Nội Soi Đại Tràng Có Đau Không? Khi Nào Cần Nội Soi Đại Tràng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Nội soi đại tràng có đau không? Thắc mắc này được nhiều người quan tâm, nhất là những trường hợp chuẩn bị nội soi để kiểm tra, chẩn đoán bệnh lý về đường tiêu hóa, đại – trực tràng. Dựa vào tình trạng và sức khỏe của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp nội soi phù hợp. Trong đó, nội soi không gây mê (soi tươi) thường gây cảm giác khó chịu hơn nội soi có gây mê.
Tổng quan về nội soi đại tràng
Nội soi đại tràng là một trong những phương pháp chẩn đoán bệnh được áp dụng rộng rãi, bên cạnh các xét nghiệm khác như chụp X quang, CT, xét nghiệm máu/phân,…Với phương pháp này, bác sĩ sẽ dùng một ống nội soi chuyên dụng, đầu có gắn đèn và camera đưa vào bên trong đại tràng theo ngã hậu môn.

Hình ảnh bên trong đại tràng sẽ được hiển thị trên màn hình, giúp bác sĩ chẩn đoán tình trạng viêm nhiễm, polyp hay các tổn thương thực thể nếu có. Nội soi đại tràng thực hiện đơn giản, an toàn và ít gây tai biến. Mặc dù vậy, do đại tràng có cấu tạo dài và nhiều nếp gấp, xoắn nên khi nội soi người bệnh sẽ không tránh khỏi cảm giác bị khó chịu.
Chuyên gia chỉ ra, trong và sau nội soi đại tràng người bệnh có thể gặp phải một vài tai biến như thủng ruột, thủng đại tràng, tụt huyết áp,…Tuy nhiên tỷ lệ bệnh nhân rơi vào các trường hợp này rất thấp. Thay vào đó, do trong quá trình nội soi, hơi được bơm vào đại tràng giúp việc quan sát dễ dàng hơn, khiến cho người bệnh bị đầy bụng, hơi đau tức bụng dưới, mót rặn,…
Nội soi đại tràng có đau không?
Một trong số các vấn đề được nhiều bệnh nhân quan tâm hiện nay đó là liệu nội soi đại tràng có đau không. Như đã đề cập bên trên, trong quá trình thực hiện, bác sĩ sẽ bơm hơi vào bên trong làm căng lòng đại tràng phục vụ cho việc thu phóng hình ảnh rõ nét hơn. Chính vì thế, người bệnh sẽ có cảm giác khó chịu, muốn đi đại tiện, bụng phình to, đầy hơi.
Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ lấy mẫu tế bào trong đại tràng của người bệnh sinh thiết, xét nghiệm chuyên sâu hơn. Nhất là khi nghi ngờ có sự xuất hiện tế bào ác tính hoặc các vấn đề viêm nhiễm khác trong cơ quan này. Thực tế việc bấm sinh thiết thường không gây đau.

Ngoài ra, một số bệnh nhân có polyp đại tràng cũng sẽ được tư vấn loại bỏ ngay trong quá trình nội soi. Chúng sẽ được cắt bằng dụng cụ y tế chuyên dụng. Bác sĩ sẽ đưa dụng cụ qua kênh phụ của ống nội soi. Sau khi đã hoàn thành xong việc cắt bỏ polyp, ống nội soi sẽ được đưa nhẹ nhàng ra khỏi đại tràng của người bệnh.
Vì thế, đa phần người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu mà không có cảm giác đau khi nội soi đại tràng. Bên cạnh đó với sự phát triển của y học hiện đại, nội soi tiên tiến hơn với kỹ thuật gây mê không đau. Người bệnh thực hiện phương pháp này sẽ không đau và không khó chịu khi nội soi đại tràng.
Cụ thể, biện pháp soi tươi (soi không gây mê) thường sẽ khiến bệnh nhân khó chịu khi ống nội soi hoạt động bên trong đại tràng. Do lúc này người bệnh hoàn toàn tỉnh táo và có thể cảm nhận rõ ràng những chuyển động của ống nội soi. Ngược lại khi được gây mê, người bệnh sẽ như trải qua một giấc ngủ ngắn mà không có cảm giác đau hay khó chịu.
Mặc dù vậy, cả hai phương pháp này sẽ có những ưu và nhược điểm riêng. Đặc biệt là khi nội soi đại tràng có gây mê, nếu trường hợp cơ địa người bệnh bị dị ứng với thuốc gây mê hoặc đang mắc các bệnh lý về tim, tiểu đường,…thường sẽ không tiến hành mà thay vào đó là soi tươi để đảm bảo an toàn, giảm rủi ro tai biến cho người bệnh.
Lưu ý trước khi nội soi đại tràng
Trước khi tiến hành nội soi đại tràng, người bệnh cần phải chuẩn bị những gì? Bạn sẽ được bác sĩ hướng dẫn cụ thể về các bước cần thực hiện để đảm bảo quá trình nội soi diễn ra thuận lợi và chính xác nhất. Một số vấn đề cơ bản như:

- Tránh sử dụng những thực phẩm chứa quá nhiều chất xơ như rau củ quả trong vài ngày trước khi thực hiện nội soi.
- Người bệnh sẽ phải nhịn ăn ít nhất 8 tiếng và dùng thuốc xổ làm sạch đường ruột trước khi nội soi.
- Nếu đang sử dụng thuốc điều trị bệnh, người bệnh cần thông báo với bác sĩ. Đặc biệt nếu có tiền sử dị ứng thuốc nên báo ngay để bác sĩ cân nhắc có thực hiện nội soi gây mê hay không.
- Sau khi sử dụng thuốc làm sạch ruột, người bệnh không nên ăn gì thêm, thay vào đó có thể uống nước lọc khi khát. Tuyệt đối không sử dụng thuốc tiểu đường để giảm nguy cơ gặp tai biến khi nội soi, nhất là hiện tượng hạ đường huyết nguy hiểm.
- Trường hợp người bệnh làm nội soi sau 12 giờ trưa, người bệnh có thể dùng một số nước như nước lọc, nước hầm gà, bò trong, nước táo, nước có đường,…6 giờ trước khi nội soi đại tràng.
Cách giảm khó chịu sau nội soi đại tràng
Sau khi nội soi đại tràng người bệnh có thể vẫn còn cảm giác đau tức bụng dưới, đầy hơi, chảy máu nhẹ (trường hợp cắt polyp hoặc lấy mẫu sinh thiết). Tuy nhiên đa số các biểu hiện này sẽ tự biến mất sau một thời gian ngắn. Để giảm cảm giác khó chịu sau nội soi đại tràng, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Dành thời gian nghỉ ngơi
Người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, khó chịu sau khi nội soi đại tràng, nhất là trường hợp soi tươi không gây mê. Do đó, bác sĩ khuyến khích bệnh nhân dành thời gian nghỉ ngơi, ít nhất là 3 tiếng sau khi nội soi, nằm nghỉ để đại tràng ổn định hoạt động. Thời gian này cũng là thời điểm giúp phục hồi những tổn thương hoặc các vết trầy khi nội soi, hạn chế tình trạng viêm nhiễm.

Người bệnh không nên vận động mạnh, làm việc nặng nhọc, lái xe hoặc những việc đòi hỏi sự tập trung sau khi nội soi đại tràng. Bởi cảm giác khó chịu, mệt mỏi có thể ảnh hưởng đến công việc, cũng như gây hại sức khỏe tiêu hóa. Nghỉ ngơi là cách tốt nhất giúp giảm đau tức, đầy hơi. Những biểu hiện bất thường sẽ sớm biến mất sau vài giờ.
- Ăn cháo loãng, canh/súp
Sau khi nội soi đại tràng hoàn thành xong, người bệnh nên ăn cháo loãng trong 1-3 ngày đầu để giảm áp lực cho hệ tiêu hóa, nhất là đại tràng. Người bệnh có thể nấu cháo cùng với thịt bằm, cháo cá hoặc nấu với trứng gà để bổ sung thêm dinh dưỡng cho cơ thể. Tuy nhiên, để hạn chế gây kích ứng đường ruột, bạn nên tránh những món cháo nấu với hải sản như tôm, cua, bào ngư,…Đồng thời, sử dụng ít gia vị nêm nếm để giúp hoạt động đại tràng sớm hồi phục ổn định.
Ngoài cháo, người bệnh có thể thay thế bằng một số món súp, canh loãng nấu với thực phẩm dễ tiêu hóa. Dùng rau củ tươi hoặc rong biển nấu canh giúp cung cấp thêm dinh dưỡng cho cơ thể, đặc biệt là vitamin, khoáng chất tốt cho hoạt động của hệ thống tiêu hóa. Lưu ý chỉ nên dùng ít gia vị trong quá trình chế biến món ăn, tránh ăn cay, quá mặn hoặc quá ngọt.
- Theo dõi biểu hiện cơ thể
Người bệnh có thể sẽ phải lưu lại bệnh viện một vài tiếng trước khi trở về nhà để bác sĩ theo dõi tình trạng cơ thể. Đặc biệt là với các đối tượng nội soi đại tràng có gây mê. Khoảng thời gian này giúp thuốc gây mê hết tác dụng, phòng tránh các biến chứng phát sinh, nếu có sẽ được xử lý kịp thời.
Sau khi trở về nhà, người bệnh vẫn phải tiếp tục theo dõi biểu hiện của cơ thể. Một số triệu chứng thường gặp là mót rặn, đầy hơi, đau âm ỉ bụng dưới,…Đây đều là những biểu hiện bình thường hậu nội soi đại tràng, do đó người bệnh không cần quá lo lắng. Vài giờ hoặc vài ngày sau đó chúng sẽ tự biến mất, nhanh hơn nếu người bệnh chăm sóc cơ thể đúng cách.

Tuy nhiên, trường hợp bạn nhận thấy cơn đau bụng không thuyên giảm, ngược lại có chiều hướng nghiêm trọng hơn. Kèm theo đó là những biểu hiện bất thường khác như buồn nôn, xuất huyết,..cần nhanh chóng đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị. Nhất là bệnh nhân nội soi có sinh thiết hoặc cắt polyp phải tái khám để bác sĩ theo dõi mức độ phục hồi của đại tràng.
Hy vọng qua bài viết bạn đọc đã giải đáp được thắc mắc: “Nội soi đại tràng có đau không?”. Thực tế nội soi không gây mê hoặc có gây mê đều không gây đau đớn mà hầu như chỉ làm người bệnh có cảm giác khó chịu. Do đó, bạn đọc không nên quá lo lắng. Nếu nhận thấy cơ thể có triệu chứng bất thường, bạn nên chủ động đến gặp bác sĩ thăm khám sớm. Các bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng, triệu chứng để tư vấn cho bạn phương án nội soi phù hợp, an toàn và đạt hiệu quả tốt nhất.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!