Thực Đơn Cho Người Đau Dạ Dày – Ăn Gì Nhanh khỏi Bệnh?
Theo dõi Viện y dược dân tộc trên
Thực đơn cho người đau dạ dày là một trong những nhân tố quan trọng quyết định tới sự thành công trong điều trị căn bệnh đường tiêu hóa này. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các chỉ dẫn để quý độc giả xây dựng được những thực đơn lành mạnh và giàu dinh dưỡng, giúp mau chóng đẩy lùi căn bệnh dạ dày.
Nguyên tắc xây dựng thực đơn cho người đau dạ dày
Khi xây dựng thực đơn cho bệnh nhân đau dạ dày, có một vài nguyên tắc cần tuân thủ, bao gồm việc lựa chọn thực phẩm tốt, hạn chế thực phẩm có hại và lưu ý trong chế biến món ăn.
Lựa chọn các loại thực phẩm tốt cho dạ dày và hệ tiêu hóa
Thực phẩm tốt cho người bị đau dạ dày phải là những loại thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ, chất có khả năng thấm hút, giảm tiết axit và bảo vệ lớp niêm mạc dạ dày. Chế độ ăn cho người bị đau dạ dày nên bổ sung đa dạng các loại thực phẩm sau:
- Thực phẩm giàu đạm: thịt, cá nạc và trứng là những nguồn chất đạm dồi dào và lành mạnh cho người bị đau dạ dày. Chúng đảm bảo cung cấp năng lượng cần thiết cho hoạt động hàng ngày của người bệnh đồng thời thân thiện với hệ tiêu hóa đang bị tổn thương.
- Các loại ngũ cốc: vừa có hàm lượng chất xơ cao, vừa là loại thực phẩm có khả năng thấm hút dịch vị và bao bọc niêm mạc dạ dày. Yến mạch, lúa mì và các loại đậu nên được thường xuyên sử dụng trong chế độ ăn uống của người bị đau dạ dày.
- Rau xanh và hoa quả: là nguồn cung cấp chất xơ, các vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể để thúc đẩy hoạt động tiêu hóa diễn ra thuận lợi và hỗ trợ những tổn thương ở niêm mạc dạ dày mau chóng được chữa lành. Một số loại rau quả người bị đau dạ dày nên sử dụng là: rau mồng tơi, rau bina, các loại rau cải, táo, lê, lựu…
- Thực phẩm chứa chất chống oxy hóa: curcumin, beta carotene hay flavonoid đều là những chất chống oxy hóa có tác dụng chống viêm, giúp ích cho việc bảo vệ niêm mạc dạ dày và quá trình làm lành vết loét. Các hợp chất này có nhiều trong gừng, nghệ, cà rốt, đu đủ, bông cải xanh…
- Thực phẩm giàu omega 3: omega 3 là chất béo lành mạnh không chỉ cung cấp cho cơ thể nguồn năng lượng dồi dào mà còn có khả năng kháng viêm và giảm bớt căng thẳng mệt mỏi cho người bệnh. Người bị đau dạ dày vì thế nên bổ sung các loại thực phẩm giàu omega 3 như cá hồi, dầu oliu, hạt óc chó… thường xuyên.
- Sữa và các sản phẩm từ sữa: sữa là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, vừa có khả năng trung hòa axit vừa có khả năng bọc hút cho niêm mạc dạ dày. Các sản phẩm từ sữa như sữa chua, váng sữa còn giàu thành phần probiotic giúp bổ sung lợi khuẩn cho đường ruột.

Song song với việc sử dụng các loại thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa, người bị đau dạ dày cần uống đủ 2-2,5 lít nước mỗi ngày. Uống nước là biện pháp đơn giản để làm dịu dạ dày, hỗ trợ tiêu hóa và trung hòa bớt lượng axit trong dịch vị. Bệnh nhân nên dùng nước lọc hoặc các loại nước ép hoa quả ít chua.
Hạn chế những loại thực phẩm có hại cho dạ dày
Trong chế độ ăn cho người loét dạ dày, cần hạn chế những loại thực phẩm dưới đây:
- Các loại thực phẩm chua cay: sử dụng nhiều thực phẩm có tính chua và cay sẽ kích thích tiết axit và bào mòn thêm lớp niêm mạc dạ dày.
- Thực phẩm dai, cứng: làm tăng cường cọ xát lên niêm mạc dạ dày và làm chậm quá trình tiêu hóa.
- Thực phẩm có chứa chất kích thích: Rượu, bia, trà đặc, cà phê, nước uống có ga là những loại thực phẩm người bị đau dạ dày nên tránh xa để tránh làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh.
- Thực phẩm chế biến sẵn và đồ đông lạnh: đây là các loại thực phẩm có chứa chất bảo quản, chất điều vị và phẩm màu; đặc biệt không tốt cho hệ tiêu hóa và là những tác nhân làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
- Thực phẩm lên men chua: như dưa cà, hành muối, nem chua… khi sử dụng sẽ làm mất cân bằng môi trường axit dạ dày, hơn nữa còn chứa chất nitric là tác nhân làm tăng nguy cơ hình thành các tế bào ung thư.

Thực đơn cho người đau dạ dày – Nguyên tắc chế biến món ăn
Ngoài những lưu ý về các loại thực phẩm nên ăn và không nên ăn, bệnh nhân bị đau dạ dày cần lưu ý một số nguyên tắc sau trong chế biến món ăn:
- Nên thái nhỏ hoặc xay thực phẩm và chế biến thành các món cháo, súp mềm và dễ tiêu hóa.
- Hạn chế nêm nhiều gia vị trong nấu nướng làm cho món ăn kích thích tiết axit dạ dày và gây ra các triệu chứng đầy hơi, khó tiêu.
- Ưu tiên chế biến thức ăn bằng các phương pháp đơn giản, bảo toàn dinh dưỡng như luộc, hấp; hạn chế các món xào, chiên hay nướng.
- Sơ chế kỹ thực phẩm để hạn chế nguy cơ tồn dư chất bảo vệ thực vật và đảm bảo vệ sinh trong quá trình chế biến thức ăn.
- Chỉ ăn chín, uống sôi; tuyệt đối không được sử dụng thực phẩm tái, sống.
Gợi ý thực đơn cho người đau dạ dày
Người bị đau dạ dày nên chia nhỏ bữa ăn hàng ngày và thực hiện ăn đúng bữa, đúng giờ. Điều này giúp giảm lượng thức ăn cần tiêu hóa trong mỗi bữa và tránh được tình trạng ăn quá no hoặc để cho dạ dày quá đói. Các thực đơn mẫu được gợi ý dưới đây sẽ giúp độc giả không cần phải loay hoay mỗi ngày để suy nghĩ các món ăn cho người bị đau dạ dày.

Thực đơn 1:
- Bữa sáng (7 giờ): bánh mì và sữa tươi.
- Bữa trưa (11 giờ): cơm, thịt băm sốt cà chua, đậu phụ hấp, rau cải luộc, chuối tây.
- Bữa chiều (15 giờ): súp khoai tây
- Bữa tối (19 giờ): cơm, trứng hấp thịt, rau muống luộc, dưa hấu.
Thực đơn 2:
- Bữa sáng (7 giờ): Phở thịt băm.
- Bữa trưa (11 giờ): cơm, thịt luộc, tôm hấp, canh rau mồng tơi, táo.
- Bữa chiều (15 giờ): Cháo bí đỏ
- Bữa tối (19 giờ): Cơm, thịt bò xào cà rốt, đậu cô ve luộc, lựu.
Thực đơn 3:
- Bữa sáng (7 giờ): cháo đậu xanh.
- Bữa trưa (11 giờ): cơm, cá kho nhạt, thịt băm viên hấp, canh rau cải, thanh long.
- Bữa chiều (15 giờ): chè bột sắn, bánh quy.
- Bữa tối (19 giờ): cơm, đậu sốt thịt băm, canh khoai tây hầm cà rốt, lê.
Trên đây chỉ là một vài thực đơn gợi ý, người bệnh có thể linh hoạt đổi món và sáng tạo dựa trên những nguyên tắc xây dựng thực đơn để tạo nên những bữa ăn đa dạng nhất.
Một vài lưu ý liên quan tới chế độ ăn và thực đơn cho người đau dạ dày
Bên cạnh việc xây dựng một chế độ ăn lành mạnh cho người bị viêm dạ dày, các bệnh nhân còn cần chú ý tới thói quen ăn uống để hỗ trợ tốt nhất cho việc điều trị bệnh:
- Tập thói quen ăn chậm, nhai kỹ, tránh sử dụng điện thoại hay xem tivi trong bữa ăn.
- Không nên dùng nhiều canh hoặc uống nhiều nước trong bữa ăn.
- Tránh ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh, dùng thức ăn khi còn ấm là tốt nhất.
- Nên ngồi nghỉ ngơi sau khi ăn; tránh vận động mạnh, làm việc hoặc đi nằm luôn.
Hy vọng những thực đơn cho người đau dạ dày gợi ý trên đây sẽ giúp quý độc giả tiết kiệm được thời gian và công sức trong việc điều chỉnh chế độ ăn cho người bệnh. Khi đã nắm được các các nguyên tắc xây dựng thực đơn, bệnh nhân sẽ dễ dàng sáng tạo được những bữa ăn đa dạng cho mình và những người thân bị mắc bệnh dạ dày.
Có thể bạn quan tâm:
Tin xem thêm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!