Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Cây quế chi (Cinnamomum cassia Presl) là loại cây thuộc họ Long não thường được dùng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh. Dược liệu có tác dụng tốt trong việc kích thích vị giác, hỗ trợ tiêu hoá và điều trị một số chứng bệnh do nhiễm phong hàn.
Mô tả dược liệu quế chi
1. Tên gọi, phân nhóm
- Tên gọi khác: Quế đơn, Quế, Quế thanh, Ngọc thụ, Mạy quẻ,…
- Tên khoa học: Cinnamomum cassia Presl
- Tên dược: Ramulus cinnamoni
- Họ: Long não – Lauraceae
2. Đặc điểm thực vật
Quế chi là loại cây thân gỗ lớn, chiều cao trung bình từ 10 – 20cm. Thân cây màu nâu nhạt, có vỏ nhẵn. Lá mọc so le, cứng, giòn, không có răng cưa và cuống ngắn. Lá có màu xanh sẫm, hình thuôn dài, mặt bóng. Mỗi lá có 3 gân, gân lá có màu vàng và hiện rõ.
Hoa có màu trắng hoặc màu vàng nhạt, mọc thành cụm ở nách hoặc ở ngọn của cành. Hoa có kích thước nhỏ, mỗi hoa có 4 cánh, nhị màu vàng đậm. Quả hạch, có hình trứng, khi chín có bề mặt nhãn, màu nâu tím. Mùa hoa bắt đầu từ tháng 6 – 8, ra quả từ tháng 10 – 12 đến tháng 2 – 3 năm sau.
3. Phân bố
Cây quế chi phân bố tại nhiều địa phương ở nước ta như Bắc Kạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Khánh hòa,…
4. Bộ phận dùng
Cành non của cây quế chi thường được thu hái để làm dược liệu chữa bệnh. Đối với cây trên 10 năm, có thể thu hoạch vỏ.
5. Thu hái – sơ chế
Thu hái: Dược liệu thường được thu hái vào mùa xuân
Chế biến: Sau khi ngâm rửa sạch thì đem đi phơi khô trong bóng râm hoặc phơi ngoài nắng. Kế đến cắt thành từng lát mỏng và bảo quản để dùng dần.
6. Bảo quản
Dược liệu quế chi sau khi bào chế cần bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh để ẩm mốc, mối mọt.
7. Thành phần hoá học
Các nghiên cứu khoa học nhận thấy, trong cây quế chi chứa tinh dầu từ 1 – 3%, ở một số cây chứa đến 6%, các hợp chất flavonoid, tannin, phenylglycosid, diterpenoid, bazylacetat, banzaldehyd, cinnamylacetat, coumarin, aldehyd cinnamic,…
Vị thuốc quế chi
1. Tính vị
Tính ấm, vị ngọt, đắng và có mùi thơm
2. Quy kinh
Quy vào các kinh Phế, Tâm, Bàng quang
3. Tác dụng dược lý
Theo y học cổ truyền:
- Công năng: Tăng tiết mồ hôi, giảm hội chứng ngoại sinh, trừ hàn, hoạt huyết, làm ấm kinh lạc.
- Chủ trị: Dược liệu dùng thể phong hàn của hội chứng ngoại cảnh, dương hư ở tâm và tỳ, thể phong hàn của hội chứng hư, dương suy ở ngực, đau khớp do nhiễm khuẩn.
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Tăng tuần hoàn máu, kích thích tiêu hoá, hỗ trợ hô hấp và thúc đẩy bài tiết diễn ra hiệu quả
- Tác dụng co mạch, tăng nhu động ruột, co bóp tử cung
- Tiêu diệt các gốc tự do, chống xơ vữa động mạch, hạn chế hình thành khối u
- Kích thích vị giác, đường tiêu hoá nên được dùng như một loại gia vị, Bên cạnh đó, một số thành phần trong cây quế chi còn có tác dụng ức chế vi nấm giúp bảo quản thức ăn được lâu hơn.
4. Cách dùng, liều dùng
Dược liệu quế chi thường được dùng ở dạng phơi khô, tán bột, tinh dầu hoặc dạng cồn. Liều dùng khuyến cáo từ 3 – 10g/ ngày.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu
Cây quế chi là dược liệu quý trong Đông y mang lại nhiều công dụng chữa bệnh và cải thiện sức khỏe. Theo đó, vị thuốc này thường được dùng để chữa trị tiểu đường, phong hàn, ho, giải cảm, phong thấp, sưng đau khớp, chữa sỏi, tán hàn tà, đa nang buồng trứng,…
Bài thuốc chữa tiểu đường:
- Chuẩn bị: Bột quế chi 2 muỗng, bột yến mạch 1 muỗng, 500ml nước
- Thực hiện: Các dược liệu đem trộn với nhau tạo thành hỗn hợp và chia thành 2 lần ăn trong ngày. Nên dùng vào buổi sáng và buổi tối, liệu trình kéo dài trong 15 ngày
Bài thuốc chữa thể phong hàn của hội chứng ngoại cảnh:
- Chuẩn bị: Quế chi 46g (cạo bỏ vỏ), chích cam thảo 40g, sinh khương 42g, ma hoàng 6g, hạnh nhân 6 hạt, thược dược 42g
- Thực hiện: Ma hoàng mang đi sắc với 500ml nước, đến khi còn lại 450ml thì cho các vị thuốc còn lại vào. Đun đến khi cạn còn 200m thì tắt bếp. Chia nước thuốc thành 2 lần và uống hết trong ngày.
Bài thuốc chữa thể phong hàn của hội chứng hư (mạch nông, sốt, ra mồ hôi, sợ gió,…):
- Chuẩn bị: Bạch thược, quế chi, sinh khương mỗi vị 12g, chích cam thảo 6g, đại táo 4 quả,
- Thực hiện: Các dược liệu sau khi rửa sạch thì đem sắc với lượng nước vừa đủ. Chia nước thuốc thành nhiều lần và uống hết trong ngày. Mỗi ngày dùng 1 thang đến khi khỏi bệnh hẳn.
Bài thuốc chữa nhiễm phong hàn:
- Chuẩn bị: Chích thảo 80g, quế chi 160g, sinh khương 3 lát, đại táo 12 quả, phụ tử 3 miếng.
- Thực hiện: Các vị thuốc đem đi sắc lấy nước uống. Mỗi ngày dùng 1 thang đến khi bệnh khỏi hẳn.
Bài thuốc chữa chứng dương hư ở tâm (đánh trống ngực, thở nông,…):
- Chuẩn bị: Phục linh 160g, quế chi 120g, chích cam thảo và bạch truật mỗi vị 80g.
- Thực hiện: Các dược liệu sau khi rửa sạch thì cho vào nồi sắc cùng lượng nước vừa đủ. Chia nước thuốc thành nhiều lần và uống khi còn ấm. Mỗi ngày dùng 1 thang.
Bài thuốc chữa chứng dương suy ở ngực (đau ngực, nhịp tim ngắt quãng,…):
- Chuẩn bị: Phục linh, mẫu đơn bì, thược dược mỗi vị 12g, quế chi 4g, đào nhân 8g
- Thực hiện: Các dược liệu đem sắc lấy nước uống trong ngày. Mỗi ngày dùng 1 thang đến khi bệnh khỏi hẳn.
Bài thuốc chữa ứ huyết, thai lưu ở phụ nữ:
- Chuẩn bị: Phục linh, thược dược, quế chi, đơn bì và đào nhân mỗi vị 8g
- Thực hiện: Các dược liệu đem sắc lấy nước uống hoặc tán bột mịn trộn với nước ấm thành dạng sệt và dùng uống trong ngày.
Bài thuốc chữa u xơ tử cung:
- Chuẩn bị: Xích thược, quế chi, hải tảo, đào nhân, mẫu lệ, miết giáp mỗi vị 16g, nhũ hương, nga truật, một dược, sơn lăng mỗi vị 8g, hồng hoa 10g
- Thực hiện: Các dược liệu đem tán bột mịn, trộn với mật làm thành hoàn. Mỗi lần uống 12g cùng với nước ấm, ngày uống từ 2 – 3 lần để đạt được kết quả tốt nhất.
Bài thuốc chữa ho hen có đờm:
- Chuẩn bị: Cam thảo, quế chi, bạch truật mỗi vị 8g, phục linh 12g
- Thực hiện: Các vị thuốc đem đi sắc với 300ml nước, đun đến khi còn khoảng 150ml thì tắt bếp. Chia nước thuốc thành 2 lần và uống hết trong ngày.
Bài thuốc chữa tình trạng khó khăn trong tiểu tiện:
- Chuẩn bị: Phục linh, trư linh, bạch truật, trạch tả mỗi vị 12g, quế chi 4g
- Thực hiện: Các dược liệu đem tán bột mịn, chia thành 3 phần dùng hết trong ngày. Khi uống hòa với nước ấm.
Bài thuốc chữa phong thấp, sưng đau xương khớp:
- Chuẩn bị: Sinh khương, quế chi, phụ tử mỗi vị 12g, đại táo 3 quả, cam thảo 8g
- Thực hiện: Các dược liệu sau khi rửa sạch thì cho vào ấm sắc cùng với 300ml nước, đun đến khi còn 1/3 thì chắt lấy nước, bỏ bã và chia thành nhiều lần uống trong ngày. Mỗi ngày sắc uống 1 thang.
Bài thuốc trị đậu trần, tán hàn tà:
- Chuẩn bị: Cam thảo, quế chi, cát căn, thăng ma, phòng phong, xích thược, đạm đậu xạ mỗi vị 4g, gừng tươi 3 lát.
- Thực hiện: Các dược liệu cho vào ấm, thêm 300ml nước vào, đun sôi đến khi cạn còn 150ml thì tắt bếp. Chia nước thuốc thành 2 lần và uống khi còn ấm.
Bài thuốc trị sởi:
- Chuẩn bị: Thược dược, quế chi, cam thảo mỗi vị 4g, sinh khương, ma hoàng, đại táo mỗi vị 5g, cát cánh 8g
- Thực hiện: Các dược liệu cho vào ấm cùng với lượng nước vừa đủ và sắc trong vòng 30 phút. Chia nước thuốc thành 3 lần và uống hết trong ngày.
Bài thuốc chữa đa nang buồng trứng:
- Chuẩn bị: Can khương 6g, quế chi 4g, trần bì, phụ tử, ngô thù du mỗi vị 8g, mẫu đơn bì 10g, xuyên khung, quy thân, bạch thược, ngải diệp, phục linh mỗi vị 12g, thục địa 16g.
- Thực hiện: Mỗi thang sắc 2 lần, mỗi lần sắc cùng với 750ml để thu được 250ml. Trộn 2 lần thuốc với nhau và chia thành 3 lần uống trong ngày. Mỗi ngày sắc uống 1 thang.
Bài thuốc chữa viêm mào tinh hoàn:
- Chuẩn bị: Đương quy, quế chi, ngô thù du, bạch thược mỗi vị 4g, sinh khương, mộc thông, tế tân mỗi vị 3g, cam thảo 2g, hồng hoa, chỉ xác, đại táo mỗi vị 6g, ngưu tất 10g, đào nhân 8g, sài hồ 12g
- Thực hiện: Các dược liệu cho vào ấm sắc cùng với 500ml nước, đến khi cạn còn 250ml thì tắt bếp. Chia nước thuốc thành 3 phần và uống trong ngày. Uống sau khi ăn khoảng 60 phút để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Bài thuốc chữa bí tiểu:
- Chuẩn bị: Bạch truật, quế chi, trư linh, trạch tả, phụ tử mỗi vị 10g, đẳng sâm, phục linh mỗi vị 15g, ô dược 12g
- Thực hiện: Các dược liệu đem sắc với 600ml nước, đến khi cạn còn 200ml thì tắt bếp. Chia nước thuốc thành 2 lần và uống hết trong ngày. Mỗi ngày dùng 1 thang.
Bài thuốc trị đau nhức xương khớp:
- Chuẩn bị: Bạch chỉ, quế chi mỗi vị 8g, cam thảo, ý dĩ, tỳ giải, uy linh tiên mỗi vị 12g, hy thiêm, thổ phục linh, ké đầu ngựa mỗi vị 16g
- Thực hiện: Các vị thuốc sau khi rửa sạch thì cho vào nồi đun sôi cùng với 300ml nước, đến khi cạn còn 150ml thì tắt bếp. Chia nước thuốc thành 2 lần và uống hết trong ngày. Áp dụng liên tục trong 7 ngày để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Bài thuốc chữa phong thấp:
- Chuẩn bị: Thiên niên kiện, quế chi mỗi vị 10g, hà thủ ô, cúc tần, tục đoạn mỗi vị 12g, thổ phục linh, đơn hoa, độc hoạt mỗi vị 16g, xấu hổ, cỏ xước mỗi vị 20g
- Thực hiện: Các vị thuốc sau khi rửa sạch thì cho vào nồi cùng với 400ml nước, đun trong 30 phút và chia thành 2 lần uống trong ngày. Áp dụng liên tục trong 10 ngày để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Bài thuốc giúp điều hoà kinh nguyệt:
- Chuẩn bị: Bạch thược, quế chi, ngưu tất, ngải diệp, thục địa mỗi vị 10g, gừng nướng, tiểu hồi mỗi vị 6g, ba kich 12g, xuyên khung 8g, đương quy, kỷ tử mỗi vị 15g, hoàng kỳ 30g.
- Thực hiện: Các dược liệu cho vào ấm cùng với 600ml nước và đun trên lửa nhỏ. Đến khi còn 300ml thì tắt bếp, chắt lấy phần nước và chia thành 3 lần uống trong ngày.
Lưu ý – Kiêng kỵ khi dùng cây quế chi
Một số trường hợp cần thận trọng khi dùng vị thuốc quế chi chữa bệnh:
- Phụ nữ đang mang thai
- Người bị suy gan hoặc gặp các vấn đề về gan
- Không dùng dược liệu cho người mắc các chứng bệnh nóng sốt
Tác dụng phụ thường gặp khi dùng dược liệu:
- Khó thở
- Dị ứng
- Viêm da dị ứng
- Viêm miệng, lưỡi, nướu
- Đỏ mặt
- Tăng nhịp tim
- Nóng trong người
Cây quế chi có chứa dược tính và công năng đa dạng nên thường được dùng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cũng như kết quả điều trị tốt nhất, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ/ thầy thuốc trước khi thực hiện các bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu này.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!