Viêm Bao Hoạt Dịch Khớp Gối: Nguyên Nhân, Biểu Hiện, Cách Điều Trị

Theo dõi Viện y dược dân tộc trên goole news

Viêm bao hoạt dịch khớp gối là một trong những bệnh lý xương khớp xảy ra khá phổ biến. Bệnh thường xuất hiện ở những người làm việc tay chân nặng nhọc, vận động viên chơi thể thao hoặc thường xuyên di chuyển. Nếu không được điều trị ngay từ sớm, bệnh sẽ dần chuyển sang mãn tính và gây nhiều biến chứng nguy hiểm. 

Viêm bao hoạt dịch khớp gối
Viêm bao hoạt dịch khớp gối là bệnh lý xương khớp phổ biến, có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào

Viêm bao hoạt dịch khớp gối là bệnh gì?

Bao hoạt dịch khớp gối là một túi nhỏ chứa đựng toàn bộ dịch lỏng (chất này rất giàu protein và collagen) nằm bên trong khớp. Bộ phận này có vai trò như một chất bôi trơn và làm lớp đệm lót nhằm giảm sự ma sát giữa các đầu xương, sụn, gân, cơ… để giúp bạn cử động một cách dễ dàng, dễ co duỗi, di chuyển.

Tuy nhiên, khi túi chất lỏng trong khớp gối này bị viêm nhưng không do nhiễm khuẩn thì được gọi là viêm bao hoạt dịch khớp gối. Tại khớp gối có chứa rất nhiều bao hoạt dịch và bất kỳ bao hoạt dịch nào cũng có thể bị viêm, nhưng phổ biến nhất là bao hoạt dịch nằm ở vị trí phía trước xương bánh chè hoặc mặt trong của đầu gối.

Khi xảy ra sưng viêm bao hoạt dịch trong khớp gối sẽ làm tăng mức độ cọ xát giữa các mô trong khớp, dẫn đến sưng đau, nóng đỏ và hạn chế khả năng vận động của người bệnh. Thậm chí tình trạng này nếu kéo dài và không có hướng điều trị kịp thời sẽ làm suy giảm hoặc mất đi hoàn toàn khả năng vận động. Các chuyên gia cho biết, bệnh này có tỷ lệ tái phát rất cao trừ khi trị được tận gốc nguyên nhân gây bệnh.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh viêm bao hoạt dịch khớp gối

Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh viêm bao hoạt dịch khớp gối và khi bệnh sẽ xuất hiện một số triệu chứng tương tự như một số bệnh lý xương khớp khác như:

Viêm bao hoạt dịch khớp gối
Đau nhức là triệu chứng đặc trưng nhất của các bệnh xương khớp nói chung và có cả bệnh viêm bao hoạt dịch khớp gối
  • Đau nhức khớp dữ dội: Đây là triệu chứng đặc trưng nhất của bất kỳ bệnh lý xương khớp nào, kể cả bệnh viêm bao hoạt dịch khớp gối. Khi khớp gối bị tổn thương, viêm sẽ làm tích tụ lượng dịch lớn dẫn đến đau nhức dữ dội. Cơn đau càng tăng mức độ hơn khi người bệnh vận động, bị tác động mạnh hay đơn giản khi bạn dùng tay ấn vào.
  • Tạo ra âm thanh khi di chuyển: Mỗi khi di chuyển, vận động người bệnh sẽ nghe thấy những âm thanh rắc rắc, lạo xạo giống như khớp đang rời ra.
  • Sưng đỏ: Tình trạng ứ dịch trong bao hoạt dịch hoặc tràn dịch khớp là nguyên nhân khiến khớp gối của bạn sưng viêm, tấy đỏ và hơi nóng ấm khi sờ vào.
  • Một số triệu chứng khác: Kèm theo đó là một số triệu chứng toàn thân như sốt nhẹ, phát ban, mệt mỏi…

Trên thực tế, nếu chỉ dựa vào những triệu chứng này thì rất khó để đánh giá chẩn đoán chính xác bệnh viêm bao hoạt dịch khớp gối vì có rất nhiều bệnh lý xương khớp khác đều có các triệu chứng tương tự. Vì vậy, để chắc chắn nhất người bệnh nên chủ động thăm khám, kiểm tra tại các bệnh viện, cơ sở y tế chuyên về xương khớp.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây viêm bao hoạt dịch khớp gối

Các chuyên gia cho biết, có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm bao hoạt dịch khớp gối, phổ biến nhất là do:

Viêm bao hoạt dịch khớp gối
Quỳ gối quá lâu hoặc thực hiện nhiều lần một động tác khiến cho đầu gối chịu áp lực, tổn thương và dẫn đến bệnh
  • Thực hiện lặp đi lặp lại các chuyển động hoặc tư thế đứng lên ngồi xuống liên tục. Ngoài ra, việc quỳ lâu trên nền cứng cũng là nguyên nhân gây ra bệnh.
  • Vận động quá sức khi lao động hoặc tập thể thao, đặc biệt là những môn như điền kinh, nhảy cao…
  • Bao hoạt dịch bị nhiễm khuẩn.
  • Đầu gối bị chấn thương trực tiếp.
  • Mắc một số bệnh lý xương khớp như: thoái hóa khớp gối, viêm xương khớp, bệnh gout, viêm khớp dạng thấp, tiểu đường…
  • Do quá trình lão hóa từ nhiên của cơ thể, càng lớn tuổi nguy cơ mắc bệnh càng cao do bao hoạt dịch hoạt động kém đi.

Viêm bao hoạt dịch khớp gối nguy hiểm như thế nào?

Việc lơ là chủ quan trong thăm khám và điều trị trễ không đe dọa đến tính mạng nhưng có thể dẫn đến nhiều biến chứng cực kỳ nguy hiểm như:

Viêm bao hoạt dịch khớp gối
Viêm bao hoạt dịch khớp gối không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó sẽ khiến người bệnh mất khả năng vận động nếu không điều trị sớm
  • Hạn chế khả năng vận động: Lượng dịch tích tụ quá mức trong khớp gối lâu ngày gây chèn ép lên ổ sụn, cơ bắp và dây chằng trong đầu gối gây ra đau nhức dữ dội, hạn chế khả năng vận động của người bệnh.
  • Phá hủy khớp, bại liệt, tàn phế: Bao hoạt dịch bị viêm trong thời gian dài không được cải thiện không chỉ khiến bạn gặp khó khăn trong việc vận động mà còn có nguy cơ bị liệt, tàn phế suốt đời.
  • Gây u nang bao hoạt dịch: Bị u nang bao hoạt dịch hoặc tạo nếp gấp bao hoạt dịch, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng vận động của người bệnh và là nguyên nhân gây một số bệnh lý viêm khớp khác.

Chẩn đoán viêm bao hoạt dịch khớp gối

Việc chẩn đoán bệnh viêm bao hoạt dịch khớp gối cần kết hợp nhiều biện pháp khác nhau. Đầu tiên, người bệnh sẽ thăm hỏi bệnh sử, thăm khám lâm sàng và thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán chính xác nguyên nhân và mức độ viêm bao hoạt dịch khớp gối.

1. Thăm hỏi tiền sử bệnh và khám lâm sàng

Để có thông tin về tình trạng bệnh mà bạn đang gặp phải, bác sĩ sẽ tiến hành thăm hỏi để khai thác tiền sử bệnh và khám lâm sàng dựa trên các vài test khả năng vận động của khớp gối. Cụ thể như sau:

  • Kiểm tra các triệu chứng sưng viêm, nóng đỏ, đau nhức khi chạm, đè vào khớp gối hay không.
  • Mức độ đau nhức khi di chuyển, thậm chí nghỉ ngơi có bị đau nhức không.
  • Có bị cứng khớp hay gặp khó khăn trong việc vận động.
  • Trước đây đã từng bị chấn thương gì chưa?
  • Đã từng điều trị, sử dụng thuốc hay chưa?

Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám để đánh giá tình trạng bệnh, mức độ hoạt động của khớp, so sánh các triệu chứng ở cả hai khớp gối để đưa ra chẩn đoán bệnh chính xác nhất.

2. Thực hiện các xét nghiệm liên quan

Một vài xét nghiệm thường được chỉ định để chẩn đoán viêm bao hoạt dịch khớp gối như:

Viêm bao hoạt dịch khớp gối
Để chẩn đoán bệnh viêm bao hoạt dịch khớp gối bác sĩ thường dựa vào các xét nghiệm hình ảnh như X – quang, MRI…

Xét nghiệm hình ảnh

Các xét nghiệm này đem lại hình ảnh chi tiết trực quan về cấu trúc khớp gối, phát hiện những tổn thương bên trong. Phương pháp xét nghiệm này cũng giúp phân biệt với các bệnh lý xương khớp khác vì có rất nhiều triệu chứng tương tự với triệu chứng viêm bao hoạt dịch khớp gối. Một vài xét nghiệm phổ biến như:

  • Chụp X – quang và MRI: Hình ảnh thu được từ 2 phương pháp xét nghiệm này giúp bác sĩ quan sát chi tiết cấu trúc, tình trạng bao hoạt dịch đang ảnh hưởng đến các mô bên trong khớp và loại trừ được các bệnh lý xương khớp khác.
  • Siêu âm: Phương pháp này sử dụng sóng siêu âm nhằm tạo ra hình ảnh cấu trúc trong cơ thể để bác sĩ nhìn rõ hơn tình trạng và mức độ viêm bao hoạt dịch bên trong khớp gối.
  • Xét nghiệm chọc hút dịch khớp: Bác sĩ thường chỉ định thực hiện xét nghiệm chọc hút dịch khớp nếu nghi ngờ bạn bị nhiễm trùng. Bác sĩ sẽ lấy mẫu phẩm chất lỏng (dịch nhầy) bên trong bao hoạt dịch để xác định được nguyên nhân gây viêm và sưng đau.

Phương pháp điều trị bệnh viêm bao hoạt dịch khớp gối

Bệnh viêm bao hoạt dịch khớp gối hoàn toàn có thể điều trị khỏi, tuy nhiên quá trình này cần nhiều thời gian. Nguyên tắc của việc điều trị là làm giảm triệu chứng và phục hồi chức năng khớp gối, lấy lại khả năng vận động. Tùy vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng phương pháp phù hợp.

Một phác đồ chuẩn điều trị viêm bao hoạt dịch khớp gối bao gồm các biện pháp sau:

Điều trị bảo tồn không xâm lấn

Phương pháp này bao gồm các biện pháp điều trị làm giảm triệu chứng bệnh, giảm đau nhức, sưng viêm… mà không đụng đến dao kéo xâm lấn, can thiệp trực tiếp lên da thịt, xương máu… Một vài biện pháp không xâm lấn phổ biến như:

1. Sử dụng thuốc Tây

Hầu hết những trường hợp mắc bệnh viêm bao hoạt dịch khớp gối mức độ nhẹ và vừa đều đáp ứng tốt khi sử dụng các loại thuốc sau:

Viêm bao hoạt dịch khớp gối
Dùng thuốc Tây để kiểm soát triệu chứng là cách phổ biến được nhiều người chọn lựa
  • Thuốc giảm đau: Đối với người bệnh viêm bao hoạt dịch khớp gối thường được kê đơn sử dụng các loại thuốc giảm đau như Paracetamol, Noramidopyrine, Ibuprofen… Nhóm thuốc này có tác dụng giảm đau nhanh chóng, tuy nhiên hiệu quả chỉ duy trì trong thời gian ngắn và nếu lạm dụng quá mức có thể gây ra nhiều tác động xấu, tác dụng phụ có hại cho sức khỏe.
  • Thuốc chống viêm không steroid: Những người bị sưng viêm, đau nhức khớp gối mức độ trung bình có thể sử dụng nhóm thuốc chống viêm không steroid để cải thiện triệu chứng, chống viêm, giảm đau và ngăn chặn tiến triển ngày càng nặng của bệnh. Một vài loại thuốc phổ biến trong nhóm này như Aspirin, Naproxen, Diclofenac…
  • Thuốc kháng sinh: Những trường hợp bị viêm bao hoạt dịch khớp gối do nhiễm trùng sẽ được bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh. Lưu ý đối với loại thuốc này đặc biệt cần phải tuân thủ liều dùng do bác sĩ chỉ định, không lạm dụng để tránh gây nhờn thuốc, phụ thuộc thuốc.

Lưu ý: Việc sử dụng bất kỳ loại thuốc Tây nào nhằm mục đích chữa bệnh đều cần phải có sự cho phép và kê đơn của bác sĩ để tránh gây ra tác dụng phụ và biến chứng ngoài ý muốn cho sức khỏe của người bệnh.

2. Vật lý trị liệu

Bên cạnh sử dụng thuốc trị viêm khớp, giảm đau, ngăn ngừa thoái hóa khớp…, bác sĩ cũng sẽ khuyến khích người bệnh thực hiện kết hợp một số biện pháp vật lý trị liệu để đạt hiệu quả cao và rút ngắn thời gian điều trị. Vật lý trị liệu có tác dụng cải thiện sức mạnh, hỗ trợ phục hồi khả năng vận động của cơ khớp và tăng sự dẻo dai, linh động của cơ. Đồng thời, hỗ trợ giảm đau nhức, giảm tần suất tái phát các triệu chứng bệnh.

Tùy vào từng trường hợp mà bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh thực hiện một số bài tập vật lý trị liệu đơn giản hoặc kết hợp với các phương pháp hiện đại khác như sóng ngắn, nhiệt trị liệu, dùng tia laser hoặc tia hồng ngoại… để đem lại kết quả khả quan nhất.

3. Áp dụng các biện pháp giảm đau đơn giản

Khi cơn đau nhức bùng phát, khớp gối sưng đỏ thì người bệnh nên áp dụng ngay các mẹo sau đây để cải thiện triệu chứng khó chịu, giảm đau nhức và lấy lại khả năng vận động (nếu bệnh nhẹ):

  • Nghỉ ngơi: Khi đau nhức khớp gối sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng vận động. Vì vậy, lúc này người bệnh không nên cố gắng đi lại, hạn chế vận động, nhất là đối với những hoạt động quá sức như mang vác vật nặng, đi lại thường xuyên… Hãy dành khoảng 10 – 15 phút ngồi hoặc nằm xuống thả lỏng để khớp được nghỉ ngơi và giúp cơn đau nhức dần thuyên giảm.
  • Chườm đá lạnh: Nhiệt độ lạnh của đá sẽ giúp giảm nhanh tình trạng sưng tấy, đau nhức khớp gối vì viêm bao hoạt dịch nhờ khả năng ức chế cảm thụ cơn đau của các dây thần kinh. Cho đá vào túi vải, buộc chặt phần đầu rồi chườm trực tiếp lên vùng đầu gối bị đau nhức. Nên thực hiện 2 – 3 lần/ ngày hoặc bất kỳ khi nào cảm thấy đau nhức để giảm nhanh triệu chứng.
Viêm bao hoạt dịch khớp gối
Chườm lạnh là mẹo hay giúp giảm nhanh tình trạng sưng tấy, đau nhức khớp gối
  • Chườm nóng: Khi bị căng cơ, khó cử động kèm theo đau nhức, đặc biệt là vào buổi sáng sau khi ngủ dậy hoặc đi lại nhiều, bạn nên chườm túi nước nóng, chai nước ấm hoặc sao nóng các dược liệu tự nhiên để chườm trực tiếp lên vùng đầu gối bị đau nhức.
  • Nâng cao đầu gối: Tư thế nâng cao đầu gối này sẽ giúp làm giảm áp lực và tạo sự thoải mái, thả lỏng cho đầu gối. Bạn có thể áp dụng tư thế này khi ngủ, khi ngồi làm việc… bằng cách kê một chiếc gối giữa hai chân.
  • Cố định đầu gối: Sử dụng băng quấn nén hoặc ống bao đầu gối để cố định khớp, kết hợp với việc nghỉ ngơi, hạn chế cử động sẽ giúp giảm đau, hỗ trợ phục hồi tốt hơn.

Điều trị xâm lấn

Thực hiện điều trị xâm lấn là khi sử dụng các dụng cụ, thiết bị y tế can thiệp xâm lấn tiếp xúc vào trong da thịt, xương, máu để xử lý và khắc phục tổn thương bên trong khớp gối. Một số biện pháp phổ biến thường dùng như:

1. Tiêm corticoid

Những trường hợp bị bệnh kéo dài và không thuyên giảm sau một thời gian áp dụng các biện pháp điều trị cơ bản khác sẽ được cân nhắc tiêm corticosteroid vào vùng bao hoạt dịch nhằm giảm viêm, giảm sưng đau.

Lưu ý liệu pháp này chỉ được thực hiện bởi chuyên gia có kinh nghiệm, vì thuốc có thể làm tăng huyết áp của người bệnh và tăng nguy cơ nhiễm trùng nếu sử dụng không đúng cách. Sau khi tiêm các triệu chứng sẽ thuyên giảm nhưng chỉ mang tính chất tạm thời, tình trạng đau nhức và sưng viêm có thể quay trở lại.

Viêm bao hoạt dịch khớp gối
Tiêm corticoid trực tiếp vào bao hoạt dịch trong khớp gối để giúp giảm đau nhức, sưng viêm

2. Chọc hút dịch (Aspiration)

Trường hợp bên trong khớp gối tích tụ quá nhiều dịch bắt buộc phải can thiệp bằng cách hút dịch khớp ra ngoài để việc điều trị viêm, đau nhức khớp gối được hiệu quả hơn. Để chọc hút dịch khớp, bác sĩ sẽ sử dụng một ống kim tiêm dâm xuyên vào trong bao hoạt dịch khớp gối và hút chất dịch lỏng vào trong ống xi lanh. Quá trình này diễn ra khá nhanh, tuy nhiên lại gây đau nhức và sưng, vì vậy bạn nên dùng nẹp cố định để bất động gối ngay sau khi chọc hút.

3. Phẫu thuật

Khi bị viêm bao hoạt dịch khớp gối nặng, nhiễm trùng chảy mủ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các bộ phận khác như gân, dây chằng, sụn, xương dưới sụn…, không đáp ứng điều trị với các biện pháp cơ bản, ngày càng tăng nặng chuyển sang mạn tính và tái đi tái lại thường xuyên sẽ được bác sĩ khuyến cáo thực hiện phẫu thuật nhằm mục đích loại bỏ bao hoạt dịch, dẫn lưu dịch chảy ra ngoài và hàn gắn các tổn thương khớp.

Phòng ngừa bệnh viêm bao hoạt dịch khớp gối

Thực hiện những biện pháp phòng ngừa từ sớm sẽ giúp phòng tránh bệnh đúng cách, giảm nguy cơ mắc bệnh và nếu chẳng may mắc bệnh cũng sẽ làm giảm thiểu tối đa mức độ nghiêm trọng. Chỉ cần thực hiện theo một số mẹo đơn giản sau đây sẽ giúp phòng ngừa viêm bao hoạt dịch hiệu quả:

Viêm bao hoạt dịch khớp gối
Ăn uống khoa học lành mạnh và duy trì cân nặng phù hợp là những cách phòng ngừa hiệu quả bệnh viêm bao hoạt dịch khớp gối
  • Hạn chế mang vác vật nặng, tốt nhất nên sử dụng các công cụ hỗ trợ như xe đẩy, xe nâng… để hạn chế áp lực tác động lên các khớp, đặc biệt là khớp đầu gối và khớp vai.
  • Khi ngồi làm việc quá lâu hoặc bắt buộc phải quỳ hãy sử dụng miếng đệm lót để giảm bớt áp lực cho đầu gối.
  • Hãy nhớ dù thực hiện bất kỳ công việc nào, đặc biệt các công việc có tính chất đặc thù phải đứng lên ngồi xuống liên tục hay thực hiện lặp đi lặp lại một động tác thì phải dành thời gian nghỉ ngơi. Điều này sẽ giúp các khớp được thư giãn, thả lỏng và tránh được những tổn thương.
  • Tránh ăn uống thừa chất, kém khoa học gây thừa cân béo phì, luôn duy trì cân nặng trong mức ổn định theo công thức chỉ số cơ thể BMI, cân nặng = chiều cao x 2 và mức BMI trong khoảng 18.5 – 24.9 là phù hợp nhất.
  • Hằng ngày dành ít nhất 30 phút để tập luyện thể thao, vận động nhẹ nhàng vừa sức để tăng cường sức mạnh cũng như độ dẻo dai cho khớp gối và các cơ bắp.
  • Khi chơi các môn thể thao cần sử dụng nhiều đến khớp hãy mang dụng cụ bảo vệ khớp như băng gối, băng khuỷa tay, cổ tay…
  • Duy trì tư thế làm việc phù hợp, ngồi thẳng lưng, tránh ngồi gù, khom người, ngồi lệch sang một bệnh hay gối đầu lên tay… vì đây là những động tác khiến khớp gối của bạn chịu nhiều áp lực, dễ bị tổn thương dẫn đến viêm bao hoạt dịch khớp gối.

Viêm bao hoạt dịch khớp gối là bệnh lý thường gặp, việc điều trị cũng không quá khó và cách phòng tránh cũng rất nhiều. Tuy nhiên, không có giải pháp nào có thể phòng tránh được 100% nên người bệnh hãy chú ý quan sát những bất thường của khớp gối và thăm khám điều trị càng sớm càng tốt ngay từ đầu để ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm khó lường về sau.

Chuyên gia tư vấn

Gọi ngay

0987173258

Tin mới

Địa chỉ DUY NHẤT chữa mỡ máu CAM KẾT HIỆU QUẢ BẰNG VĂN BẢN

Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc Dân Tộc là địa chỉ DUY NHẤT...

Huyết Mạch Khang – Sản phẩm hỗ trợ giảm mỡ máu ƯU VIỆT nhờ bảng thành phần độc đáo

Với thành phần 100% thảo dược với đặc tính hoạt huyết mạnh, dễ dàng phá...

Dự Án Bảo Vệ Tim Mạch Việt Nam Tuyên Truyền Sức Khỏe Cho Phụ Nữ Hải Dương Về Rối Loạn Mỡ Máu

Nằm trong chuỗi các hoạt động của dự án Bảo vệ Tim mạch Việt Nam...