại nhà có ưu điểm đơn giản, dễ thực hiện và ít tốn kém, tuy nhiên hiệu quả chỉ mang tính tạm thời, không thể chữa khỏi bệnh hẳn như những biện pháp khác. Vì vậy, chỉ thực hiện các biện pháp này với mục đích hỗ trợ và áp dụng cho những người bị viêm mũi vận mạch nhẹ.
4. Can thiệp phẫu thuật ngoại khoa
Những trường hợp viêm mũi vận mạch nặng, có dấu hiệu nhiễm trùng xoang hoặc nguy cơ xuất hiện biến chứng tai mũi họng sẽ được chỉ định thực hiện một số phương pháp can thiệp ngoại khoa để xử lý tận gốc tác nhân gây bệnh. Hiện nay, y học hiện đại có rất nhiều biện pháp ngoại khoa ứng dụng nhiều công nghệ khác nhau, để trị viêm mũi vận mạch có thể áp dụng một số phương pháp sau:
- Phương pháp plasma: Sử dụng một đầu dò có gắn camera vào bên trong mũi, tiếp cận vào vị trí bị tổn thương. Sau đó phóng các tia ion plasma nhiệt độ thấp ra để đánh tan ổ viêm nhiễm, ức chế chảy máu và đào thải dịch nhầy ứ đọng trong khoang mũi. Đồng thời phương pháp này cũng có thể loại bỏ một phần dây thần kinh giao cảm trong mũi với những trường hợp chảy mũi nặng không đáp ứng thuốc.
- Đốt nhiệt hoặc đốt hóa chất: Phương pháp này gây tác động trực tiếp vào trong niêm mạc mũi để xử lý các ổ dịch. Tuy nhiên, y học hiện đại ngày nay không ứng dụng phổ biến cách này vì không đem lại hiệu quả lâu dài. Bên cạnh đó, việc sử dụng hóa chất, cồn để đốt có thể gây ảnh hưởng đến chức năng và cấu trúc, gây sẹo xơ dính.
- Tiêm corticoid: Đây là một trong những nhóm thuốc kháng viêm có tác dụng trong việc làm giảm bớt triệu chứng viêm. Corticoid được tiêm vào lớp niêm mạc mũi phát huy hiệu quả rất nhanh nhưng lại dễ gây chảy máu, nhiễm trùng và đau nhức tại vết tiêm. Một số trường hợp ngườ bệnh có cơ địa dị ứng mẫn cảm với corticoid có thể gây viêm nhiễm nặng hơn. Vì vậy, cần hết sức cân nhắc và quyết định thận trọng khi áp dụng cách này.
- Phẫu thuật nội soi mũi: Nhằm thực hiện loại bỏ dây thần kinh Vidian để gải quyết tình trạng chảy nước mũi nặng kéo dài không đáp ứng với điều trị bằng thuốc. Phương pháp này thường đem lại hiệu quả khá cao, tuy nhiên nhược điểm là dễ gây các biến chứng hậu phẫu như mặt khô, đau mắt kéo dài hoặc dị cảm mặt.
- Phẫu thuật mổ hở: Sau khi đánh giá tình trạng cuốn mũi dưới bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ bộ phận này. Tuy nhiên, phương pháp này có khá nhiều nhược điểm như chảy máu nhiều, thời gian phục hồi lâu, viêm mũi teo, xuất hiện vảy mũi gây ngứa ngáy, khó chịu…
Lưu ý: Các biện pháp điều trị ngoại khoa bệnh viêm mũi vận mạch có thể gây suy giảm sức đề kháng và biến chứng hậu phẫu khó khắc phục. Vì vậy, người bệnh nên chọn lựa những bệnh viện uy tín, được trang bị đầy đủ thiết bị, bác sĩ có chuyên môn để đạt hiệu quả như mong muốn.
Phòng ngừa viêm mũi vận mạch
Chủ động phòng ngừa và bảo vệ đường hô hấp ngay từ sớm là cách tốt nhất để tránh khỏi bệnh viêm mũi vận mạch nói riêng và nhiều căn bệnh khác nói chung. Việc áp dụng các biện pháp này ở những người đã trị khỏi bệnh giúp phòng ngừa tái phát rất tốt. Theo đó, bạn cần chú ý thực hiện một số các cách phòng tránh sau:
- Hằng ngày, rửa sạch mũi bằng nước muối sinh lý bằng bình xịt hoặc bình Neti pot. Nước muối sinh lý sẽ giúp diệt khuẩn, rửa trôi cặn bã, các tác nhân dị ứng ra khỏi mũi, làm sạch và thông thoáng khoang mũi, vừa dễ thở vừa giảm nguy cơ mắc bệnh.
- Giữ ấm cơ thể đặc biệt là khi thời tiết thay đổi, từ nóng chuyển sang lạnh đột ngột. Đồng thời che chắn kỹ lưỡng bằng cách đeo khẩu trang trước khi ra ngoài.
- Giữ vệ sinh nhà cửa, nơi ngủ, nơi sinh hoạt và làm việc để loại bỏ các tác nhân gây dị ứng như bụi bặm, mạt bụi, lông thú cưng… Chủ động cách ly với các tác nhân này là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân khỏi các bệnh lý đường hô hấp nói chung.
- Ăn uống khoa học, lành mạnh, tránh sử dụng chất kích thích có hại cho sức khỏe như thuốc lá, rượu bia… Thay vào đó hãy bổ sung các loại thực phẩm có lợi cho hệ hô hấp, thực phẩm có khả năng chống viêm, kháng khuẩn tự nhiên và tăng cường sức đề kháng.
- Thiết lập thời gian biểu sinh hoạt, nghỉ ngơi, làm việc khoa học. Dành thời gian tập luyện thể thao hằng ngày để nâng cao hệ miễn dịch, khỏe mạnh chống lại mọi bệnh tật.
Viêm mũi vận mạch là bệnh lý đường hô hấp không quá khó điều trị cũng như dễ phòng tránh nếu biết cách. Chỉ cần người bệnh chú ý kỹ lưỡng trong việc che chắn bảo vệ đường thở và tìm cách tăng cường hệ miễn dịch và chủ động cách ly khỏi các tác nhân dị ứng. Nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào ở hệ hô hấp hãy sớm thăm khám để được chẩn đoán và điều trị đúng bệnh.
Có thể bạn quan tâm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!