Viêm Da Cơ Địa Có Nguy Hiểm Không? Bác Sĩ Nói Gì?
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Viêm da cơ địa là bệnh lý da liễu điển hình cũng có thể gặp phải. Bệnh không có khả năng lây lan nhưng lại di truyền từ cha mẹ sang con cái, do đó rất khó để có thể chữa khỏi dứt điểm hoàn toàn. Vậy bệnh viêm da cơ địa có nguy hiểm không? Biến chứng của bệnh nặng hay nhẹ?
Các tác nhân khởi phát viêm da cơ địa
Theo các chuyên gia da liễu, viêm da cơ địa là một trong những căn bệnh da liễu phổ biến nhất hiện nay, mọi độ tuổi mọi giới tính đều có thể mắc bệnh. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều khởi phát từ lúc còn nhỏ và có đặc tính tái phát thường xuyên. Do viêm da cơ địa có liên quan mật thiết đến cơ địa dị ứng hoặc yếu tố di truyền.
Cụ thể như sau:
- Yếu tố di truyền: Theo thống kê nếu trong gia đình có bố hoặc mẹ bị viêm da cơ địa thì trẻ sinh ra sẽ có nguy cơ mắc bệnh là 60%, trường hợp cả bố và mẹ đều bị bệnh thì tỷ lệ này là 80%.
- Độ tuổi phát bệnh: Có khoảng 60% trẻ bị viêm da cơ địa phát bệnh trong năm đầu đời, 30% trong 5 năm và chỉ có khoảng 10% tỷ lệ phát bệnh từ 6 – 20 tuổi. Vì vậy, rất hiếm trường hợp phát bệnh khi trưởng thành.
- Do tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng: Tiếp xúc nhiều, thường xuyên với các dị nguyên như khói bụi, quần áo len dạ lông động vật, thực phẩn, mỹ phẩm, hóa chất độc hại, chất tẩy rửa công nghiệp… làm kích thích hệ miễn dịch của cơ thể sản sinh ra IgE, từ đó khởi phát các triệu chứng của bệnh.
- Thời tiết thay đổi đột ngột: Nhiệt độ và độ ẩm trong không khí thay đổi đột ngột khiến cho làn da bị mất nước trở nên khô và ngứa ngáy. Đây chính là những dấu hiệu khởi phát tình trạng viêm da cơ địa.
- Ngoài ra, còn một số yếu tố khác có khả năng làm tăng nặng các triệu chứng bệnh như do stress, căng thẳng trong thời gian dài, suy yếu hệ miễn dịch… Đây đều là những yếu tố nguy cơ thuận lợi để các loại vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể…
Triệu chứng đặc trưng của viêm da cơ địa
Bệnh viêm da cơ địa diễn tiến qua từng giai đoạn, ở mỗi giai đoạn bệnh sẽ có những triệu chứng riêng biệt để dễ dàng đánh giá và nhận biết. Cụ thể như sau:
Giai đoạn viêm da cơ địa cấp tính
Bệnh viêm da cơ địa trong giai đoạn này tạo ra những vùng da ửng đỏ ranh giới không rõ ràng, kèm theo đó là những đám sẩn ngứa, các đốm mụn nước và không có vảy da. Lúc này, người bệnh sẽ rất ngứa, gãi nhiều và tạo ra những vết xước, vết thương hở dễ bị bội nhiễm.
Đối với trẻ nhỏ, vùng da bị viêm da cơ địa thường xuất hiện ở trán, hai bên má và sau đó lan ra khắp mặt, xung quanh miệng thì lại không bị. Còn ở người lớn thì đặc trưng nhất là tình trạng khô da, ngứa ngáy, nổi nhiều mụn nước, kết vảy, chảy dịch… Vị trí xảy ra điển hình nhất là mặt, tay, chân, các nếp gấp ở tứ chi, mí mắt…
Giai đoạn viêm da cơ địa bán cấp
Đặc trưng triệu chứng trong giai đoạn này thường nhẹ hơn, da không bị phù nề hay tiết dịch nhiều.
Giai đoạn viêm da cơ địa mạn tính
Đây là giai đoạn bệnh nặng nhất với các triệu chứng khó chịu như vùng da bị tổn thương dày lên, liken hóa, các vết ửng đỏ có ranh giới rõ ràng, gây ra những vết nứt da gây đau, trẻ em thì chán ăn, ít ngủ, người lớn thì mệt mỏi, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Những tổn thương ở giai đoạn mạn tính chủ yếu xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân, các nếp gấp lớn, cổ, cổ tay, cổ chân, gáy…
Ngoài ra, một số trường hợp nặng hơn làm gây xuất hiện các triệu chứng của viêm kết mạc mắt nếu, viêm mũi dị ứng, hen suyễn, viêm ngứa họng…
Bệnh viêm da cơ địa có nguy hiểm không?
Theo thông tin từ các chuyên gia da liễu, bệnh viêm da cơ địa nói riêng và các bệnh lý về da liễu khác nói chung đều không quá nguy hiểm đến tính mạng con người. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Có thể kể đến một số biến chứng điển hình như:
- Gây bội nhiễm vi khuẩn: Ngứa ngáy quá mức tạo ra phản xạ gãi ngứa, càng gãi mạnh thì lại càng ngứa và làm cho da bị trầy xước, hình thành các vết thương hở làm tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết, nhiễm khuẩn da, bội nhiễm vi khuẩn làm cho việc điều trị càng khó khăn hơn.
- Rối loạn giấc ngủ: Cũng xuất phát từ những cơn ngứa ngáy làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, nhất là giấc ngủ vào ban đêm. Tình trạng này kéo dài khiến người bệnh khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc, dễ giật mình…
- Tạo sẹo mất thẩm mỹ: Những vết thương hở, đốm mụn nước… trên da sau khi biến mất để lại những vết thâm sẹo tối màu mất thẩm mỹ, khiến người bệnh tự ti, e ngại hơn trong giao tiếp.
- Một số biến chứng do lạm dụng corticoid quá mức: Đối với những người mắc bệnh viêm da cơ địa thì sử dụng các loại thuốc chứa thành phần corticoid được xem là cách hiệu quả nhất để đẩy lùi nhanh chóng các triệu chứng bệnh Tuy nhiên, thuốc lại rất dễ gây ra tác dụng phụ như làm mỏng da, thậm chí quá lạm dụng thuốc sẽ gây ra suy tuyến thượng thận, loãng xương, xuất huyết tiêu hóa, hệ miễn dịch suy yếu… Do đó, tuyệt đối không tự ý mua thuốc corticoid để sử dụng khi chưa có sự cho phép của bác sĩ.
Cách phòng ngừa tái phát và biến chứng của bệnh viêm da cơ địa
Bệnh viêm da cơ địa rất khó để điều trị khỏi dứt điểm, hầu hết các trường hợp mắc bệnh sẽ phải chung sống với bệnh cả đời, tuy nhiên cuộc sống vẫn sẽ diễn ra suôn sẻ như những người bình thường nếu bạn tuân thủ thực hiện các nguyên tắc phòng ngừa sau đây:
- Hạn chế tối đa tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên: Để làm được điều này, người bệnh cần xác định chính xác tác nhân gây dị ứng với bản thân, đó có thể là phấn hoa, lông chó mèo, bụi bẩn hay hóa chất, chất liệu quần áo thô cứng…. Từ đó xử lý vấn đề bằng cách giữ gìn vệ sinh thân thể, môi trường xung quanh và tuyệt đối không tiếp xúc với những sản phẩm độc hại.
- Chú trọng chăm sóc da đúng cách: Giữ gìn vệ sinh cơ thể hằng ngày thông qua việc tắm rửa, ưu tiên sử dụng các loại sữa tắm có khả năng làm sạch sâu nhưng vẫn dịu nhẹ cho làn da. Sau khi tắm xong nên bôi kem dưỡng ẩm toàn thân ngay để cấp nước, cấp ẩm cho da. Nên cân nhắc chọn sản phẩm có chiết xuất từ thiên nhiên, không chứa acid gây khô da để khởi phát triệu chứng bệnh.
- Tuân thủ chỉ định sử dụng thuốc của bác sĩ: Tùy theo từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc uống hoặc thuốc bôi viêm da cơ địa. Điển hình như thuốc bôi chứa corticoid, các loại dung dịch sát khuẩn tại chỗ… hay thuốc kháng histamine, thuốc kháng sinh… cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng, đúng liều lượng, đúng thời gian, tuyệt đối không lạm dụng thuốc để tránh gây tác dụng phụ ngoài ý muốn.
- Kiểm soát tình trạng sức khỏe, thể chất, tâm lý: Điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng hằng ngày, loại bỏ những loại thực phẩm dễ kích phát các yếu tố dị ứng như thịt bò, hải sản, đậu phộng, sữa, trứng, lúa mì… Bên cạnh đó, tuân thủ thói quen sinh hoạt khoa học để nâng cao thể chất, tăng cường sức đề kháng phòng ngừa bệnh tái phát hiệu quả.
Trên đây là những thông tin cơ bản để giải đáp thắc mắc “bệnh viêm da cơ địa có nguy hiểm không?”. Hy vọng quý bạn đọc có cái nhìn tổng quan hơn về căn bệnh này và chủ động thăm khám tại bệnh viện da liễu để được chẩn đoán, tư vấn điều trị rõ ràng cũng như phòng ngừa tái phát hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!