Sau Sinh Đi Cầu Ra Máu Nguy Hiểm Không? [ Bác sĩ giải đáp]
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Sau sinh đi cầu ra máu là hiện tượng rất nhiều chị em đã và đang gặp phải. Hiện tượng này thường xuất hiện đột ngột và có thể kèm theo một số triệu chứng khác như táo bón, đau rát, ngứa ngáy ở hậu môn… Vậy tình trạng đi ngoài ra máu sau sinh có nguy hiểm không, là dấu hiệu của bệnh gì và cách điều trị ra sao?
Nguyên nhân khiến mẹ sau sinh đi cầu ra máu
Đi ngoài ra máu là tình trạng có máu lẫn trong phân hoặc chảy trực tiếp từ hậu môn ra bên ngoài trong lúc đi đại tiện. Hiện tượng này có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào, trong đó đặc biệt phổ biến ở phụ nữ sau sinh. Các chuyên gia cho biết, đi ngoài ra máu sau khi sinh là tình trạng rất hay xảy ra và thường xuất phát từ các nguyên nhân sau đây:
1. Rối loạn nội tiết tố
Rối loạn nội tiết tố sau sinh là tình trạng mà bất kỳ mẹ bỉm sữa nào cũng gặp phải. Bởi nội tiết tố khi mang thai thường ở mức rất cao và nhanh chóng sụt giảm sau khi sinh. Tình trạng này khiến cơ thể người mẹ không kịp thích ứng dẫn đến rối loạn và gây ra nhiều sự bất thường trong cơ thể.
Và một trong số những hệ quả đó là tình trạng đi cầu ra máu. Với nguyên nhân này chị em không cần phải quá lo lắng vì tình trạng này sẽ nhanh chóng được cải thiện sau khoảng 1 – 2 tháng tiếp theo.
2. Do tác dụng phụ của thuốc
Việc sử dụng một số loại thuốc Tây như thuốc kháng sinh, thuốc gây tê khi sinh mổ… có thể gây ra một số tác dụng phụ ngoài ý muốn đến chức năng đường ruột. Từ đó khiến mẹ sau sinh dễ bị ra máu khi đi ngoài. Lúc này, chỉ cần hạn chế hoặc ngừng sử dụng thuốc thì hiện tượng này cũng sẽ nhanh chóng biến mất.
3. Chế độ ăn uống kém khoa học
Nhiều chị em phụ nữ sau sinh thường nôn nóng muốn lấy lại vóc dáng ban đầu nên thường ăn uống rất đơn giản, thậm chí kiêng khem quá mức gây thiếu hụt dinh dưỡng. Ngoài ra, việc ăn uống không khoa học như ăn nhiều thịt, ít ăn rau trái cây, uống ít nước và lười vận động… chính là những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến táo bón. Nếu tình trạng này kéo dài khiến táo bón ngày càng nặng, phân khô cứng, đi ngoài khó khăn, đau rát và chảy máu.
4. Mắc một số bệnh lý
Bên cạnh những nguyên nhân vừa kể trên, tình trạng sau sinh đi cầu ra máu cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của một số bệnh lý như:
Bệnh trĩ
Các chuyên gia cho biết, đi ngoài ra máu là một trong những dấu hiệu đặc trưng của bệnh trĩ. Bệnh trĩ được chia làm nhiều cấp độ, tùy theo từng cấp độ nặng hay nhẹ mà mức độ triệu chứng sẽ khác nhau, ở giai đoạn đầu máu thường ra ít, lẫn vào phân hoặc dính vào giấy vệ sinh. Tuy nhiên, khi bệnh càng kéo dài diễn tiến càng nặng thì lượng máu chảy ra càng nhiều, phun thành tia, thậm chí chảy thành dòng.
Nếu chị em bị chảy máu ở mức độ này cần nhanh chóng đến bệnh viện để thăm khám, chẩn đoán và điều trị ngay. Vì bệnh trĩ gây chảy máu nhiều có thể dẫn đến thiếu máu, mất máu ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe.
Sa búi trĩ
Nhiều trường hợp chị em sinh thường cần phải tự dùng sức để rặn đẩy con ra ngoài. Tuy nhiên nếu quá trình này thực hiện không đúng cách có thể làm tăng sức ép lên vùng ổ bụng và khiến các búi trĩ bị sa ra ngoài. Biểu hiện điển hình của sa búi trĩ là tình trạng chảy máu khi đi đại tiện.
Polyp hậu môn
Các khối polyp hậu môn được hình thành do sự tăng sinh quá mức của lớp niêm mạc hậu môn. Chúng có khả năng di chuyển tự do trong lòng ruột và được đánh giá khá lành tính với cơ thể. Tuy nhiên, bất kỳ ai bị polyp hậu môn, trong đó có phụ nữ sau sinh đều sẽ phải đối mặt với một số triệu chứng khó chịu như cảm giác đau rát buốt, ngứa ngáy, mệt mỏi, suy nhược, chảy máu khi đi ngoài…
Nứt kẽ hậu môn
Sau sinh đi ngoài ra máu kèm theo ngứa ngáy, nóng rát có thể là dấu hiệu của bệnh nứt kẽ hậu môn. Đây là tình trạng xuất hiện vết rách ở niêm mạc hậu môn, thường xảy ra do mẹ bị táo bón, cố gắng rặn phân cứng hoặc do quá trình sinh nở khiến hậu môn bị co thắt đột ngột. Các chuyên gia cho biết, bệnh nứt kẽ hậu môn rất dễ bị nhầm lẫn với bệnh trĩ vì cả hai bệnh đều gây chảy máu.
Ung thư trực tràng
Ung thư trực tràng là một trong những bệnh lý đường tiêu hóa cực kỳ nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng bất kỳ đối tượng nào, kể cả phụ nữ sau sinh. Bệnh lý này rất khó để chẩn đoán nếu chỉ quan sát các triệu chứng bằng mắt thường. Vì vậy, khi phát hiện tình trạng sau sinh đi cầu ra máu hãy nhanh chóng thăm khám, tuyệt đối không nên chủ quan để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Một số bệnh lý khác
Tình trạng sau sinh đi cầu ra máu kèm theo đau nhức có thể là do tắc mạch, sa trĩ nghẹt, áp xe hậu môn… Lúc này do ngứa ngáy và đau rát nhiều nên vùng da quanh hậu môn luôn có cảm giác ẩm ướt khó chịu.
Hiện tượng đi ngoài ra máu sau sinh có nguy hiểm không?
Tình trạng sau sinh đi cầu ra máu tươi thật sự là một dấu hiệu đáng lo ngại cảnh báo những bệnh lý nguy hiểm cho sức khỏe và cả tính mạng nếu không được điều trị sớm, đúng cách, Chẳng hạn như:
- Chảy máu kéo dài khi đi đại tiện khiến cơ thể dễ bị thiếu máu. Đi kèm theo đó là các triệu chứng như mệt mỏi, suy nhược, thường xuyên hoa mắt, chóng mặt, đi đứng không vững, chân tay lạnh… Thậm chí nếu mất máu quá nhiều còn có thể gây ra tụt huyết áp, mạch đập nhanh, khó thở, rối loạn ý thức, sốc phản vệ…
- Chảy máu do nhiễm trùng đường tiêu hóa hay ung thư trực tràng, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm, ngứa ngáy, nhiễm trùng máu và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Vì vậy, chị em phụ nữ sau sinh nếu phát hiện tình trạng đi cầu ra máu cần nhanh chóng đến bệnh viện thăm khám, chẩn đoán tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị kịp thời.
Cách điều trị và chăm sóc phòng ngừa tình trạng sau sinh đi cầu ra máu
Phụ nữ sau sinh đi ngoài ra máu có thể là do sinh lý hoặc bệnh lý, tùy theo từng nguyên nhân cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định hướng điều trị phù hợp. Ngoài áp dụng các biện pháp chuyên khoa đặc trị theo chỉ định, mẹ sau sinh cũng cần chú ý về cách chăm sóc để đem lại kết quả hỗ trợ điều trị tốt và phòng ngừa tái phát.
Điều chỉnh thực đơn ăn uống
Phụ nữ sau sinh cần có một chế độ dinh dưỡng khoa học, đây là yếu tố cực kỳ quan trọng để giúp mẹ nhanh chóng phục hồi sức khỏe, có nhiều sữa cho con bú và đặc biệt hạn chế nguy cơ táo bón gây đi ngoài chảy máu.
- Bổ sung nhiều rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt… giàu chất xơ, vitamin khoáng chất vào thực đơn ăn uống hàng ngày.
- Uống nhiều nước, ít nhất là 2 lít mỗi ngày. Vì nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc làm mềm phân, kích thích nhu động ruột hoạt động trơn tru để giúp mẹ đi ngoài dễ dàng, tránh nguy cơ bị táo bón sau sinh. Không những vậy, mẹ sau sinh uống nhiều nước còn giúp gọi sữa về nhiều cho con bú.
- Tránh sử dụng các loại thức ăn cay nóng, thức ăn nhanh, chiên xào nhiều dầu mỡ vì sẽ ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là cho hệ đường ruột.
Điều chỉnh chế độ sinh hoạt
Sau sinh mẹ cần có một chế độ sinh hoạt phù hợp và khoa học để sớm ổn định sức khỏe và ngăn ngừa các bệnh lý nguy hiểm do bị đi ngoài ra máu.
- Phụ nữ sau sinh không nên ngồi hay nằm quá lâu một chỗ. Thay vào đó nên đi lại nhiều hơn và tập những bài tập đơn giản nhẹ nhàng giúp giảm nguy cơ bị táo bón. Đặc biệt, vận động còn giúp kích thích sự hoạt động của hệ tiêu hóa tốt hơn.
- Tránh ngồi xổm để phòng ngừa nguy cơ mắc sa búi trĩ, tốt nhất nên ngồi trên một chiếc ghế thấp.
- Dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, giải trí và thư giãn bằng những việc mà mình yêu thích. Khuyến khích mẹ nên massage bụng thường xuyên để tăng cường kích thích nhu động ruột hoạt động trơn tru.
- Tạo thói quen đi đại tiện đúng vào khung giờ cố định, tập trung đi nhanh và vệ sinh kỹ càng sau khi đi bằng nước ấm, thấm khô để tránh nguy cơ viêm nhiễm.
- Duy trì tinh thần vui vẻ, lạc quan và tránh xa stress vì đây là yếu tố khiến hệ tiêu hóa bị ức chế, kém hoạt động, dễ gây chảy máu khi đi đại tiện.
Áp dụng các mẹo cải thiện triệu chứng tại nhà
Những trường hợp đang bị đi cầu ra máu nhưng vẫn còn trong giai đoạn cho con bú sữa mẹ nên tránh tự ý sử dụng thuốc. Thay vào đó, hãy thử áp dụng một số mẹo đơn giản sau đây để cải thiện triệu chứng bệnh nhanh chóng:
Các mẹo giảm đau, ngứa và chảy máu
- Chườm đá lạnh: Dùng khăn bọc một viên đá lạnh rồi chườm lên hậu môn, cách này sẽ giúp làm co các mạch máu tại đây, giảm lưu lượng máu di chuyển đến khu vực này và giảm ngứa tức thì.
- Ngâm nước ấm: Ngâm rửa hậu môn hoặc tắm nước ấm sẽ giúp làm giảm cơn đau rát, ngứa ngáy hiệu quả, đặc biệt sau mỗi lần mẹ đi đại tiện xong.
- Dùng gối chữ O: Đây là loại gối ngồi giúp hỗ trợ làm giảm áp lực lên vùng hậu môn. Không những vậy nó còn giúp kích thích quá trình tuần hoàn máu, ngăn chặn tình trạng xung huyết búi trĩ căng phồng gây chảy máu.
- Ngủ trong tư thế nằm nghiêng: Nằm nghiêng sang một bên, tốt nhất là bên trái sẽ giúp cải thiện hiệu quả tình trạng ứ máu tại hậu môn, giảm nguy cơ chảy máu khi đi đại tiện.
Cải thiện tình trạng sau sinh đi cầu ra máu bằng bài thuốc dân gian
Thay vì sử dụng thuốc Tây dễ gây tác dụng phụ, chị em sau sinh hãy thử áp dụng một số bài thuốc dân gian sau đây:
- Rau diếp cá: Mẹ có thể dùng rau diếp cá để ăn sống cùng với các bữa cơm hàng ngày hoặc ép lấy nước uống. Ngoài ra, xông và ngâm rửa hậu môn bằng nước rau diếp cá cũng đem lại hiệu quả rất tốt trong việc giảm viêm, ngứa và chảy máu.
- Lá thiên lý non: Dùng một nắm lá thiên lý non rửa sạch, giã nhuyễn cùng một ít muối hạt. Cho thêm 30ml nước ấm, khuấy lên rồi chắt lấy nước cốt. Dùng tăm bông thấm nước cốt này và bôi trực tiếp lên hậu môn. Kiên trì thực hiện đều đặn mỗi ngày sẽ đạt kết quả cải thiện tình trạng bệnh nhanh chóng.
- Hoa mào gà: Phơi khô bông hoa mào gà rồi đem tán thành bột mịn, cho vào hũ thủy tinh bảo quản. Mỗi lần sử dụng lấy ra khoảng 5g pha thành trà uống hết trong ngày.
Lưu ý: Hầu hết các mẹo dân gian cải thiện chứng sau sinh đi cầu ra máu chỉ giúp điều trị triệu chứng chứ không có khả năng điều trị bệnh tận gốc. Bên cạnh đó, tùy theo cơ địa của từng người mà hiệu quả của những cách này sẽ khác nhau, không phải ai áp dụng cũng đem lại hiệu quả như mong đợi.
Có thể thấy, phụ nữ sau sinh đi ngoài ra máu không chỉ đơn thuần là triệu chứng lành tính mà nó có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm. Tốt nhất mẹ nên chủ động thăm khám tại bệnh viện để được chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị hiệu quả, an toàn cho sức khỏe và tình trạng nuôi con nhỏ hiện tại, phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Có thể bạn quan tâm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!