Kim Ngân Hoa

Kim ngân hoa là dược liệu quý trong Đông y có tác dụng chống khuẩn, kháng viêm, tiêu thũng, thanh nhiệt, tiêu khát. Vị thuốc này thường được dùng để chữa các chứng bệnh như đau họng, tiêu chảy, nổi mẩn ngứa, cảm cúm, sởi,…

Kim Ngân Hoa: Tác Dụng và Cách Dùng Vị Thuốc Trong Đông Y
Kim ngân hoa là dược liệu quý trong Đông y có tác dụng chống khuẩn, kháng viêm, tiêu thũng, thanh nhiệt, tiêu khát

Mô tả dược liệu kim ngân hoa

1. Tên gọi, phân nhóm

  • Tên gọi khác: Kim ngân hoa lộ, Ngân hoa, Nhị hoa, Song bào hoa, Kim đằng hoa,…
  • Tên khoa học: Lonicera japonica Thunb
  • Họ: Kim ngân – Caprifoliaceae

2. Đặc điểm thực vật

Kim ngân là loại cây thân quấn, mọc leo, cao từ 10m hoặc hơn. Cành nhỏ, lúc còn non thường có màu xanh nhạt. Bên ngoài cành được phủ bởi lớp lông mịn. Khi về già, cành sẽ chuyển sang màu hơi đỏ, có vân, bề mặt nhẵn.

Lá cây mọc đối xứng, hình mũi mắc hoặc hình trứng dài. Lá xanh tươi quanh năm, không rụng lá vào mùa lạnh như một số loại cây khác.

Đặc điểm thực vật 
Hoa mọc thành cụm ở các kẽ lá, hình ống, 2 môi và có mùi thơm nhẹ., lúc mới nở hoa có màu trắng

Hoa mọc thành cụm ở các kẽ lá, hình ống, 2 môi và có mùi thơm nhẹ. Lúc mới nở hoa có màu trắng, sau chuyển thành màu vàng. Do đó, ở cùng một thời điểm, trên cây có thể xuất hiện hoa màu trắng và màu vàng. Cây cho hoa vào tháng 4 đến tháng 7 hàng năm. Quả mọng, màu đen, hình cầu.

3. Phân bố

Cây kim ngân phân bố ở nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, các nước Đông Bắc Mỹ,… Tại nước ta, dược liệu được trồng nhiều ở các tỉnh phía Bắc như Lạng Sơn, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Cao Bằng, Sơn La…

Kim ngân hoa có thể sống và phát triển tốt ở vùng đồng bằng và miền núi. Hiện này, vị thuốc này còn được trồng để làm cảnh hay bóng mát trước nhà.

4. Bộ phận dùng

Các bộ phận từ lá, thân, hoa của cây kim ngân đều có dược tính và có thể dùng làm thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, hoa là bộ phận tập trung dược tính cao nhất nên được sử dụng phổ biến.

5. Thu hái – sơ chế

Dược liệu có thể thu hoạch sau khoảng 1 năm kể từ lúc trồng. Tuỳ thuộc vào mục đích sử dụng có thể thu hoạch lá, cành, hoa hoặc tất cả.

Đối với hoa kim ngân, chỉ thu hái những hoa sắp hoặc mới nở chưa chuyển sang màu vàng. Dược liệu mới đem về cần rửa sạch và phơi/ hoặc sấy khô. Các bộ phận khác sau khi ngâm rửa sạch sẽ cắt khúc ngắn và đem phơi khô.

Thu hái - sơ chế
Dược liệu sau khi thu hái về cần rửa sạch và phơi/ hoặc sấy khô

Một số cách bào chế thuốc đơn giản, bao gồm:

  • Hoa kim ngân tươi: Sau khi rửa sạch thì đem đi giã nát, chắt lấy nước cốt, đun sôi và uống trực tiếp
  • Hoa khô: Sắc lấy nước đặc để uống hoặc đem tán bột mịn
  • Ngâm rượu: Dùng 1kg hoa tươi hoặc khô ngâm với 5 lít rượu để uống

6. Bảo quản

Dược liệu khô cần bảo quản trong bình có lót vôi sống bên dưới và đặt ở nơi khô ráo, thoáng mát. Nếu để ở nơi ẩm ướt sẽ dễ gây ẩm mốc, mối mọt, màu sắc thay đổi và mất đi tác dụng chữa bệnh.

7. Thành phần hoá học

Các nghiên cứu khoa học nhận thấy, dược liệu kim ngân hoa có chứa thành phần hoá học đa dạng như:

  • Geraniol
  • α-pinen
  • Carvacrol
  • hex -1 -en
  • α – pinen
  • Eugenol
  • Một số Flavonoid: luteolin-7-glucosid, lonicerin, axit clorogenic

Vị thuốc kim ngân hoa

1. Tính vị

Tính hàn, vị ngọt, đắng, không độc

2. Quy kinh

Quy vào các kinh Tâm, Phế và Vị

3. Tác dụng dược lý

Theo y học cổ truyền:

  • Công dụng: Tán phong nhiệt, giải độc, thanh nhiệt, chống dị ứng, kháng khuẩn,…
  • Dược liệu thường được dùng để chữa lở ngứa, mụn nhọt, sốt nóng, sốt rét, mày đay, viêm mũi dị ứng, thấp khớp, giang mai, tiêu chảy, lỵ, thấp khớp,…
  • Có thể dùng dược liệu pha trà uống để chữa ngoại cảm phát sốt, ho, phòng bệnh viêm nhiễm đường ruột, giải độc.

Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Nước sắc từ kim ngân hoa có tác dụng kháng khuẩn mạnh đối với các loại vi khuẩn gây thương hàn, phế cầu, trực khuẩn lỵ, e.coli. Ngoài ra, nước sắc từ lá kim ngân còn mang lại hiệu quả trong ức chế trực khuẩn cận thương hàn, trực khuẩn Shiga, tiêu cầu khuẩn.
  • Thí nghiệm trên chuột lang nhận thấy, nước sắc từ dược liệu có tác dụng ngăn chặn choáng phản vệ hiệu quả.
  • Tác dụng kháng viêm, lợi tiểu
  • Tăng độ hưng phấn ở trung khu thần kinh
  • Dược liệu làm hạn chế sự phát triển quá mức của virus gây cảm cúm
  • Tác dụng chống lại vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra bệnh lao
  • Giúp tăng chuyển hoá lipid, đồng thời làm giảm cholesterol trong máu
  • Cải thiện một số triệu chứng do bệnh viêm phổi gây ra, hỗ trợ điều trị bệnh quai bị lở ngứa, lỵ
  • Tăng bài tiết dịch mật và dịch vị

4. Cách dùng, liều dùng

Kim ngân hoa thường được dùng nhiều ở dạng thuốc sắc, hoàn tán, cao hoặc ngâm rượu. Liều lượng khuyến cáo từ 4 – 6g/ ngày.

Các bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu kim ngân hoa

Trong Đông y lưu truyền nhiều bài thuốc chữa bệnh từ vị thuốc kim ngân hoa an toàn và hiệu quả. Theo đó, dược liệu được dùng để chữa tiêu chảy, viêm xoang cấp và mãn tính, cảm cúm, sởi, đau họng, thông tiểu,…

Các bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu kim ngân hoa 
Kim ngân hoa thường được dùng để chữa tiêu chảy, viêm xoang cấp và mãn tính, cảm cúm, sởi, đau họng, thông tiểu,…

Bài thuốc chữa viêm xoang cấp tính:

  • Chuẩn bị: Ké đầu ngựa, hy thiên thảo, ngư tinh thảo, kim ngân mỗi vị 16g, chi tử 8g, mạch môn 12g
  • Thực hiện: Các dược liệu sau khi rửa sạch thì cho vào ấm cùng với 5 chén nước và đun trên lửa nhỏ. Đến khi cạn còn 1/2 thì tắt bếp, chắt lấy nước thuốc chia thành 3 phần và uống hết trong ngày.

Bài thuốc chữa viêm xoang mãn tính:

  • Chuẩn bị: Sinh địa, ké đầu ngựa, kim ngân mỗi vị 16g, mạch môn, huyền sâm, đan bì và hoàng cầm mỗi vị 12g, trần bì 8g
  • Thực hiện: Đem sắc đặc lấy nước uống. Mỗi ngày dùng 1 thang đến khi khỏi bệnh.

Bài thuốc chữa tiêu chảy:

  • Chuẩn bị: Lá và cành kim ngân từ 10 – 12g
  • Thực hiện: Các dược liệu sau khi rửa sạch thì đem đi sắc lấy nước uống hoặc cô đặc lại thành cao để dùng dần

Bài thuốc giúp thông tiểu:

  • Chuẩn bị: Kim ngân hoa 6g, cam thảo 3g
  • Thực hiện: Các dược liệu sau khi rửa sạch thì cho vào ấm cùng với 200ml nước và đun trên lửa nhỏ. Đến khi cạn còn 100ml thì tắt bếp, chia nước thuốc thành 2 phần và uống hết trong ngày. Mỗi ngày sắc uống 1 thang đến khi thông tiểu.

Bài thuốc chữa cảm cúm:

  • Bài thuốc 1: Chuẩn bị mạn kinh 2g, kim ngân hoa 4g, sài hồ nam, cam thảo đất, kinh giới, lá tía tô mỗi vị 3g, gừng tươi 3 lát. Các dược liệu đem đi sắc lấy nước, chia thành nhiều lần và uống khi còn ấm
  • Bài thuốc 2: Chuẩn bị kim ngân hoa 6g, cam thảo 3g. Các dược liệu sao khi rửa sạch thì cho vào ấm cùng với 200ml nước và đun trên lửa nhỏ. Đến khi cạn còn 1/2 thì tắt bếp, chia nước thuốc thành 2 phần và uống hết trong ngày.

Bài thuốc chữa sỏi thận:

  • Chuẩn bị: Cỏ ban tươi và kim ngân hoa mỗi vị 30g
  • Thực hiện: Dược liệu sau khi rửa sạch thì đem đi giã nát, hoà thêm 100ml nước sôi để nguội. Lọc lấy phần nước và uống trực tiếp.

Bài thuốc chữa đau họng, má chàm bàm (quai bị):

  • Chuẩn bị: Bạc hà và cam thảo mỗi vị 4g, kim ngân 16g, tinh giới tuệ, cát cánh mỗi vị 8g, liên kiều, ngưu bàng tử mỗi vị 12g, đậu xị 18g
  • Thực hiện: Các dược liệu đem sắc lấy nước chia thành nhiều lần uống trong ngày. Mỗi ngày dùng 1 thang

Bài thuốc chữa viêm ruột thừa, viêm phúc mạc:

  • Chuẩn bị: Đương quy, huyền sâm mỗi vị 80g, kim ngân 120g, mạch môn, địa du mỗi vị 40g, cam thảo 12g, hoàng cầm 16g, ý dĩ nhân 20g
  • Thực hiện: Đem sắc lấy nước uống. Mỗi ngày dùng 1 thang

Bài thuốc chữa cảm mạo phong nhiệt, dị ứng:

  • Chuẩn bị: Cát cánh, ngưu bàng tử, bạc hà mỗi vị 5g, kim ngân hoa, liên kiều mỗi vị 8g, kinh giới, đạm trúc diệp, đạm đậu xị mỗi vị 4g.
  • Thực hiện: Các dược liệu đem tán bột mịn. Mỗi lần dùng 12g uống cùng với nước ấm, ngày uống 2 lần.

Bài thuốc chữa mụn nhọt sắc đỏ chuyển thành đen:

  • Chuẩn bị: Lá và cành kim ngân mỗi vị 80g, hoàng kỳ 160g, cam thảo 40g, 1 lít rượu trắng 40 độ
  • Thực hiện: Các dược liệu sau khi thái nhỏ thì đem ngâm cùng với rượu trong 3 tiếng là có thể dùng. Mỗi lần uống 1 chén nhỏ, ngày uống 2 lần.

Bài thuốc chữa ung nhọt mới phát:

  • Chuẩn bị: Đương quy 80g, kim ngân hoa 500g
  • Thực hiện: Cho kim ngân hoa vào ấm cùng với 10 chén nước sắc đến khi cạn còn 2 chén thì cho đương quy vào. Đun đến khi cạn còn 1 chén thì tắt bếp. Mỗi ngày uống 1 thang.

Bài thuốc chữa nhọt độc, phát bối:

  • Chuẩn bị: Cam thảo 40g, kim ngân 160g
  • Thực hiện: Cam thảo đem sao thơm sau đó mang tất cả dược liệu tán bột mịn. Mỗi lần dùng 16g bột thuốc đem sắc với 1 chén rượu và 1 chén nước. Đến khi cạn còn 1 chén thì tắt bếp và chia thành 2 lần uống.

Bài thuốc chữa tà khí ở Phế vệ, hay khát nước vào sáng sớm, sốt không ớn lạnh:

  • Chuẩn bị liên kiều, kim ngân hoa mỗi vị 40g, bạc hà, khổ cát cánh, ngưu bàng tử mỗi vị 24g, kinh giới tuệ, trúc diệp mỗi vị 16g, đạm đậu xị 20g
  • Thực hiện: Các dược liệu đem tán bột mịn. Mỗi lần dùng 24g bột uống cùng với nước ấm.

Bài thuốc chữa sưng đau, viêm vú do tắc sữa:

  • Chuẩn bị: Cam thảo, kim ngân hoa, hoàng kỳ, đương quy mỗi vị 10g, nửa chén rượu trắng
  • Thực hiện: Hoàng kỳ đem nướng mật rồi cho vào ấm cùng các vị thuốc còn lại và sắc trên lửa nhỏ. Mỗi ngày uống 1 thang.

Bài thuốc chữa sưng đỏ, tiết dịch và kết khối ở bầu vú:

  • Chuẩn bị: Hoàng kỳ và kim ngân hoa mỗi vị 20g, cam thảo 4g, lá ngô đồng 50 lá, đương quy 32g, nửa chén rượu trắng
  • Thực hiện: Cho tất cả vào ấm cùng với lượng nước vừa đủ và sắc uống.

Bài thuốc trị lở ngứa:

  • Chuẩn bị: Cam thảo 12g, kim ngân 20g
  • Thực hiện: Các dược liệu đem sắc lấy nước uống. Kết hợp kim ngân hoa tươi giã nát, trộn với rượu trắng đắp ngoài da để tăng hiệu quả.

Bài thuốc chữa nổi mẩn ngứa ngoài da, dị ứng, ung nhọt:

  • Bài thuốc 1: Chuẩn bị kim ngân hoa, lá dâu mỗi vị 20g, ké đầu ngựa 15g. Các dược liệu đem sắc với 600ml đến khi cạn còn 200ml thì tắt bếp. Chia nước thuốc thành 3 lần và uống hết trong ngày.
  • Bài thuốc 2: Chuẩn bị ké đầu ngựa 4g và kim ngân hoa 10g. Đem sắc lấy 100ml nước chia thành 2 lần uống trong ngày.
  • Bài thuốc 3: Dùng kim ngân hoa 6g và đường 4g. Cho dược liệu vào ấm cùng với 100ml sắc đến khi cạn còn 10ml thì tắt bếp. Cho đường vào khuấy đều và uống khi còn ấm. Trẻ nhỏ uống liên tục 12 ngày và người lớn dùng 24 ngày để cải thiện.

Bài thuốc điều trị viêm gan virus:

  • Chuẩn bị: Hoàng cầm, hoạt thạch, đại phúc bì, mộc thông mỗi vị 12g, kim ngân, xa tiền mỗi vị 16g, phục linh, trư linh, đậu khấu mỗi vị 8g, cam thảo 4g.
  • Thực hiện: Các vị thuốc đem sắc lấy nước uống. Mỗi ngày dùng 1 thang.

Bài thuốc dự phòng viêm não:

  • Chuẩn bị: Kim ngân hoa, hạ khô thảo, bồ công anh mỗi vị 20g
  • Thực hiện: Các dược liệu cho vào ấm cùng với lượng nước vừa đủ và đun trên lửa nhỏ. Chia nước thuốc thành 2 lần và uống hết trong ngày.

Bài thuốc chữa bệnh sốt xuất huyết:

  • Chuẩn bị: Hoa hoè, cây nhọ nồi mỗi vị 16g, liên kiều, hoàng cầm mỗi vị 12g, rễ cỏ tranh, kim ngân hoa mỗi vị 20g, chi tử 8g
  • Thực hiện: Hoa hoè và cỏ nhọ nồi mang đi sao cháy rồi cho vào ấm cùng các dược liệu khác sắc lấy nước uống. Mỗi ngày dùng 1 thang

Bài thuốc giúp giảm cân và cải thiện sức khỏe:

  • Chuẩn bị: Kim ngân hoa 4 – 8g
  • Thực hiện: Dược liệu sau khi rửa sạch đem sắc uống hoặc ngâm với rượu số lượng lớn và để uống dần

Bài thuốc chữa bệnh vảy nến:

  • Chuẩn bị: Quả ké, hạ khô thảo, trúc diệp, ngưu bàng tử mỗi vị 8g, chi tử, bạc hà mỗi vị 6g, kim ngân hoa, liên kiều mỗi vị 16g, bồ công anh, thổ phục linh mỗi vị 12g
  • Thực hiện: Sắc thuốc chia làm 2 ngày uống. Mỗi ngày uống 3 lần sau bữa ăn khoảng 30 phút.

Bài thuốc chữa sung huyết, chảy máu do nhiễm khuẩn:

  • Chuẩn bị: Bồ công anh, trắc bá diệp, hoa hoè, liên kiều mỗi vị 12g, kim ngân hoa 20g, cỏ nhọ nồi 16g, chi tử sao 10g
  • Thực hiện: Các dược liệu cho vào ấm cùng với lượng nước vừa đủ và đun trên lửa nhỏ. Mỗi ngày sắc uống 1 thang.

Bài thuốc chữa ngứa ngoài da ở trẻ nhỏ:

  • Chuẩn bị: Kim ngân hoa (dùng cả thân, hoa, lá và quả) 200g
  • Thực hiện: Dược liệu sau khi rửa sạch thì cho vào nồi đun với nửa lít nước. Sôi khoảng 15 phút thì tắt bếp, đợi nước nguội bớt thì dùng tắm hoặc ngâm vùng da bị ngứa. Thực hiện từ 1 – 3 lần/ ngày để cải thiện triệu chứng.

Một số lưu ý khi dùng kim ngân hoa chữa bệnh

Trước khi áp dụng các bài thuốc chữa từ dược liệu kim ngân hoa, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Không dùng dược liệu này cho người bị hư hàn
  • Trường hợp quá mẫn hoặc dị ứng với các thành phần trong kim ngân hoa không nên dùng vì có thể gây ra tác dụng phụ.
  • Tránh dùng vị thuốc này cho những trường hợp nổi mụn nhọt bị lở loét nghiêm trọng hoặc mụn nhọt đã vỡ.
  • Phụ nữ trong thời gian hành kinh tránh dùng kim ngân hoa.
  • Trường hợp trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và đang cho con bú cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa nếu có ý định dùng dược liệu kim ngân hoa.
  • Chỉ nên dùng dược liệu với liều lượng vừa đủ, việc lạm dụng quá mức có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ và gây ra tác dụng không mong muốn.

Kim ngân hoa là dược liệu quý trong Đông y với nhiều công dụng chữa bệnh. Mặc dù không chứa độc tính nhưng để đảm bảo an toàn cũng như đạt được kết quả chữa trị tốt nhất, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ/ thầy thuốc trước khi dùng dược liệu này để được hướng dẫn cụ thể.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Chuyên gia tư vấn

Gọi ngay

0979 509 155

Tin mới

Bữa Sáng Cho Người Bị Trào Ngược Dạ Dày Ăn Gì? Bác Sĩ Gợi Ý

Bữa Sáng Cho Người Bị Trào Ngược Dạ Dày Ăn Gì? Bác Sĩ Gợi Ý

Bữa sáng cho người bị trào ngược dạ dày nên bổ sung những gì là...
Trào Ngược Dạ Dày Ăn Xôi Được Không? 3 Món Từ Gạo Nếp Tốt

Trào Ngược Dạ Dày Ăn Xôi Được Không? 3 Món Từ Gạo Nếp Tốt

Xôi và các món ăn từ gạo nếp chinh phục khẩu vị của rất nhiều...
Đi ngoài ra máu sau phẫu thuật trĩ do đâu?

Đi Ngoài Ra Máu Sau Phẫu Thuật Trĩ – Nguyên Nhân Do Đâu?

Đi ngoài ra máu sau phẫu thuật trĩ khiến bệnh nhân lo lắng. Theo các...