Lang Ben Ở Mặt: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu và Cách Điều Trị
Theo dõi Viện y dược dân tộc trên

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Lang ben ở mặt tuy không gây nguy hiểm trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính thẩm mỹ, khiến nhiều người tự ti, mặc cảm. Đặc điểm nổi bật của chứng bệnh này là khiến da xuất hiện các mảng hồng, trắng hoặc nâu không gây đau rát và ít ngứa ngáy.
Lang ben ở mặt là gì? Nguy hiểm không?
Lang ben là tên gọi quen thuộc của tình trạng da liễu không quá nguy hại sức khỏe nhưng gây mất thẩm mỹ và khó điều trị. Bệnh xảy ra khi da bị nhiễm một loại vi nấm có tên là Malassezia Furfur (Pityrosporum Ovale). Chúng thuộc nhóm nấm lưỡng hình, phát triển nhờ chất béo.

Khi xâm nhập da, chúng gây tổn thương tại các vùng da thường xuyên tiết bã nhờn như mặt, cổ, lưng,… Trường hợp nấm tấn công mặt, người bệnh sẽ phát hiện trên da lúc này có các mảng đốm màu sắc khác với vùng da xung quanh.
Lang ben không gây đau và ít ngứa ngáy dễ làm người bệnh không phát hiện ngay từ khi vi nấm tấn công, chỉ khi để ý kỹ da mặt mới nhận ra sự bất thường về sắc tố da. Mặc dù không phải là chứng bệnh nguy hiểm sức khỏe, tuy nhiên bệnh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính thẩm mỹ.
Lang ben ở mặt có nguy cơ để lại sẹo, làm da lốm đốm vài chỗ khác màu so với các vùng da xung quanh. Điều này khiến nhiều người bệnh cảm thấy tự ti, ngại tiếp xúc và giao tiếp với người xung quanh, đặc biệt là ảnh hưởng đến đời sống và công việc hằng ngày.
Không những thế, trường hợp không điều trị, lang ben có khả năng lan rộng ra các vùng da khác. Trường hợp nặng, vi nấm bắt đầu tấn công da cổ, lưng,… thậm chí là toàn thân của người bệnh. Đặc biệt khi cơ thể đổ mồ hôi hoặc tiếp xúc trực tiếp ánh nắng mặt trời sẽ gây ngứa ngáy, châm chích.
Nếu người bệnh cào gãi khi cảm thấy ngứa, có thể tăng nguy cơ trầy xước da, dẫn đến tình trạng nhiễm trùng da nguy hại hơn. Do đó, khi nhận thấy trên da mặt có một số vùng thay đổi sắc tố bất thường, bạn nên chủ động tìm hiểu nguyên nhân và có phương pháp can thiệp điều trị sớm.
Dấu hiệu nhận biết lang ben ở mặt
Theo các thống kê gần đây cho thấy, tình trạng lang ben xảy ra ở người trong độ tuổi thanh thiếu niên chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với những đối tượng khác. Trong đó người cao tuổi và trẻ em khá hiếm gặp, đặc biệt là hiện tượng lan ben ở mặt.

Những quốc gia ở khu vực cơ khí hậu nóng ẩm, đồng thời có mật độ dân số cao dễ gặp phải bệnh lý da liễu này. Dưới đây là các dấu hiệu nhận biết lang ben ở mặt, bạn đọc có thể tham khảo và đối chiếu với các bất thường trên da đang gặp phải:
- Những mảng da có màu hồng, nâu hoặc trắng với hình tròn, hình oval, đa cung xuất hiện trên da mặt. Trong đó, trường hợp mảng da màu trắng là chủ yếu.
- Mảng da bất thường có thể lan rộng, tạo thành các tổn thương lớn hơn trên da. Kích thước mảng da tổn thương có thể từ vài mm đến vài cm.
- Người bệnh thường không có cảm giác đau rát, khó chịu khi cơ thể ở trạng thái bình thường. Chỉ khi đổ mồ hôi, da mặt mới có cảm giác châm chích, ngứa ngáy nhẹ.
- Trên vùng da bị lang ben ở mặt thường có vảy da nhỏ, mịn và có thể bong tróc ra khi cạo. Khi đó, lớp thượng bì dưới da sẽ lộ ra, tương tự như vùng da bình thường.
Mặc dù theo số liệu thống kê, tình trạng lang ben trên mặt so với lang ben ở cổ, thân, vai chiếm tỷ lệ thấp hơn. Tuy nhiên do xuất hiện ở mặt nên gây ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến tính thẩm mỹ, tâm lý của người bệnh.
Về lâu nếu vùng lang ben không được kiểm soát có nguy cơ lan rộng, tiếp nối các vùng tổn thương khác. Da tổn thương và các mảng da bình thường có màu sắc phân biệt rõ rệt. Đặc biệt, da mặt sẽ lộ rõ các mảng sắc tố bất thường khi tiếp xúc với nắng mặt trời.
Lang ben ở mặt có thể tự cải thiện, người bệnh không phải can thiệp điều trị quá chuyên sâu. Các triệu chứng có thể xuất hiện vào mùa hè nhưng sau đó sẽ nhanh chóng biến mất vào mùa đông, thời tiết lạnh và cơ thể ít tiết mồ hôi.
Tuy nhiên bạn cũng nên thận trọng, không chủ quan đối với chứng bệnh da liễu này. Bởi, nhiều trường hợp không chăm sóc tốt, kết hợp với sự bất thường của thời tiết, nóng và oi bức khiến triệu chứng ngứa ngáy trở nên nghiêm trọng hơn, dễ hình thành mụn mủ, viêm nhiễm da.
Nguyên nhân gây lang ben ở mặt
Lang ben nói chung và lang ben ở mặt nói riêng hình thành do vi nấm Malassezia Furfur tấn công khiến một số vùng da tăng, giảm sắc tố bất thường. Các nguyên nhân chủ yếu tạo điều kiện cho loại vi nấm này xâm nhập có thể kể đến như:

- Ảnh hưởng bởi thời tiết: Thời tiết nóng ẩm khiến cho cơ thể tiết nhiều mồ hôi hơn, đây là điều kiện thuận lợi cho các hại khuẩn, vi nấm sinh sôi phát triển, trong đó có vi nấm gây bệnh lang ben.
- Tình trạng rối loạn tuyến bã nhờn: Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến da mặt của bạn bị lang ben. Ở người mắc phải chứng rối loạn tuyến bã nhờn, mồ hôi da mặt tiết ra nhiều hơn khiến cho vi nấm có điều kiện sinh trưởng.
- Nội tiết tố thay đổi: Thường xảy ra ở người trong độ tuổi dậy thì, phụ nữ mang thai,… Sự thay đổi nội tiết tố bên trong cơ thể làm cho tuyến mồ hôi, tuyến bã nhờn hoạt động nhiều hơn, tăng tiết dịch khiến cho da ẩm ướt, dễ bị lang ben và các vấn đề da liễu khác như mụn ngứa, mề đay,…
- Vấn đề vệ sinh: Vệ sinh da mặt không sạch sẽ, đặc biệt là không loại bỏ được hết lượng dầu thừa ở trong lỗ chân lông khiến cho vi nấm có điều kiện phát triển gây bệnh. Trường hợp lang ben hình thành ở mặt, người bệnh vẫn duy trì thói quen không lành mạnh này khiến cho khu vực tổn thương lan rộng, làm lang ben lan sang các vùng da khác.
- Suy giảm hệ miễn dịch: Các bệnh lý da liễu nói chung, bệnh lang ben ở mặt nói riêng xuất hiện phổ biến ở người có hệ miễn dịch suy giảm. Chẳng hạn người mắc bệnh cúm, sởi, ung thư, bệnh HIV,… Đặc biệt khu vực da bị lang ben có dấu hiệu phát triển nhanh và tỷ lệ lan rộng cao hơn so với người bình thường.
Trên đây là những yếu tố chính tạo điều kiện cho vi nấm phát triển, gây bệnh lang ben ở mặt, bạn đọc có thể tham khảo. Ngoài ra, cần lưu ý nhóm đối tượng nguy cơ mắc bệnh cao để chủ động phòng tránh, bảo vệ da. Chẳng hạn:
- Người trong độ tuổi dậy thì từ 13 tuổi trở lên đến người trưởng thành 37 tuổi.
- Người hay bị đổ mồ hôi, có da nhờn, bị thay đổi nội tiết.
- Người thừa cân béo phì, thường xuyên ăn thức ăn dầu mỡ, chất béo, gia vị.
- Người phải thường xuyên trang điểm.
- Người đang mắc các bệnh lý làm suy giảm hệ miễn dịch,…
Cần chủ động tìm hiểu nguyên nhân và xác định vấn đề da liễu đang gặp phải. Mặc dù không nguy hiểm sức khỏe, tuy nhiên hiện tượng lang ben ở mặt lại gây ra nhiều phiền toái cho người bệnh trong công việc, đời sống. Do đó bạn nên chủ động điều trị càng sớm càng tốt.
Các biện pháp điều trị lang ben ở mặt
Lang ben ở mặt có thể tự khỏi mà không cần điều trị nếu người bệnh biết điều chỉnh thói quen sinh hoạt và có biện pháp chăm sóc tốt. Tuy nhiên phòng tránh tình trạng lang ben lan rộng, bạn nên chủ động trong việc điều trị ngay từ giai đoạn sớm.
Trường hợp mới phát vài mảng lang ben nhỏ trên mặt, bạn có thể áp dụng một số mẹo dân gian tại nhà để khắc phục. Trường hợp nhiều mảng sắc tố hơn, có thể sử dụng thuốc tân dược để đẩy nhanh tốc độ khống chế lang ben lan rộng. Tham khảo ngay:
Áp dụng các mẹo chữa tại nhà
Sử dụng các mẹo dân gian tại nhà giúp điều trị tình trạng lang ben ở mặt an toàn, ít phát sinh phản ứng phụ cho da. Phương pháp đơn giản, dễ thực hiện với nguyên liệu gần gũi, dễ tìm, giúp người bệnh tiết kiệm chi phí. Cùng tham khảo các mẹo dưới đây:

Sử dụng tỏi: Tỏi chứa nhiều thành phần chống oxy hóa, kháng sinh mạnh mẽ giúp sát khuẩn bề mặt da, ức chế và loại bỏ vi nấm gây hại trên da. Dùng nước ép tỏi trị lang ben, giảm ngứa trên da mặt, giúp vùng tổn thương phục hồi và tránh nguy cơ nhiễm trùng. Cách thực hiện như sau:
- Dùng 3 – 5 tép tỏi tươi, lột vỏ rửa sạch để ráo.
- Tiến hành giã tỏi lấy nước cốt.
- Sau khi vệ sinh da mặt sạch sẽ, lau khô, bạn dùng tăm bông thấm nước cốt tỏi thoa lên vùng da bị lang ben.
- Để nước cốt khô tự nhiên trên da thêm 20 – 30 phút rồi rửa lại với nước mát.
- Không sử dụng tỏi lên vùng da có vết thương hở, trầy xước để tránh gặp phải phản ứng kích ứng không mong muốn.
Dùng củ riềng: Bên cạnh tỏi thì củ riềng cũng là nguyên liệu có thể tận dụng làm thuốc trị bệnh da liễu này. Trong củ riềng chứ hoạt chất flavonoid, metylxinnamat, diarylheptanoid,… Chúng có khả năng chống nấm, chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp làm sạch bề mặt da. Cách sử dụng đơn giản:
- Dùng củ riềng tươi, rửa sạch rồi thái nhỏ, giã nát.
- Vệ sinh da mặt, lau khô rồi đắp riềng giã nát lên vùng da cần điều trị.
- Lưu lại trên da 20 – 30 phút rồi rửa lại bằng nước mát.
Sử dụng nghệ: Nghệ là nguyên liệu làm đẹp quen thuộc của chị em phụ nữ. Bạn có thể sử dụng củ nghệ điều trị tình trạng lang ben ở mặt, giúp ngừa sẹo và chăm sóc da hữu hiệu. Nhờ trong nghệ chứa hàm lượng chất chống oxy hóa dồi dào, giúp loại bỏ bào tử nấm gây hại, dưỡng da mềm mịn và đều màu. Cách thực hiện:
- Dùng 2 muỗng tinh bột nghệ trộn với một ít nước lọc sao cho hỗn hợp sền sệt.
- Sau khi rửa mặt sạch sẽ, lau khô bằng khăn bông mềm, bạn dùng hỗn hợp bột nghệ thoa lên vùng da mặt bị tổn thương.
- Lưu lại trên da thêm 20 – 30 phút rồi dùng nước ấm vệ sinh lại da mặt.
Các biện pháp tại nhà giúp cải thiện tình trạng lang ben ở mặt nhẹ dịu, ít nguy cơ gây tác dụng phụ như một số thuốc tân dược hiện bán trên thị trường. Đồng thời, cách thực hiện cũng đơn giản, nguyên liệu có sẵn tại nhà tiện lợi cho người bệnh.
Tuy nhiên cách chữa này chỉ giúp ngăn chặn nguy cơ lan rộng, ức chế hoạt động của hại khuẩn, phù hợp với tình trạng nhẹ. Trường hợp lang ben đã lan rộng, nhiều vùng da mặt bị tổn thương, người bệnh nên thăm khám da liễu và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Sử dụng thuốc Tây y
Hầu hết các trường hợp người bị lang ben ở mặt dùng thuốc Tây đều ghi nhận hiệu quả nhanh chóng, đáp ứng điều trị tốt. Do đó, nhiều người đã lựa chọn giải pháp này khi bị lang ben, giúp loại bỏ vi nấm nhanh chóng, ngăn tổn thương lan rộng. Tham khảo một số thuốc như sau:

- Thuốc dạng bôi da chống nấm: Thuốc được bác sĩ chỉ định cho người dùng trong khoảng 1 – 4 tuần. Thuốc có chứa các hoạt chất kháng nấm, hai loại phổ biến là Ketoconazole và Terbinafine. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể được chỉ định Zinc Pyrithioine, Selenium Sulfid trong trường hợp nấm có khả năng kháng Azole.
- Thuốc chống nấm dạng bôi chứa Benzoyl Peroxid: Đây là một trong những hoạt chất có khả năng loại bỏ lớp sừng trên bề mặt da, loại bỏ nấm ở lớp thường bị, sát khuẩn, làm sạch vùng da tổn thương. Không những thế, Benzoyl Peroxid còn giúp lấy đi dầu thừa, bụi bẩn ứ đọng trong lỗ chân lông, giúp bề mặt da trở nên thông thoáng.
- Thuốc bôi chống nấm chứa Acid Salicylic: Ngoài Benzoyl Peroxid, Acid Salicylic cũng là thành phần quen thuộc trong một số loại kem bôi, mỹ phẩm chăm sóc da. Hoạt chất có khả năng làm sạch bã nhờn, bụi bẩn, giúp da thông thoáng. Đồng thời còn lấy đi lớp da dày sừng, nhờ đó loại bỏ được các tế bào nấm trên da, giúp da phục hồi tổn thương nhanh chóng hơn.
- Thuốc kháng nấm đường uống: Không chỉ được chỉ định kem bôi da chữa lang ben ở mặt, bác sĩ cũng có thể chỉ định cho người bệnh dùng thuốc chống nấm đường uống. Thường dành cho trường hợp lang ben đã lan rộng ra các vùng da khác, đáp ứng thuốc bôi tại chỗ không hiệu quả cần kết hợp sử dụng thuốc đường uống. Chỉ dùng theo chỉ định, không tự ý sử dụng để tránh gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn.
Trên đây là các hướng điều trị lang ben da mặt được sử dụng phổ biến hiện nay. Dựa vào mức độ lang ben ở mặt, bạn có thể lựa chọn hướng khắc phục phù hợp. Kết hợp vệ sinh da mặt, chăm sóc tốt giúp đẩy nhanh tốc độ phục hồi và phòng tránh rủi ro nguy hại.
Phương pháp chăm sóc và phòng ngừa lang ben tái phát
Lang ben ở mặt tuy không nguy hiểm sức khỏe nhưng lại ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, khiến nhiều người gặp khó khăn trong đời sống, công việc. Do đó, bạn nên chủ động chăm sóc da mặt, phòng ngừa lang ben xuất hiện hoặc tái phát gây hại. Lưu ý một số vấn đề dưới đây:

- Giữ vệ sinh da mặt sạch sẽ, rửa mặt ngày 2 lần. Nếu có trang điểm nên chú trọng vào các sản phẩm tẩy trang, loại bỏ lớp trang điểm trên da để giúp da thông thoáng, tránh bí bách gây bệnh da liễu.
- Lựa chọn sản phẩm chăm sóc da phù hợp, ưu tiên các thành phần lành tính, nhẹ dịu. Chọn nơi bán uy tín, nguồn gốc rõ ràng để tránh mua phải hàng nhái, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng tình trạng da liễu.
- Sử dụng giấy thấm dầu, lấy đi lớp dầu thừa trên da, hạn chế bít tắc lỗ chân lông, phòng các bệnh lý về da liễu gây hại cho da mặt.
- Trường hợp người bệnh trong thời gian điều trị lang ben ở mặt nên hạn chế trang điểm. Đồng thời chọn các sản phẩm làm sạch da, chăm sóc da phù hợp với tình trạng. Có thể tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu để chọn được loại phù hợp nhất.
- Kết hợp xông hơi giúp lỗ chân lông thông thoáng mỗi tuần từ 1 – 2 lần. Xông hơi với các loại thảo dược như gừng, sả, vỏ bưởi, vỏ chanh,… giúp lấy đi dầu thừa, làm sạch sâu làn da.
- Thường xuyên giặt phơi khăn mặt, không nên sử dụng khăn lau mặt và khăn tắm chung để hạn chế hại khuẩn tấn công làn da mặt mỏng manh.
- Sử dụng riêng đồ dùng cá nhân với người khác, nhất là khăn mặt, dao cạo, mỹ phẫm,… để giảm nguy cơ lây nhiễm vi nấm.
- Sử dụng kem chống nắng khi đi ra ngoài để giảm tác hại của tia cực tím đối với làn da. Cuối ngày nên tẩy trang và rửa mặt sạch, sau đó chăm sóc, dưỡng ẩm giúp da mềm mịn, tránh bong tróc.
- Kết hợp một chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dưỡng chất thiết yếu. Loại bỏ các món ăn nhiều dầu mỡ ra khỏi thực đơn, thay vào đó ăn nhiều rau củ quả tươi, trái cây, các loại thịt trắng,…. Chế biến ít dầu mỡ, gia vị. Đồng thời hạn chế uống rượu bia, tránh xa khói thuốc lá,…
- Có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, áp lực,… Dành thời gian tập luyện thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe.
Hy vọng các thông tin về lang ben ở mặt trên đây đã giúp ích được cho bạn đọc trong việc tìm hiểu và đưa ra giải pháp điều trị phù hợp. Nếu nhận thấy vùng da tổn thương lan rộng, có dấu hiệu bất thường, bạn nên thăm khảo ý kiến chuyên gia, bác sĩ da liễu để có hướng khắc phục an toàn và phù hợp nhất.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!