Viêm Da Dầu (Tiết Bã): Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Cách Điều Trị
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Viêm da dầu tiết bã là hiện tượng viêm da mạn tính với các triệu chứng đặc trưng như các mảng đỏ, bong tróc, nhờn dính trên bề mặt da. Đây là bệnh lý da liễu phổ biến dễ gặp phải nhưng lại khá khó điều trị do tính chất dai dẳng và dễ tái phát. Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, biến chứng nguy hiểm.
Viêm da dầu (tiết bã) là gì?
Viêm da dầu (tiết bã) có tên tiếng Anh là Seborrheic Dermatitis là bệnh lý da liễu thường gặp tới tỷ lệ 2 – 5% dân số thế giới mắc phải. Bệnh có tính chất mạn tính và đặc trưng với tình trạng xuất hiện các mảng da đỏ như phát ban trên bề mặt da, kèm theo đó là triệu chứng bong tróc da hoặc tiết bã nhờn ở da đầu, cánh mũi, hai bên má, chân mày, da lưng, da ngực… hoặc tại một số vùng da dày, khô ráp trên cơ thể.
Khi da tiết quá nhiều dầu và bị đóng thành từng mảng bết dính, có màu nâu đen. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, nhưng khởi phát phổ biến nhất là khi trẻ ở độ tuổi nhũ nhi từ 0 – 3 tháng tuổi (trong dân gian còn gọi là cứt trâu). Bên cạnh đó, bệnh còn dễ bùng phát mạnh mẽ ở nam giới trong độ tuổi từ 18 – 40 tuổi. Hiếm có trường hợp bệnh viêm da dầu xuất hiện ở nam giới ở độ tuổi trước dậy thì và sau 40.
Theo các nghiên cứu khoa học cho thấy, bệnh viêm da dầu đượ đánh giá là có liên quan đến sự phát triển quá mức của loại vi nấm Malassezia, gây ra rối loạn quá trình hoạt động bài tiết bã nhờn và do cơ địa dị ứng khi bị tác động bởi các tác nhân gây dị ứng.
Bệnh có tính chất dai dẳng, dễ tái phát và rất khó để có thể chữa trị dứt điểm. Các triệu chứng của bệnh không chỉ gây ra những tổn thương ngoài da chứ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân. Tuy nhiên, chính những tổn thương da gây ngứa ngáy, khô ráp gây tác động tiêu cực đến ngoại hình, thẩm mỹ và tâm lý của người bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh viêm da dầu
Các chuyên gia da liễu cho biết cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa biết được nguyên nhân chính xác gây ra viêm da dầu. Tuy nhiên, qua một số nghiên cứu mô bệnh học, gen di truyền và dịch tễ cho thấy bệnh viêm da dầu có liên quan mật thiết đến sự phát triển quá mức của nấm Malassezia trên bề mặt da gây rối loạn hệ miễn dịch, làm suy yếu chức năng bảo vệ của làn da.
Bên cạnh đó, còn một số nguyên nhân gây bệnh viêm da dầu phổ biến thường gặp như:
- Do yếu tố di truyền: Hầu hết các trường hợp bị viêm da dầu đều xuất phát từ yếu tố di truyền. Cụ thể nếu có người thân cùng chung huyết thống bị các bệnh lý da liễu nói chung như viêm da dầu, viêm da dị ứng, viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc… thì nguy cơ các thế hệ con cháu đời sau cũng mắc bệnh là rất cao.
- Do rối loạn quá trình bài tiết bã nhờn: Nấm Malassezia là loại nấm sống phụ thuộc dựa vào chất béo (lipid), phổ biến ở các vị trí như da đầu, mặt, ngực… vì đây là những nơi tiết ra rất nhiều dầu. Vì vậy, những người có làn da thường sẽ dễ bị viêm da dầu hơn người có da thường hay da khô.
- Do suy giảm sức đề kháng: Tình trạng viêm da dầu càng dễ khởi phát ở những người có sức đề kháng suy yếu, hệ miễn dịch kém do suy nhược cơ thể. Đây chính là điều kiện để các tác nhân gây bệnh tấn công xâm nhập và gây bệnh.
- Do dị ứng thời tiết: Một số vấn đề bất thường về thời tiết như nhiệt độ, độ ẩm xuống thấp khi giao mùa, lạnh hanh khô cũng chính là nguyên nhân hàng đầu gây ảnh hưởng trực tiếp đến làn da. Đây cũng chính là nguyên nhân lý giải vì sao hầu hết các trường hợp bị viêm da dầu đều bùng phát vào mùa đông. Vì lúc này, tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn để cân bằng làn da, tuy nhiên lại vô tình kích thích tăng sinh nấm men gây bệnh.
- Do dị ứng thức ăn: Một số loại thức ăn như đồ muối chua, thức ăn chế biến cay nóng, chiên xào nhiều dầu mỡ… cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm kích thích sự hoạt động của tuyến bã nhờn.
- Do dị ứng thuốc: Những người đã và đang sử dụng thuốc kháng sinh hay một số loại thuốc chứa chất gây nhiện để điều trị bệnh…. cũng đều làm tăng nguy cơ bị viêm da dầu tiết bã cao hơn so với người bình thường.
- Do các rối loạn tâm thần, thần kinh: Bệnh viêm da dầu thường có xu hướng khởi phát nghiêm trọng ở những người bị rối loạn thần kinh, tâm thần kèm theo chậm phát triển, tăng động, trầm cảm, bệnh Parkinson…
- Một số nguyên nhân khác: Người bệnh sinh hoạt không điều độ, thức quá khuya, tác dụng phụ của thuốc, chế độ ăn uống kém khoa học, không chăm sóc vệ sinh da, rối loạn nội tiết tố, stress, trầm cảm kéo dài, mắc một số bệnh lý mạn tính như tiểu đường, ung thư, cấy ghép nội tạng, nhiễm HIV… cũng là những yếu tố tác nhân gây viêm da dầu.
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm da dầu
Những triệu chứng của bệnh viêm da dầu thường diễn biến từ từ và tùy theo đối tượng mặc bệnh là người lớn hay trẻ em mà triệu chứng nhận biết sẽ khác nhau.
Triệu chứng viêm da dầu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Tình trạng viêm da dầu (tiết bã) ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hay còn được gọi là “cứt trâu” theo dân gian. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ từ 0 – 3 tháng tuổi và thường tự biến mất sau khoảng 3 – 9 tháng. Những tổn thương của viêm da dầu chủ yếu xuất hiện ở vùng da đầu.
Một số triệu chứng điển hình của viêm da dầu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như:
- Xuất hiện những mảng da có màu vàng nhạt, nâu hoặc đen bám chặt vào chân tóc.
- Mảng bám thường dày cứng, khó tự bong tróc và hơi nhờn dính.
- Không gây ngứa ngáy, nóng rát hay sưng đau.
- Bệnh viêm da dầu tiết bã ở trẻ thường đi kèm với một số bệnh lý như viêm da cơ địa, hen suyễn, bệnh chàm da…
Ở trường hợp bệnh có xu hướng phát triển nặng có thể gây ra một số triệu chứng như:
- Những triệu chứng ban đầu tăng dần cấp độ nặng, lan tỏa ra toàn thân
- Mảng da bám vào da đầu dày cứng và ửng đỏ, ẩm ướt, nhờn dính
- Kèm theo đó là bề mặt da có nhiều vảy tiết
Nếu bệnh rơi vào trường hợp này thì sẽ được gọi với cái tên khác là bệnh đỏ da toàn thân bong vảy Leiner – Moussou. Tuy nhiên, bệnh này rất hiếm gặp vì viêm da dầu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không phải căn bệnh quá nguy hiểm, những triệu chứng ban đầu có thể tự thuyên giảm và biến mất mà không cần can thiệp bất kỳ biện pháp y tế chuyên sâu nào.
Triệu chứng bệnh viêm da dầu ở người lớn
Bệnh viêm da dầu ở người lớn cũng phổ biến không kém ở trẻ nhỏ, chủ yếu xuất hiện ở nam giới từ 18 – 40 tuổi. Triệu chứng bệnh thường gặp ở sau tai. cung mày, da đầu và quanh mũi. Ngoài ra, trong một số trường hợp nặng bệnh còn có thể lây lan đến vùng liên bả vai và ngực (ở nửa phần thân mình phía trên).
Triệu chứng điển hình của bệnh viêm da dầu ở người trưởng thanh như:
- Những tổn thương trên về mặt da thường nặng hơn trẻ nhỏ với triệu chứng đặc trưng là ẩm dính, viêm đỏ và bong vảy.
- Trên da đầu và cung mày của người bệnh là các dát đỏ khu trú hoặc lây lan sang các vùng da xung quanh. Kèm theo đó là những mảng vảy trắng mỏng xung các bề mặt ửng đỏ.
- Tại chân tóc tiết dầu nhiều một cách bất thường kèm theo đó là nhiều vết ban đỏ, tóc bết dính, ẩm ướt và bong vảy như gàu.
- Còn vùng viền tóc xuất hiện các đốm đỏ, nổi cộm và đau rát.
- Với những tổn thương ở vùng da lưng, da ngực thường có hình dạng đồng xu, hình nhẫn, nhìn đa cung nên rất dễ bị nhầm lẫn với bệnh nấm da.
- Nếu tổn thương xuất hiện ở vùng kẽ tai thì kèm theo vết nứt, những vệt dát màu đỏ. Còn ở ống tai thì xuất hiện những tổn thương màu đỏ đậm nên rất dễ bị nấm ống tai.
- Những tổn thương xuất hiện ở hai bên má thì sẽ có hình cánh bướm.
- Nếu xảy ra ở các nếp gấp, chủ yếu là ở hai bên cánh mũi thì những tổn thương sẽ có tính chất đối xứng, ẩm ướt, nhờn dính, bề mặt da bong nhiều mảng vảy mỏng, trắng.
- Nếu những tổn thương xuất hiện ở cơ quan sinh dục, nách, ngực thì các vết phát ban có màu đỏ tươi, đỏ sẫm. Còn nếu bệnh viêm da dầu xuất hiện ở vùng liên bả vai thì thường đi kèm với bệnh viêm nang lông.
- Hầu hết những tổn thương viêm da dầu ở người lớn thường không gây đau nhức hay nóng rát mà lại gây ra cảm giác ngứa ngáy nhẹ. Tình trạng ngứa này thường xảy ra phổ biến ở những người có cơ địa nhạy cảm hoặc tăng mức độ ngứa khi thời tiết nóng bức, cơ thể tiết nhiều mồ hôi.
- Đối với những trường hợp mắc bệnh viêm da dầu cấp độ nặng thường đặc trưng với những tổn thương khu trú, dễ lây lan sang toàn bộ cơ thể và tạo ra những tổn thương với hình thái lâm sàng tương tự như bệnh vảy nến.
Những triệu chứng của bệnh viêm da dầu thường tiến triển chậm, từ từ và âm thầm. Bệnh thường bùng phát mạnh mẽ vào mùa thu đông và sẽ tự thuyên giảm vào mùa xuân hay hè.
Bệnh viêm da dầu có nguy hiểm không? Bệnh có khả năng lây lan không?
Viêm da dầu là căn bệnh da liễu phổ biến có tính chất mạn tính, kéo dài dai dẳng và tái đi tái lại nhiều lần. Hầu như những trường hợp bị viêm da dầu đều có liên quan đến yếu tố cơ địa và do di truyền nên rất khó để chữa khỏi dứt điểm. Tuy nhiên, bệnh viêm da dầu được đánh giá là lành tính, chỉ gây ra những tổn thương ngoài da, ngứa ngáy nhẹ chứ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
Bên cạnh đó, bệnh viêm da dầu không có khả năng lây lan từ người này sang người khác, dù tiếp xúc trực tiếp hay sinh hoạt chung hằng ngày. Tuy nhiên, bệnh lại có tính chất di truyền từ đời ông bà, bố mẹ sang đời con cháu.
Cụ thể, bệnh viêm da dầu tiết bã ở trẻ sơ sinh có thể tự khỏi sau khoảng 3 – 12 tháng mà không cần phải can thiệp điều trị quá mức. Trong quá trình này, bố mẹ có thể kết hợp cho trẻ tắm các loại dược liệu như lá khế, lá lốt, lá chè xanh… để tăng hiệu quả và rút ngắn thời gian làm lành vết thương.
Còn bệnh viêm da dầu ở người lớn có khả năng tái phát lặp đi lặp lại nhiều lần, dần dần chuyển sang mạn tính và không có khả năng tự biến mất như ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.. Nếu người bệnh chủ quan, không chăm sóc và điều trị đúng sẽ gây ra những tổn thương nặng nề, hậu quả để lại là các vết sẹo thâm, xuất hiện nhiều gàu, rụng tóc… gây ảnh hưởng đến ngoại hình, thẩm mỹ của người bệnh.
Biện pháp chẩn đoán viêm da dầu (tiết bã)
Bệnh viêm da dầu (tiết bã) được chẩn đoán chủ yếu dựa trên các triệu chứng lâm sàng như vị trí tổn thương, thời điểm, mức độ thương tổn… Ngoài ra, để có cơ sở đưa ra kết luận chẩn đoán bệnh chính xác và hiệu quả nhất, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện một số các xét nghiệm cận lâm sàng như soi da trực tiếp hoặc tiến hành nuôi cấy để tìm kiếm sự xuất hiện của vi nấm Malassezia.
Ngoài ra, trong một số trường hợp tình trạng bệnh phức tạp, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện chẩn đoán bằng cách sinh thiết tế bào. Phần lớp vảy bong tróc ra tại vùng da bị tổn thương sẽ được lấy đi để làm xét nghiệm, từ kết quả sinh thiết sẽ tiến hành chẩn đoán phân biệt với một số bệnh lý như:
- Bệnh viêm da cơ địa: Viêm da cơ địa là bệnh da liễu phổ biến với tính chất mạn tính, kéo dài dai dẳng và có xu hướng tái phát kéo dài tương tự như những bệnh lý khác như vảy nến, viêm da tiếp xúc, viêm da dị ứng, bệnh á sừng… Tuy nhiên, điểm khác biệt là bệnh viêm da cơ địa ít khi ảnh hưởng đến vùng da đầu, ngực và mặt, chủ yếu là ở các vùng nếp gấp, bị tì đè…
- Bệnh vảy nến: Vảy nến là một trong những căn bệnh da liễu điển hình đặc trưng với những tổn thương có hình thái giống với bệnh viêm da dầu tiết bã. Nhưng điểm khác của bệnh vảy nến là những tổn thương trên da có vảy màu trắng bạc giống như nến. Khi thực hiện sinh thiết tế bào da, nếu thấy sự tăng sinh của các nhóm tế bào trung gian hóa học thì đó là vảy nến, còn thấy có sự xuất hiện của nấm mem thì đó là viêm da dầu.
Trong trường hợp những tổn thương trên bề mặt da không quá nặng hay điển hình của bệnh thì bác sĩ sẽ chỉ định tiến hành chẩn đoán phân biệt với một số bệnh lý da liễu khác để loại trừ những khả năng có thể xảy ra.
Phương pháp điều trị bệnh viêm da dầu tiết bã hiệu quả
Cũng tương tự như những bệnh lý da liễu khác, hầu hết các trường hợp bệnh đều có liên quan mật thiết đến yếu tố di truyền, do cơ địa nên rất rất khó để có thể điều trị bệnh dứt điểm. Tuy nhiên, bệnh có thể được kiểm soát thông qua những biện pháp điều trị triệu chứng và phòng ngừa tái phát.
Tùy vào đối tượng mắc bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phương pháp điều trị phù hợp. Trong đó, các biện pháp đặc trị thường chỉ áp dụng cho người lớn, còn với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ thì không cần can thiệp y tế vì viêm da dầu có thể chỉ tái phát duy nhất một lần trong đời và tự thuyên giảm.
1. Dùng thuốc Tây
Sử dụng thuốc Tây là biện pháp được áp dụng phổ biến hàng đầu vì đem lại tác dụng nhanh, cải thiện hiệu quả các triệu chứng bệnh. Một số loại thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị bệnh viêm da dầu như:
- Thuốc kháng nấm tại chỗ: Viêm da dầu có liên quan chủ yếu đến vi nấm Malassezia. Vì vậy, để cải thiện triệu chứng bệnh bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng nhóm thuốc kháng nấm tại chỗ (thuốc dạng kem bôi hoặc dầu gội) có chứa thành phần Ketoconazol, Ciclopirox được chỉ định sử dụng trong những trường hợp bị tổn thương da mức độ từ nhẹ đến trung bình. Ngoài ra, nếu có sự xuất hiện của các chủng nấm Malassezia mạnh, kháng thuốc chống nấm azol thì có thể được thay thế bằng Zinc Pyrithion hoặc Selenium sulphid.
- Thuốc làm bong vảy tại chỗ: Bong vảy là triệu chứng đặc trưng của bệnh viêm da dầu. Do đó để làm giảm hiệu quả triệu chứng này, người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng một số loại thuốc có khả năng làm bong tróc vảy như Acid Salicylic, Acid lactic, Urea hay Propylen glycol. Nếu vùng da bị viêm da dầu ở trên đầu thì có thể dùng các loại dầu gội chứa những hoạt chất này.
- Thuốc bôi chứa hoạt chất corticoid: Nếu những tổn thương do viêm da dầu xuất hiện ở ngực, mặt và tai thì sẽ được chỉ định sử dụng nhóm thuốc chứa corticoid dạng bôi tại chỗ để cải thiện các triệu chứng như kháng viêm, chống khuẩn và hỗ trợ làm lành vết thương. Một số loại thuốc chứa corticoid được sử dụng phổ biến để chữa viêm da dầu như Betamethason, Desonid và Fluocinolon. Tuy nhiên, nhóm thuốc này chỉ được sử dụng khi có sử chỉ định của bác sĩ với liều lượng quy định để hạn chế tối đa tác dụng phụ ngoài ý muốn.
- Thuốc bôi ức chế calcineurin: Loại thuốc dạng bôi này có khả năng giảm ngứa ngáy, kháng viêm hiệu quả nhưng lại không làm giảm sức để kháng hay gây tác dụng phụ teo da như nhóm thuốc corticoid. Loại thuốc được sử dụng phổ biến thuộc nhóm này như Tacrolimus và Pimecrolimus, ưu tiên dùng trong điều trị viêm da dầu ở mặt và tai.
- Thuốc kháng sinh, kháng nấm dạng uống: Nhóm thuốc này được chỉ định sử dụng trong trường hợp mắc bệnh viêm da dầu có dấu hiệu bị bội nhiễm hay các tổn thương có xu hướng lan rộng, nhiễm trùng. Ngoài ra, nhóm thuốc kháng nấm dạng uống cũng được chỉ định sử dụng trong trường hợp bệnh ở mức độ nặng. Loại thuốc được dùng phổ biến như Itraconazole, Tetracyclin. Nhóm thuốc này được đánh giá cao về hiệu quả nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ gây tác dụng phụ, biến chứng nếu sử dụng không đúng cách.
- Các loại viên uống Vitamin, cải thiện sức đề kháng: Đây là loại thuốc có tác dụng tăng sức đề kháng tự nhiên cho cơ thể, tăng khả năng chống lại sự phát triển và hoạt động gây bệnh của các loại nấm men.
Ngoài ra, với những người bị viêm da dầu ở vùng đầu bác sĩ thường ưu tiên chỉ định sử dụng các loại dầu gội như:
- Dầu gội chứa hoạt chất Acid salicylic giúp giảm thiểu tình trạng bong vảy, hạn chế tình trạng nhờn rít da đầu.
- Dầu gội kháng nấm chứa hoạt chất Selenium sulfide, Zinc pyrithione, Ketoconazole, Ciclopirox… Khuyến khích ngày sử dụng 2 lần/ tuần và kiên trì gội đầu ít nhất 30 ngày để đạt được hiệu quả tốt nhất.
- Dầu gội chứa hoạt chất steroid được khuyến khích sử dụng hằng ngày giúp giảm thiểu tình trạng ngứa ngáy và giảm thiểu sưng viêm.
- Nếu sử dụng dầu gội chứa Acid salicylic thì được chỉ định sử dụng kem Tar bôi lên vùng da đầu bị tổn thương và gội lại sau khoảng vài tiếng để đạt được hiệu quả tốt nhất.
2. Áp dụng quang trị liệu (liệu pháp ánh sáng)
Trong những trường hợp mắc bệnh viêm da dầu tiết bã nặng, các tổn thương lây lan rộng khắp cơ thể và không đáp ứng với việc sử dụng thuốc sẽ được bác sĩ cân nhắc chỉ định thực hiện quang trị liệu. Nguồn ánh sáng nhân tạo được sử dụng để làm giảm thiểu các tổn thương do chàm da mỡ gây ra.
Không chỉ điều trị được chàm da mỡ, liệu pháp ánh sáng còn được sử dụng điều trị hiệu quả với những bệnh lý da liễu mạn tính phổ biến như eczema, viêm da tiếp xúc, vảy nến… Tuy nhiên, dù được đánh giá cao về hiệu quả nhưng liệu pháp ánh sáng lại không được khuyến khích áp dụng trong mọi trường hợp, vì những người có làn da dễ dị ứng, nhạy cảm và yếu kém thì sử dụng liệu pháp này có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa da.
3. Biện pháp chữa viêm da dầu theo Đông y
Theo ghi chép trong Đông y, viêm da dầu tiết bã được xếp vào nhóm bệnh da liễu mạn tính do cơ thể nhiễm phong hàn, phong nhiệt, dẫn đến tích tụ khí độc, huyết táo, da không được sinh dưỡng và mất đi sự cân bằng vốn có và hậu quả là tăng tiết chất bã nhờn khởi phát các triệu chứng bệnh.
Do đó, khi điều trị viêm da dầu bằng Đông y sẽ phải tác động điều trị từ căn nguyên nguồn gốc gây bệnh. Chỉ khi nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh được xử lý thì các triệu chứng mới từ từ thuyên giảm và biến mất dần. Chữa viêm da dầu theo Đông y chủ yếu sử dụng những vị thuốc có khả năng thanh nhiệt, giải độc, có tính khu phong và sát khuẩn, chống viêm, dưỡng da.
Sử dụng những bài thuốc Đông y này sẽ giúp loại bỏ các triệu chứng ngoài da, tăng cường sức đề kháng, tác động và phục hồi chức năng tỳ, can, thận để hỗ trợ quá trình thanh lọc cơ thể.
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị các loại dược liệu gồm sinh địa, kim ngân hoa, bồ công anh, tang bì, khổ sâm, kinh giới, hoàng cầm, hạ khô thảo mỗi loại 15g. Đem sắc lấy nước uống hằng ngày, nên uống sau mỗi bữa ăn để đạt hiệu quả tốt nhất.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị cam thảo, cỏ mần trầu, kim ngân hoa, ké đầu ngựa, bồ công anh, thổ phục linh mỗi loại 20g. Sắc các dược liệu trên cùng 1 lít nước và lọc lấy nước uống. Kiên trì thực hiện mỗi ngày để đạt được hiệu quả tốt nhất.
- Bài thuốc 3: Dùng cây sơn, đạm trúc diệp và lá trầu không tươi, rửa sạch và nấu sôi lên. Để cho nguội bớt thì dùng để rửa vùng da bị tổn thương kết hợp massage nhẹ nhàng.
Lưu ý: Những bài thuốc Đông y chữa viêm da dầu cần được kê đơn chỉ định sử dụng bởi thầy thuốc. Vì vậy, người bệnh nên tìm đến các trung tâm Y học cổ truyền để được thăm khám, chẩn đoán và bốc thuốc.
4. Áp dụng một số mẹo chữa viêm da dầu tại nhà
Với những trường hợp bệnh đã thuyên giảm, những tổn thương trên bề mặt da dần ổn định thì người bệnh nên giảm liều và tần suất sử dụng thuốc Tây y, Đông y, thay vào đó nên duy trì điều trị bằng cách sử dụng một số loại tinh dầu chiết xuất từ thiên nhiên như:
- Gel nha đam: Đây là loại thảo dược rất tốt có khả năng phục hồi các tổn thương trên da, làm dịu da, giảm ngứa và loại bỏ những lớp vảy bong tróc trên da. Không những vậy, hàm lượng cao chất chống oxy hóa trong nha đam cũng có tác dụng tăng cường sức đề kháng tự nhiên bảo vệ làn da.
- Mật ong: Mật ong là nguồn nguyên liệu tự nhiên giàu chất oxy hóa và đặc biệt nguồn axit amin dồi dào giúp hồi phục nhanh chóng những vùng da bị tổn thương, tăng độ dày của lớp màng lipid để chủ động bảo vệ da trước những tác nhân gây bệnh. Hơn thế nữa, mật ong còn có khả năng ức chế sự hoạt động của các vi nấm Malassezia gây ra bệnh chàm da mỡ,
- Tinh dầu cây trà: Đây là loại tinh dầu có khả năng kháng khuẩn, chống viêm, phòng ngừa nhiễm trùng và làm dịu da hiệu quả. Bạn có thể dùng tinh dầu cây trà massage trực tiếp lên vùng da bị tổn thương hoặc thêm vào trong dầu gội nếu những mảng da dầu nằm ở trên đầu.
- Nước cốt chanh: Nước cốt chanh tươi có chứa hàm lượng cao hoạt chất acid citric có khả năng hỗ trợ loại bỏ các lớp vảy bong và làm bạt sừng tự nhiên, hiue65 hiệu quả. Cách thực hiện rất đơn giản, trộn đều hỗn hợp nước cốt chanh vào dầu gội hoặc kết hợp với nha đam, sữa chua, mật ong… để massage lên vùng da bị tổn thương.
Lưu ý: Những mẹo chữa viêm da dầu tại nhà bằng các loại thảo dược tự nhiên đem lại hiệu quả cao, có khả năng giảm nhẹ triệu chứng và hỗ trợ nuôi dưỡng tái tạo làn da. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ phù hợp với những người mắc bệnh ở mức độ nhẹ hoặc những tổn thương nặng đã thuyên giảm.
Hướng dẫn cách chăm sóc và phòng ngừa tái phát bệnh viêm da dầu tiết bã
Một chế độ chăm sóc kiểm soát bệnh và phòng ngừa tái phát bệnh viêm da dầu càng lâu càng tốt bao gồm những bước sau đây:
- Đều đặn vệ sinh làn da hằng ngày từ 1 – 2 lần bằng các sản phẩm làm sạch sâu và dịu nhẹ. Không nên sử dụng các sản phẩm có chứa nồng độ cồn, độ pH cao hay chứa nhiều thành phần gây kích ứng.
- Sau khi gội đầu xong nên sấy tóc cho khô hoàn toàn hay chú ý không nên đội mũ nón trong thời gian dài để tránh tạo điều kiện cho mồ hôi tiết ra quá mức, bùng phát các triệu chứng bệnh.
- Hạn chế trang điểm hay sử dụng các loại hóa chất lên tóc trong quá trình điều trị bệnh để tăng hiệu quả và rút ngắn thời gian chữa bệnh.
- Hết sức cân nhắc và lựa chọn sản phẩm chăm sóc da, chăm sóc tóc cũng như không được dùng tay hay các vật cứng, nhọn cào gãi, chà xát quá mạnh lên da.
- Tạo thói quen dưỡng ẩm da hằng ngày tùy vào nhu cầu của da và điều kiện thời tiết. Đây là cách tốt nhất để làn da luôn khỏe mạnh, phục hồi chức năng bảo vệ tự nhiên.
- Kiểm soát căng thẳng, nên dành nhiều thời gian trong việc nghỉ ngơi, thư giãn và suy nghĩ tích cực, ngủ sớm, vận động thể dục thể thao để giảm thiểu mức độ của các triệu chứng.
- Ăn uống khoa học, tránh những loại thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, thực phẩm dị ứng hay chất kích thích. Vì đây là những chất khiến làn da tiết ra nhiều bã nhờn hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi nấm phát triển gây bệnh viêm da dầu.
Viêm da dầu là bệnh lý da liễu thường gặp, có tính chất mãn tính và thường tái đi tái lại nhiều lần. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát các triệu chứng bệnh bằng những biện pháp y khoa hay chỉ đơn giản là loại bỏ các thói quen xấu. Bên cạnh đó, hãy nghe theo hướng dẫn của bác sĩ để đạt được kết quả điều trị tốt nhất.
Có thể bạn quan tâm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!