Thuốc Chữa Thoái Hóa Khớp Gối

Các loại thuốc chữa thoái hóa khớp gối:

  1. Paracetamol: Là thuốc giảm đau phổ biến không kê đơn. Hoạt động bằng cách ức chế enzyme gây đau. An toàn cho người lớn và người có các vấn đề sức khỏe nhất định nhưng không nên dùng cho người thiếu máu, suy gan nặng, thiếu men G6PD.
  2. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Có tác dụng giảm đau và viêm. Cần cẩn trọng vì có thể gây viêm loét dạ dày, rối loạn động máu và các vấn đề khác. Dạng bôi thường được ưu tiên để giảm tác động lên các cơ quan nội tạng.
  3. Thuốc giảm đau gây nghiện (opioids): Có tác dụng mạnh hơn trong giảm đau, nhưng có rủi ro phụ thuộc và tác dụng không mong muốn. Cần tránh cho những người có nhiều vấn đề sức khỏe khác.
  4. Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: Có thể được sử dụng để giảm đau từ thoái hóa khớp gối, nhưng có nhiều rủi ro tiềm ẩn và tác dụng phụ.
  5. Diacerein và Glucosamine: Được sử dụng để giảm đau và hỗ trợ tái tạo mô sụn. Tuy nhiên, chúng không chống viêm như NSAID và có thể mất thời gian để thấy hiệu quả.
  6. Chondroitin: Hỗ trợ tái tạo mô sụn, giảm viêm và cải thiện sức đề kháng của cơ thể. Thường kết hợp với Glucosamine.
  7. Corticosteroid và Hyaluronic acid: Được sử dụng để giảm viêm và cải thiện độ bôi trơn trong khớp. Corticosteroid tiêm cần cẩn trọng vì có nhiều tác dụng phụ và chỉ được sử dụng khi cần thiết.

Thuốc chữa thoái hoá khớp gối có tác dụng cải thiện cơn đau nhức, tê cứng khớp, chống viêm, cải thiện chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, một số loại thuốc còn mang lại hiệu quả trong việc tái tạo mô sụn, ổn định hoạt động của ổ khớp, làm chậm quá trình thoái hoá.

9 Thuốc chữa thoái hoá khớp gối phổ biến

Thoái hoá khớp gối là một trong những dạng viêm khớp mãn tính phổ biến. Bệnh lý xảy ra khi các mô sụn bị ăn mòn, xơ hoá, biến đổi bề mặt khiến ổ khớp mất ổn định, đau nhức và khó khăn khi vận chuyển.

9 Thuốc Chữa Thoái Hoá Khớp Gối giúp cải thiện bệnh hiệu quả
Thuốc chữa thoái hoá khớp gối có tác dụng cải thiện cơn đau nhức, tê cứng khớp, chống viêm

Hiện nay, lựa chọn ưu tiên trong chữa trị thoái hoá khớp là sử dụng thuốc uống, thuốc bôi và thuốc tiêm. Mục tiêu của sử dụng phương pháp này là giúp cải thiện cơn đau, tăng khả năng chuyển động ở khớp, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thoái hoá là hệ quả do quá trình lão hoá kết hợp với một số yếu tố cộng hưởng (thừa cân - béo phì, sinh hoạt, chế độ ăn uống, lao động,...). Tổn thương mô sụn do thoái hoá thường tiến triển dần theo thời gian và gần như không thể điều trị dứt điểm.

Do đó, bên cạnh sử dụng thuốc làm giảm triệu chứng, bác sĩ chuyên khoa thường chỉ định kết hợp một số loại thuốc giúp tái tạo mô sụn, giúp phục hồi cấu trúc xương khớp và làm chậm quá trình thoái hoá.

Dưới đây là một số loại thuốc thường được chỉ định trong điều trị thoái hoá khớp gối:

1. Thuốc giảm đau Paracetamol chữa thoái hoá khớp gối

Paracetamol là loại thuốc giảm đau không kê toa được sử dụng phổ biến trong điều trị các bệnh xương khớp mãn tính. Thuốc có công dụng giảm đau, hạ sốt có mức độ từ nhẹ đến trung bình. Paracetamol hoạt động theo cơ chế ức chế cyclooxygenase ở hệ thần kinh trung ương, từ đó làm giảm chất trung gian gây đau prostaglandin.

Thuốc giảm đau Paracetamol chữa thoái hoá khớp gối
Paracetamol là loại thuốc giảm đau không kê toa được sử dụng phổ biến trong điều trị các bệnh xương khớp mãn tính

Thuốc được đánh giá có độ an toàn cao, dùng được cho người cao tuổi và người mắc các bệnh nền. Tuy nhiên, Paracetamol không sử dụng cho người bị thiếu máu, suy gan nặng và bị thiếu hụt men G6PD. Trong quá trình sử dụng thuốc, nên hạn chế các thức uống chứa cồn, bia rượu vì có thể tăng độc tính của thuốc đối với gan.

2. Thuốc chống viêm không steroid (thuốc uống + thuốc bôi)

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) được chỉ định khi Paracetamol không mang lại hiệu quả. Khác với Paracetamol, nhóm NSAID không chỉ có tác dụng giảm đau mà còn chống viêm hiệu quả.

Theo đó, thuốc hoạt động theo cơ chế ức chế enzyme cyclooxygenase, từ đó làm giảm khả năng sinh tổng hợp prostaglandin. Bên cạnh đó, thuốc chống viêm không steroid còn có khả năng ức chế tổng hợp PGF 2 nhằm giảm khả năng cảm thụ các tính hiệu gây đau (histamine và serotonin) của các dây thần kinh.

Tuy nhiên, do các tác dụng ức chế cyclooxygenase mạnh nên nhóm thuốc này có thể gây viêm loét dạ dày - tá tràng, rối loạn động máu, xuất huyết tiêu hoá, suy giảm chức năng gan, ù tai. Ngoài ra. dùng NSAID trong thời gian dài còn gây giảm bạch cầu hạt, suy tuỷ, suy thận, viêm thận kẽ cấp,...

Hiện nay, bác sĩ thường ưu tiên dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) ở dạng bôi như Voltaren gel nhằm hạn chế một số tác dụng phụ lên thận, dạ dày và tuần hoàn máu. Thuốc dạng bôi được dùng ở vùng da bao quanh khớp bị thoái hoá từ 2 - 3 lần/ ngày. Tuy nhiên, tránh dùng thuốc lên vùng da có vết thương hở, lở loét.

Thuốc chống viêm không steroid (thuốc uống + thuốc bôi) 
Bác sĩ thường ưu tiên dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) ở dạng bôi như Voltaren gel nhằm hạn chế một số tác dụng phụ

Các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) ở dạng uống thường được sử dụng trong điều trị thoái hoá khớp và thoái hoá khớp gối bao gồm Meloxicam, Piroxicam, Diclofenac, Etoricoxib, Ibuprofen,… Tuy nhiên, tránh dùng các loại thuốc này cho phụ nữ mang thai, người bị suy thận nặng, suy gan, bị viêm loét dạ dày tiến triển, hội chứng rối loạn đông máu.

3. Thuốc giảm đau gây nghiện (opioids)

Các loại thuốc giảm đau gây nghiện có tác dụng giảm đau ở mức độ vừa đến nặng. Tuy nhiên, do có nhiều rủi ro tiềm ẩn nên nhóm thuốc này chỉ được sử dụng khi thuốc giảm đau thông thường và NSAID không mang lại hiệu quả. Theo đó, thuốc tác động chọn lọc lên tế bào thần kinh trung ương nhằm gây tăng ngưỡng cảm nhận cảm giác đau.

Bên cạnh đó, thuốc giảm đau gây nghiện còn có tác dụng an thần, tạo cảm giác sảng khoái (thư giãn, mất cảm giác đói, giảm căng thẳng, than thản, lo lắng,...). Vì vậy. nhóm thuốc này được cân nhắc dùng cho những trường hợp bị thoái hoá khớp gối kéo dài tác động xấu đến tâm lý (lo âu quá mức, căng thẳng,...).

Thuốc giảm đau gây nghiện (opioids) 
Các loại thuốc giảm đau gây nghiện có tác dụng giảm đau ở mức độ vừa đến nặng

Theo bác sĩ chuyên gia, thuốc giảm đau gây nghiện không dùng cho người bị suy gan nặng, suy hô hấp, hen phế quản, đang dùng thuốc ức chế MAO (hoặc trước đó khoảng 15 ngày), chấn thương não,... Trong thời gian dùng thuốc, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn như bí tiểu, co đồng tử, nôn mửa, táo bón, buồn nôn, vã mồ hôi, ngứa da,...

Khi dùng thuốc giảm đau gây nghiện cho người trung niên và cao tuổi cần chú ý theo dõi thường xuyên để kịp thời phát hiện các biểu hiện bất thường. Ngoài ra, do có tác dụng an thần và tạo cảm giác sảng khoái nên cần chú ý khi vận hành máy móc hoặc lái xe trong thời gian dùng thuốc này.

4. Thuốc chống trầm cảm 3 vòng

Thuốc chống trầm cảm 3 vòng thường được chỉ định trong điều trị trầm cảm và một số vấn đề tâm lý khác. Tuy nhiên, do có tác dụng ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (chất dẫn truyền thần kinh) nên nhóm thuốc này còn được dùng để giảm đau nhức do thoái hoá khớp gối, đau dây thần kinh toạ, zona thần kinh,...

Thuốc chống trầm cảm 3 vòng 
Thuốc chống trầm cảm 3 vòng được dùng để giảm đau nhức do thoái hoá khớp gối, đau dây thần kinh toạ, zona thần kinh,...

Mặc dù có hiệu quả giảm đau cao nhưng các loại thuốc chống trầm cảm 3 vòng (Amitriptyline, Doxepin, Imipramine, Desipramine) thường có nhiều rủi ro tiềm ẩn nên chỉ được dùng trong trường hợp cần thiết. Trong quá trình sử dụng thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như hạ huyết áp, rối loạn chức năng tình dục, tim đập nhanh, táo bón, khô miệng, suy giảm trí nhớ, chóng mặt, bí tiểu,...

5. Thuốc Diacerein chữa thoái hoá khớp gối

Thuốc Diacerein được chỉ định trong điều trị dài hạn đối với bệnh thoái hoá khớp và thoái hoá khớp gối nói riêng. Đây là loại thuốc đặc hiệu đối với các bệnh xương khớp liên quan đến thoái hoá.

Loại thuốc này có tác dụng giảm đau, chống viêm, làm chậm quá trình hư hại các mô sụn. Do không ức chế tổng hợp prostaglandin nên loại thuốc này không gây ảnh hưởng đến dạ dày và có thể được sử dụng điều trị dài hạn.

Thuốc Diacerein chữa thoái hoá khớp gối
Thuốc Diacerein được chỉ định trong điều trị dài hạn đối với bệnh thoái hoá khớp và thoái hoá khớp gối nói riêng

Thuốc Diacerein được đánh giá có độ an toàn cao và gần như không phát sinh các biến chứng nặng nề khi sử dụng. Ở một số trường hợp ít gặp, thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như nước tiểu đậm màu (do hợp chất có trong thuốc), tiêu chảy.

6. Thuốc làm chậm quá trình thoái hoá Glucosamine sulfat

Glucosamine là một trong những thành phần nội sinh được cơ thể sản xuất để duy trì độ dẻo dai của mô sụn, đồng thời đảm bảo mật độ của tế bào xương. Tuy nhiên, khi tuổi tác cao, lượng Glucosamine trong có thể xu hướng suy giảm dần khiến sụn khớp bị xơ hoá, giảm tốc độ đàn hồi.

Chính vì vậy, bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định một số viên uống bổ sung Glucosamine nhằm làm chậm quá trình lão hoá, hỗ trợ tái tạo các mô sụn bị hư hại. Sau khi dung nạp, Glucosamine sẽ kích thích cơ thể sản xuất proteoglycan, từ đó giúp bù lấp những mô sụn bị bào mòn, cải thiện chức năng của cơ quan này.

Thuốc làm chậm quá trình thoái hoá Glucosamine sulfat
Một số viên uống bổ sung Glucosamine có tác dụng làm chậm quá trình lão hoá, hỗ trợ tái tạo các mô sụn bị hư hại

Bên cạnh đó, thuốc còn có tác dụng ức chế các enzyme tiêu huỷ protein tại tế bào xương như phospholinase, stromelysin và collagenase. Hơn nữa, thành phần Glucosamine còn giúp cải thiện tình trạng khô khớp, điều hoà hoạt động của màng bao hoạt dịch, đồng thời cải thiện khả năng hấp thu canxi của cơ thể.

Tuy nhiên, thuốc Glucosamine chỉ có tác dụng tái tạo sụn, không có khả năng cải thiện cơn đau, chống viêm như NSAID. Ngoài ra, hiệu quả của loại thuốc này thường chậm nên phải kiên trì sử dụng trong thời gian dài.

7. Thuốc chống thoái hoá khớp gối Chondroitin

Chondroitin được biết đến là một sulfated glycosaminoglycan có mặt trong hầu hết những mô tế bào của con người. Việc thiếu hụt Chondroitin được xem là một trong những nguyên nhân gây thoái hoá khớp nói chung và thoái hoá khớp gối nói riêng.

Bổ sung Chondroitin có tác dụng kích thích tổng hợp proteoglycan và axit hyaluronic, từ đó tái tạo mô sụn bị tổn thương, kháng viêm, đồng thời ức chế tổng hợp các enzyme gây hư hại sụn khớp như enzyme proteolytic và nitric oxide. Ngoài ra, thành phần này còn giúp cải thiện độ bền vững của collagen nội bào, duy trì độ đàn hồi của sụn, khả năng co giãn của các mô liên kết, đồng thời làm chậm quá trình thoái hoá.

Thuốc chống thoái hoá khớp gối Chondroitin 
Bổ sung Chondroitin có tác dụng kích thích tổng hợp proteoglycan và axit hyaluronic, từ đó tái tạo mô sụn bị tổn thương, kháng viêm

Hiện nay, Chondroitin thường được kết hợp với Glucosamine để tác động toàn diện đến hệ thống xương khớp, giúp cải thiện khả năng vận động, đồng thời ức chế quá trình hư hại mô sụn.

8. Thuốc tiêm điều trị thoái hoá khớp gối Corticosteroid

Corticosteroid là loại thuốc chống viêm, kháng dị ứng, ức chế miễn dịch hiệu quả. Thuốc có tác dụng tương tự như hormone cortisol nội sinh được sản xuất ở tuyến thượng thận. Hiện nay, có nhiều dẫn xuất Corticosteroid được bào chế đa dạng (thuốc uống, thuốc bôi, thuốc hít,...). Đối với trường hợp bị thoái hoá khớp gối, bác sĩ có thể chỉ định các loại Corticosteroid có tác dụng chống viêm mạnh ở dạng tiêm.

Việc tiêm Corticosteroid ở khớp gối có tác dụng ức chế tình trạng viêm (phản ứng miễn dịch của cơ thể), từ đó giúp giảm đau nhanh chóng. Do có nguy cơ cao nên nhóm thuốc chỉ được sử dụng trong những trường hợp không đáp ứng với các loại thuốc giảm đau thông thường.

Thuốc tiêm điều trị thoái hoá khớp gối Corticosteroid
Tiêm Corticosteroid ở khớp gối có tác dụng ức chế tình trạng viêm (phản ứng miễn dịch của cơ thể)

Theo các bác sĩ chuyên khoa, tiêm Corticosteroid vào ổ khớp chỉ được thực hiện tối đa 3 lần/ năm và người bệnh cần theo dõi biến chứng, rủi ro chặt chẽ để kịp thời khắc phục. Tránh phát sinh biến chứng nguy hiểm.

Mặc dù có tác dụng giảm đau, kháng viêm nhanh nhưng loại thuốc này có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như:

  • Biên chứng ngắn hạn: Nhiễm trùng, chảy máu tại chỗ, đau và tăng phản ứng viêm do kích ứng
  • Biến chứng dài hạn: Yếu gân cơ, tăng đường huyết, tăng tiết mồ hôi, nóng bừng mặt, mất ngủ, giảm khả năng đề kháng,...

9. Thuốc tiêm Hyaluronic acid

Thực tế, việc tiêm Corticosteroid nội khớp chỉ giúp kiểm soát phản ứng viêm, đồng thời cải thiện cơn đau. Loại thuốc này không giúp phục hồi, tái tạo mô sụn, ngược lại gây hư hại các mô sụn khoẻ mạnh, giảm chức năng đề kháng của cơ thể, tăng đường huyết. Do đó, để cải thiện chức năng ở ổ khớp, bác sĩ có thể chỉ định tiêm Hyaluronic acid.

Hyaluronic acid được bào chế ở dạng dung dịch tác dụng tương tự như dịch nhờn được sản sinh ở màng hoạt dịch. Việc tiêm Hyaluronic acid có thể làm giảm ma sát lên mô sụn, bôi trơn ổ khớp và hạn chế cơn đau cử động, khi đi lại.

Thuốc tiêm Hyaluronic acid
Tiêm Hyaluronic acid có thể làm giảm ma sát lên mô sụn, bôi trơn ổ khớp và hạn chế cơn đau cử động, khi đi lại.

Thông qua cơ chế làm giảm ma sát bên trong ổ khớp, Hyaluronic acid có tác dụng giúp mô sụn có thời gian để tái tạo và phục hồi. Vì vậy, trong thời gian hiệu lực, người bệnh nên dùng kết hợp với các loại thuốc có khả năng chống thoái hoá như Glucosamine, Chondroitin, MSM,...

Một số lưu ý khi dùng thuốc chữa thoái hoá khớp gối

Dùng thuốc điều trị thoái hoá khớp gối là phương pháp bảo tồn thường được áp dụng trong chữa trị bệnh lý. Việc dùng thuốc đúng cách có thể giúp kiểm soát cơn đau, giảm viêm, hỗ trợ tái tạo mô sụn, đồng thời làm chậm quá trình lão hoá. Tuy nhiên, nếu lạm dụng hoặc không thận trọng khi dùng thuốc, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ và rủi ro tiềm ẩn.

Vì vậy, khi sử dụng thuốc điều trị thoái hoá khớp gối, bạn cần lưu ý một số thông tin sau:

  • Chỉ sử dụng thuốc khi có hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa. Tránh tự ý sử dụng thuốc khi chưa tiến hành thăm khám và chẩn đoán.
  • Cần thông báo với bác sĩ chuyên khoa về lịch sử dụng thuốc, tình trạng sức khỏe và tiền sử dị ứng để được chỉ định loại thuốc phù hợp.
  • Thoái hoá khớp là hệ quả của quá trình lão hoá tự nhiên của cơ thể. Do đó, hiện vẫn không có phương pháp điều trị bệnh lý dứt điểm. Để làm chậm tiến triển của bệnh, cần kết hợp sử dụng thuốc với chế độ dinh dưỡng, lao động, sinh hoạt lành mạnh.
  • Các loại thuốc chống thoái hoá như Glucosamine, Diacerein và Chondroitin có thể dùng trong điều trị dài hạn. Tuy nhiên, chỉ sử dụng thuốc kiểm soát triệu chứng (Paracetamol, NSAID, opioids, corticosteroid,...) trong thời gian ngắn và chỉ dùng khi thực sự cần thiết.
  • Nếu xuất hiện các biểu hiện bất thường hoặc tác dụng phụ trong thời gian dùng thuốc, người bệnh cần thông báo với bác sĩ chuyên khoa để được theo dõi và xử lý đúng cách.
  • Điều trị thoái hoá khớp gối bằng thuốc, vật lý trị liệu,... thường chỉ mang lại hiệu quả với những trường hợp bệnh ở mức độ nhẹ đến trung bình. Trường hợp sụn khớp bị tổn thương nặng, không thể phục hồi, bác sĩ có thể đề nghị can thiệp ngoại khoa.

Bài viết đã tổng hợp một số loại thuốc chữa thoái hoá khớp gối và lưu ý trong quá trình sử dụng. Đối với từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ xem xét các biểu hiện lâm sàng, mức độ đáp ứng để chỉ định các loại thuốc phù hợp. Để được tư vấn loại thuốc phù hợp, người bệnh cần tìm gặp và trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Gọi ngay

0987173258

Tin mới

Huyết Mạch Khang – Sản phẩm hỗ trợ giảm mỡ máu ƯU VIỆT nhờ bảng thành phần độc đáo

Với thành phần 100% thảo dược với đặc tính hoạt huyết mạnh, dễ dàng phá...

Dự Án Bảo Vệ Tim Mạch Việt Nam Tuyên Truyền Sức Khỏe Cho Phụ Nữ Hải Dương Về Rối Loạn Mỡ Máu

Nằm trong chuỗi các hoạt động của dự án Bảo vệ Tim mạch Việt Nam...
Viện Y dược Cổ Truyền Dân Tộc nghiên cứu và phát triển phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc

Viện Y Dược Cổ Truyền Dân Tộc Nghiên Cứu Và Phát Triển Phương Pháp Chữa Bệnh Không Dùng Thuốc

Viện Y dược Cổ truyền Dân tộc đã và đang thực hiện nhiều công trình...