Điều Trị Nấm Da Đầu bằng Đông Y theo y học cổ truyền
Theo dõi Viện y dược dân tộc trên

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Điều trị nấm da đầu bằng Đông y không chỉ giúp cải thiện các biểu hiện lâm sàng mà còn thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu, cải thiện sức khoẻ và tăng cường chức năng đề kháng. Mặc dù có độ an toàn cao nhưng các bài thuốc Đông y chữa nấm da đầu thường phát huy tác dụng chậm, hiệu quả không đồng nhất, mức độ cải thiện phụ thuộc nhiều vào cơ địa.
Nấm da đầu theo quan niệm Đông y
Nấm da đầu hay nấm tóc đặc trưng bởi tình trạng da đầu nhiễm nấm, thường gặp nhất là nấm sợi thuộc loại Trichophyton và Microsporum. Tác nhân gây bệnh có khả năng lây nhiễm cao thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp. Bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng ngứa ngáy da đầu, viêm đỏ, bong tróc vảy, rụng tóc,…

Không giống với Tây y, Y học cổ truyền cho rằng nấm da đầu là hệ quả của thấp nhiệt, phong hàn xâm nhập vào cơ thể và da đầu dẫn đến khí huyết bất thông, uất kết trong nội tạng. Lâu dần, hàn thấp ứ trệ sẽ bùng phát và gây tổn thương da đầu.
Do quan niệm khác nhau nên phương pháp điều trị nấm da đầu theo Tây y và Đông y cũng khác biệt. Tây y sẽ tập trung kiểm soát các triệu chứng lâm sàng, cải thiện yếu tố thẩm mỹ cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong khi đó, Đông y đề cao cân bằng khí huyết, bồi bổ sức khỏe, giải quyết ứ trệ. Bởi khi khí huyết lưu thông thuận lợi, sức khỏe vượng, tổn thương do bệnh lý gây ra sẽ có xu hướng thuyên giảm rõ rệt.
Các bài thuốc Đông y điều trị nấm da đầu
Những bài thuốc Đông y chữa nấm da đầu thường có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, điều hoà miễn dịch, tăng tuần hoàn máu. Ngoài công dụng cải thiện các triệu chứng lâm sàng, các bài thuốc này còn mang lại hiệu quả trong việc bồi bổ cơ thể, tăng cường sức đề kháng.
Dưới đây là một số bài thuốc chữa nấm da đầu theo Đông y được áp dụng phổ biến:
1. Bài thuốc chữa nấm da đầu từ ké đầu ngựa
Ké đầu ngựa là vị thuốc quý trong Đông y với nhiều công dụng chữa bệnh. Dược liệu có tính ấm, vị đắng, tác dụng tân ôn, giải biểu, tán hàn nên được dùng trong các bài thuốc chữa chứng bệnh do ngoại tà như cảm mạo, phong thấp, phong hàn,…
Bên cạnh đó, ké đầu ngựa còn được dùng để chữa trị các bệnh ngoài da bùng phát do nhiệt độ lạnh như viêm da cơ địa, viêm da tiết bã, nấm da đầu, nổi mề đay mẩn ngứa. Theo đó, bài thuốc từ ké đầu ngựa chữa nấm da đầu còn được bổ sung các vị thuốc giúp bồi bổ sung khoẻ như cam thảo đất, thổ phục linh, kim ngân hoa, kinh giới.

Cách sắc thuốc:
- Chuẩn bị thổ phục linh, ké đầu ngựa, kim ngân hoa, bồ công anh, cỏ mần trầu, kinh giới, cam thảo đất mỗi vị 20g
- Các vị thuốc sau khi rửa sạch thì cho vào ấm cùng với lượng nước vừa đủ và đun trên lửa nhỏ
- Chia nước thuốc thành nhiều lần và uống hết trong ngày
- Mỗi ngày sắc uống 1 thang đến khi bệnh lý thuyên giảm hoàn toàn
Thời tiết chuyển lạnh có thể khiến da đầu khô ráp, hàng rào bảo vệ da suy giảm. Đây được xem là điều kiện thuận lợi để các dị nguyên tấn công và kích thích tổn thương da. Do đó, bên cạnh áp dụng bài thuốc này, bạn cần giữ ấm cơ thể, sử dụng loại dầu gội phù hợp để kiểm soát tổn thương và hạn chế bệnh lan rộng.
2. Bài thuốc Đông y chữa nấm da đầu từ kim ngân hoa
Tương tự như ké đầu ngựa, kim ngân hoa là vị thuốc được sử dụng phổ biến trong nhiều bài thuốc Đông y. Với công dụng giải độc, thanh nhiệt, tiêu viêm, dược liệu này thường được sử dụng trong các bài thuốc chữa rôm sảy, mụn nhọt, hắc lào, ghẻ lở và một số bệnh ngoài da khác như viêm da cơ địa, nấm da đầu, viêm da tiết bã da đầu. Bên cạnh đó, vị thuốc kim ngân hoa còn có tác dụng thanh thải độc tố, bồi bổ nguyên khí, tiêu thũng, tiêu khát, chống khuẩn hiệu quả.
Bài thuốc uống từ kim ngân hoa chữa nấm da đầu:
- Chuẩn bị: Hạ khô thảo, kim ngân hoa, hoàng cầm, khổ sâm, sinh địa, hoàng cầm, kinh giới, bồ công anh, tang bì với liều lượng bằng nhau (tham khảo ý kiến thầy thuốc để được hướng dẫn liều lượng phù hợp.
- Thực hiện: Các vị thuốc sau khi rửa sạch thì cho vào ấm cùng với lượng nước vừa đủ và đun trên lửa nhỏ. Chắt lấy nước thuốc và chia thành nhiều lần uống trong ngày.
Ngoài những ghi chép từ y học cổ truyền, y học hiện đại cũng nhận thấy vị thuốc kim ngân hoa có công dụng kháng viêm, chữa lành vết thương, chống khuẩn mạnh. Do đó, việc kết hợp bài thuốc gội đầu từ dược liệu này có thể cải thiện tình trạng ngứa ngáy, viêm đỏ, hỗ trợ làm sạch vảy bong tróc và ngăn ngừa bội nhiễm do bệnh nấm da đầu gây ra.

Nước sắc kim ngân hoa gội đầu chữa nấm da đầu hiệu quả:
- Chuẩn bị: Kim ngân hoa 30g, có thể dùng thêm lá khế, kinh giới, rau má mỗi vị 15g, sài đất 30g nếu tổn thương vùng da đầu bị viêm đỏ nhiều.
- Thực hiện: Các vị thuốc sau khi rửa sạch thì cho vào nồi cùng với 2 lít nước và đun sôi. Sau đó chắt lấy phần nước thuốc, để nguội và dùng gội đầu. Áp dụng 1 lần/ ngày trong vòng 7 – 10 ngày để cải thiện triệu chứng.
3. Bài thuốc bôi điều trị nấm da đầu từ Đông y
Bên cạnh các bài thuốc uống, điều trị nấm da đầu bằng Đông y còn bao gồm các bài thuốc tại chỗ. Không giống với thuốc uống, việc sử dụng thuốc tại chỗ sẽ tác động trực tiếp lên vùng da bị tổn thương, giảm ngứa ngáy, viêm đỏ, khó chịu ở da đầu đáng kể.
Theo đó, bài thuốc bôi ngoài chữa nấm da đầu sử dụng khương hoàn (nghệ vàng), vỏ núc nác và dầu vừng. Theo y học cổ truyền, khương hoàn có tính ấm, vị cay đắng, công dụng chỉ huyết, sinh cơ, phá ác huyết. Vị thuốc này thường được tận dụng trong các bài thuốc chữa đau dạ dày, bệnh sản hậu, vàng da. Ngoài ra, với công dụng sinh cơ, khương hoàn còn được dùng để phục hồi các mô da bị tổn thương, làm lành vết thương và trị sẹo.
Bài thuốc dùng ngoài chứa khương hoàng, dầu vừng, vỏ núc nác giúp làm dịu vùng da đầu bị tổn thương, giảm viêm, kích thích phục hồi vết thương, đồng thời hỗ trợ loại bỏ vảy bong trên bề mặt da.
- Chuẩn bị: Khương hoàng 20g, dầu vừng vừa đỏ và vỏ núc nác 40g
- Thực hiện: Nghệ và vỏ núc nác mang đi sao khô, tán bột mịn và trộn đều với dầu vừng. Mỗi ngày thoa từ 1 – 2 lần lên da đầu và sử dụng trong thời gian dài.
Lưu ý: Không áp dụng bài thuốc bôi trong trường hợp tổn thương da bị chảy máu, lở loét, xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng (viêm đỏ nặng, da đầu sưng nề, ứ mủ, đau nhức).
Có nên điều trị nấm da đầu bằng Đông y không?
Mặc dù là bệnh da liễu nhưng nấm da đầu có đặc tính dai dẳng, nguy cơ lây lan cao và tái phát nhiều lần khi gặp điều kiện thuận lợi. Do đó, đa số các trường hợp dùng thuốc Tây điều trị đều có nguy cơ phụ thuộc vào thuốc. Từ đó gây ra tình trạng mỏng da, giãn mao mạch hoặc thậm chí là kháng thuốc.

Ngược lại, việc áp dụng các bài thuốc Đông y chữa trị mặc dù phát huy tác dụng chậm nhưng thường mang lại hiệu quả lâu dài. Bên cạnh đó, hầu hết các bài thuốc Đông y đều dùng các dược liệu tự nhiên nên có độ lành tính cao, an toàn và phù hợp với nhiều đối tượng (bao gồm người mắc bệnh lý nền).
Tuy nhiên hiệu quả của thuốc Đông y thường chậm hơn so với tân dược. Do đó, trong trường hợp bệnh bùng phát mạnh, người bệnh cần sử dụng thuốc Tây theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa để kiểm soát các biểu hiện lâm sàng, hạn chế tổn thương da lan rộng, đồng thời phòng ngừa các biến chứng nặng nề.
Ngoài ra, việc điều trị nấm da đầu bằng Đông y còn phụ thuộc nhiều vào cơ địa. Ở một số trường hợp, phương pháp này mang lại hiệu quả nhanh chóng và rõ rệt. Tuy nhiên, trên thực tế một số trường hợp gần như không nhận thấy hiệu quả sau khi áp dụng.
Trong khi đó, thuốc Tây thường mang lại kết quả tương đối đồng nhất, ít phụ thuộc vào cơ địa. Chính vì vậy, người bị nấm da đầu nên cân nhắc về tình trạng bệnh, khả năng đáp ứng cũng như một số vấn đề sức khỏe đi kèm để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Lưu ý khi dùng thuốc Đông y điều trị nấm da đầu
Điều trị nấm da đầu bằng Đông y có nhiều ưu điểm như độ an toàn cao, lành tính, phạm vi chỉ định rộng, ít xảy ra tình trạng phụ thuộc. Tuy nhiên, nếu áp dụng không đúng cách, phương pháp này có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn.

Do đó, trước khi chữa nấm da đầu bằng các bài thuốc Đông y, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Không giống với thuốc Tây, các bài thuốc Đông y thường không cho kết quả đồng nhất. Do đó trước khi áp dụng, người bệnh nên tìm gặp thầy thuốc để được bắt mạch và tư vấn hướng điều trị phù hợp.
- Một số bài thuốc Đông y chỉ được lưu truyền trong phạm vi nhân nhân và chưa được kiểm chứng trên phương diện khoa học. Do đó, người bệnh cần chọn lọc bài thuốc kỹ trước khi áp dụng để tránh phát sinh rủi ro.
- Các nhóm đối tượng đặc biệt như phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người mắc các bệnh mãn tính nên tham vấn chuyên khoa trước khi thực hiện.
- Mặc dù được đánh giá có độ lành tính, an toàn cao nhưng các bài thuốc Đông y vẫn có khả năng gây kích ứng. Nếu nhận thấy các biểu hiện bất thường như buồn nôn, tiêu chảy, ngứa ngáy dữ dội, nổi mẩn đỏ,… nên ngưng áp dụng và tìm gặp bác sĩ để được xử lý đúng cách.
- Trường hợp nấm da đầu lan rộng, tiến triển nặng, người bệnh cần điều trị bằng Tây y theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Việc áp dụng các bài thuốc Đông y trong trường hợp này không mang lại kết quả điều trị như mong muốn.
- Cần thận trọng khi tìm mua dược liệu để hạn chế nguy cơ mua phải dược liệu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.
- Nấm da đầu có tính chất mãn tính, dễ tái phát và nguy cơ lây nhiễm cao. Do đó ngoài việc điều trị, người bệnh cần kết hợp các biện pháp chăm sóc tại nhà, ăn uống điều độ và tập thể dục thường xuyên để giúp nâng cao sức khoẻ tổng thể, hạn chế tần suất bệnh tái phát.
Điều trị nấm da đầu bằng Đông y theo y học cổ truyền có nhiều ưu điểm vượt trội. Tuy nhiên, phương pháp này thường mang lại hiệu quả chậm, tác dụng phụ thuộc nhiều vào cơ địa và mức độ cải thiện thấp. Do đó người bệnh nên cân nhắc tình trạng bệnh, khả năng đáp ứng trước khi áp dụng.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!