Đau Đầu: Nguyên Nhân Và Cách Chữa Hiệu Quả Nhanh Nhất

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Đau đầu là triệu chứng phổ biến có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Ngoài những nguyên nhân thông thường như do căng thẳng, căng cơ và tác dụng phụ của thuốc, tình trạng này còn là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Đau đầu và dấu hiệu nhận biết
Đau đầu (nhức đầu) là tình trạng cơn đau xuất hiện ở đầu hoặc vùng cổ trên. Cơn đau thường xảy ra ở cấu trúc bao quanh hộp sọ vì bản thân não bộ không chứa các dây thần kinh có khả năng thụ cảm cơn đau. Tùy theo nguyên nhân, đau đầu có thể có mức độ nhẹ đến nặng, đau âm ỉ, đau nhói, đau dai dẳng hoặc đau ngắt quãng từng cơn.
Có thể nói, đau đầu là triệu chứng thể chất thường gặp nhất ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Trong hầu hết các trường hợp, nhức đầu chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và có thể dễ dàng kiểm soát thông qua sử dụng thuốc. Tuy nhiên, đau đầu xảy ra thường xuyên với mức độ nghiêm trọng gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống.
Mặc dù có điểm chung là đau nhức ở vùng đầu và cổ trên nhưng đau đầu có biểu hiện khác biệt tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể:
- Đau đầu do căng thẳng: Đau đầu dai dẳng, âm ỉ, đau toàn bộ vùng đầu và thường lan xuống bùng cổ vai gáy. Các triệu chứng này xảy ra khi làm việc, học tập với cường độ cao hoặc khi đối mặt với những tình huống căng thẳng, áp lực trong cuộc sống.
- Đau nửa đầu: Như tên gọi, dạng đau đầu này đặc trưng bởi cơn đau xảy ra ở một bên đầu nhưng cũng có thể thay đổi vị trí. Cơn đau thường đi kèm với cảm giác nhói và rung nhẹ ở vùng đầu, lâng lâng, nhạy cảm với âm thanh, ánh sáng, buồn nôn, nôn mửa,… Các triệu chứng đau nửa đầu thường xảy ra từ vài giờ đến vài ngày và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
- Đau đầu do thuốc: Đặc trưng bởi tình trạng đau đầu và vùng cổ trên kèm theo cảm giác bồn chồn, mệt mỏi, nghẹt mũi và giảm chất lượng giấc ngủ. Đặc điểm của dạng đau đầu này là mức độ cơn đau và biểu hiện lâm sàng có thể thay đổi theo từng ngày.
- Đau đầu cụm: Đau đầu cụm là tình trạng nhức đầu bùng phát theo đợt và diễn ra liên tục, mỗi đợt có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng. Mỗi lần khởi phát kéo dài khoảng vài phút đến vài giờ. Đặc điểm của đau đầu cụm là xuất hiện cơn đau nghiêm trọng nhưng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, đỏ mắt, sụp mí, đau một bên mắt, nghẹt mũi, chảy nước mũi,…
- Đau đầu từng cơn: Nhức đầu từng cơn là dạng đau đầu có tính chất đột ngột và dữ dội. Thông thường, mỗi cơn đau đầu chỉ kéo dài dưới 1 phút và đa phần đều không quá 5 phút nhưng có mức độ rất nghiêm trọng. Dạng đau đầu này thường có liên quan đến những vấn đề sức khỏe đe dọa trực tiếp đến tính mạng.
Ngoài ra, đau đầu còn có thể đi kèm với một số triệu chứng khác như nhức mắt, nặng vùng mặt, ù tai, khó thở, chóng mặt, choáng váng, buồn nôn, ăn uống kém, sốt cao,… tùy theo nguyên nhân cụ thể.
Nguyên nhân gây đau đầu thường gặp
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng đau đầu. Trong đó được chia thành 3 nhóm nguyên nhân chính là đau đầu nguyên phát, thứ phát và các dạng đau đầu khác.
1. Đau đầu nguyên phát
Đau đầu nguyên phát đề cập đến các dạng đau đầu có liên quan đến cấu trúc và hoạt động quá mức ở não bộ, đầu và cổ (không có tổn thương thực thể). Kết quả là làm thay đổi các chất hóa học bên trong não dẫn đến cơn đau âm ỉ hoặc dữ dội. Đau đầu nguyên phát bao gồm đau đầu do căng thẳng, đau nửa đầu (chưa rõ nguyên nhân) và đau đầu từng cụm.

Các nguyên nhân dẫn đến đau đầu nguyên phát:
- Bất thường hoạt động của các khu vực, cơ quan bên trong não
- Mạch máu, dây thần kinh và cơ bắp ở vùng cổ hoặc xung quanh não bộ hoạt động quá mức
- Giảm chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ (chủ yếu là serotonin)
Nguyên nhân sâu xa của đau đầu nguyên phát thường có liên quan đến di truyền, stress quá mức gây rối loạn chức năng của mạch máu, cơ bắp và dây thần kinh xung quanh não bộ. Ngoài ra, lối sống thiếu khoa học và học tập, làm việc căng thẳng cũng góp phần gây ra chứng bệnh này.
2. Đau đầu thứ phát
Đau đầu thứ phát xảy ra do các bệnh lý thực tổn hoặc do cấu trúc của não bộ bị tổn thương (áp xe não, u não, xuất huyết, viêm màng não,…), lạm dụng thuốc, ngộ độc và nhiễm trùng. So với đau đầu nguyên phát, đau đầu thứ phát có nguyên nhân đa dạng nhưng tỷ lệ người mắc ít hơn.

Các nguyên nhân gây đau đầu thứ phát:
- Bệnh lý nội sọ: Viêm màng não, ung thư não, nhiễm trùng não, tăng áp lực nội sọ nguyên phát, xuất huyết não, rò dịch não, u não, bệnh lý mạch máu (huyết khối xoang tĩnh mạch, dị dạng mạch máu,…).
- Bệnh lý ngoài sọ: Bao gồm các bệnh về răng như rối loạn cơ năng khớp thái dương hàm, viêm xoang, glaucoma,…
- Các bệnh hệ thống: Nhiễm trùng do virus, vi khuẩn, tăng CO2 trong máu, viêm động mạch tế bào khổng lồ, sốt, nhiễm khuẩn huyết, thiếu oxy, tăng huyết áp cấp tính nặng,…
- Do thuốc và chất: Các loại thuốc chứa hormone estrogen, sử dụng thuốc giảm đau quá mức, carbon monoxide, nitrat, thuốc ức chế bơm proton (PPI), lạm dụng chất kích thích, rượu bia,… đều có thể gây ra tình trạng nhức đầu, mệt mỏi.
3. Các chứng đau đầu khác
Ngoài hai nhóm nguyên nhân chính là đau đầu nguyên phát và đau đầu thứ phát, đau đầu còn có thể xảy ra do đau dây thần kinh. Ví dụ, đau dây thần kinh sinh ba có thể mang đến tín hiệu đau gây ra cảm giác đau ở vùng mặt và đầu. Dạng đau đầu này ít gặp hơn so với các loại đau đầu được đề cập ở trên.
Mặc dù có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng đau đầu nguyên phát là tình trạng phổ biến hơn cả, trong đó thường gặp nhất là đau đầu do căng cơ và căng thẳng.
Đau đầu có ảnh hưởng gì không?
Nhức đầu là triệu chứng rất phổ biến ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Bất cứ tác động nào từ bên trong và bên ngoài cơ thể đều có thể gây ra tình trạng này. Đa phần các trường hợp bị đau đầu đều do căng cơ, căng thẳng và các bệnh nhiễm trùng hô hấp. Do đó, phần lớn đều có thể thuyên giảm nhanh sau khi được nghỉ ngơi và dùng thuốc.

Tuy nhiên trên thực tế, không ít người phải đối mặt với tình trạng đau đầu kéo dài, dai dẳng và tái phát thường xuyên. Thậm chí cơn đau có thể bùng phát dữ dội gây mệt mỏi và giảm khả năng tập trung khi học tập, làm việc. Ngoài ra đau đầu còn ảnh hưởng đến giấc ngủ và tâm trạng, từ đó gia tăng rủi ro khi điều khiển phương tiện giao thông, tăng xung đột và mâu thuẫn với những người xung quanh. Chính vì vậy, bạn cần tìm gặp bác sĩ nếu nhận thấy đau đầu dữ dội, hay tái phát và kéo dài.
Chẩn đoán đau đầu bằng cách nào?
Có rất nhiều nguyên nhân gây đau đầu. Do đó trước khi điều trị, bác sĩ sẽ thực hiện một số kỹ thuật chẩn đoán:
- Khai thác tiền sử bệnh lý cá nhân, gia đình và triệu chứng (vị trí đau, mức độ, thời gian, khởi phát đột ngột hay từ từ), các yếu tố làm tăng cơn đau, các biểu hiện đi kèm,…
- Đánh giá toàn diện để tìm kiếm các triệu chứng gợi ý nguyên nhân như sốt (do nhiễm trùng), nôn (đau nửa đầu/ tăng áp lực nội sọ), chảy nước mũi (viêm xoang), ù tai (tăng áp lực nội sọ nguyên phát),…
- Khám thực thể (biểu hiện chung, khám thân nhiệt, khám chuyên sâu ở vùng cổ, đầu và khám thần kinh toàn diện,…).
Đa phần những trường hợp đau đầu có thể được chẩn đoán thông qua biểu hiện lâm sàng. Tuy nhiên, nếu cần thiết bác sĩ vẫn có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm cần thiết như chụp CT, MRI, xét nghiệm máu, chọc dò tủy sống, xét nghiệm DNT,… Thông thường, đau đầu ở người trẻ chủ yếu được khám lâm sàng và bác sĩ chỉ cân nhắc xét nghiệm cận lâm sàng cho người lớn tuổi (từ 55 tuổi trở lên).
Cách điều trị đau đầu hiệu quả
Điều trị đau đầu phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên nhân cụ thể. Trong đó, hơn 80% trường hợp đau đầu do căng cơ, thiếu ngủ và do căng thẳng. Các trường hợp nhức đầu do những nguyên nhân này thường có thể cải thiện chỉ sau một thời gian ngắn và ít khi phải can thiệp điều trị y tế.
1. Sử dụng thuốc giảm đau không kê toa
Sử dụng thuốc giảm đau không kê toa có thể cải thiện tình trạng nhức đầu một cách rõ rệt. Tùy theo mức độ đau đầu và các biểu hiện đi kèm, dược sĩ/ bác sĩ sẽ cân nhắc dùng loại thuốc thích hợp nhất.

Các loại thuốc giảm đau không kê toa được sử dụng để giảm đau đầu:
- Acetamoniphen: Acetaminophen (Paracetamol) là loại thuốc giảm đau thông dụng với tác dụng chính là giảm đau và hạ sốt. Thuốc được bào chế ở dạng bột sủi, viên sủi, siro, viên uống và viên đặt nên có thể dùng cho tất cả mọi lứa tuổi. Thuốc mang lại hiệu quả tốt và tương đối an toàn ở liều điều trị. Tuy nhiên, cần tránh sử dụng Acetaminophen nếu bị thiếu hụt men G6PD, suy gan nặng và thiếu máu nhiều lần.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Ngoài Paracetamol, bạn cũng có thể sử dụng một số loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) không kê toa như Diclofenac, Aspirin, Naproxen, Piroxicam và Ibuprofen. Các loại thuốc này có tác dụng giảm đau mạnh hơn Acetaminophen nhưng dễ gây đau dạ dày và chảy máu kéo dài. Do đó, bạn nên thông báo với dược sĩ tình trạng sức khỏe và tiền sử dị ứng trước khi sử dụng.
- Miếng dán giảm đau đầu: Nếu cơn đau có mức độ nhẹ, bạn có thể sử dụng miếng dán giảm đau đầu thay vì dùng thuốc uống để hạn chế tác dụng phụ. Các miếng dán giảm đau đầu thường chứa Methyl salicylat và Menthol có tác dụng giảm đau nhức. Ngoài ra, các loại miếng dán này còn giúp cải thiện tình trạng đau nhức và khó chịu do căng cơ.
Các loại thuốc giảm đau không kê toa khá an toàn khi dùng liều thấp và sử dụng ngắn ngày. Tuy nhiên nếu tình trạng không thuyên giảm sau khoảng 3 – 5 ngày sử dụng, nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị y tế khi cần thiết. Tuyệt đối không dùng thuốc dài hạn và tự ý tăng liều khi chưa tham khảo ý kiến dược sĩ.
2. Áp dụng các biện pháp giảm đau tại nhà
Hầu hết các trường hợp bị đau đầu đều có liên quan đến lối sống thiếu khoa học. Do đó bên cạnh sử dụng thuốc, bạn có thể áp dụng một số giảm đau đầu tại nhà như:

- Xoa bóp: Xoa bóp là phương pháp giảm đau có nguồn gốc từ y học cổ truyền. Phương pháp này sử dụng tác động cơ học từ bàn tay nhằm thúc đẩy tuần hoàn máu, thư giãn cơ và mạch máu xung quanh não bộ. Ngoài ra khi xoa bóp, não bộ sẽ tăng sản sinh serotonin và endorphin có tác dụng giải tỏa căng thẳng, giảm đau và mang đến cảm giác thoải mái.
- Ngồi thiền: Căng cơ và stress là nguyên nhân phổ biến gây đau đầu. Để cải thiện tình trạng này, thiền định được xem là giải pháp tối ưu. Khi ngồi thiền, các cảm xúc tiêu cực sẽ được gạt bỏ, cơ thể được thư giãn và thả lỏng. Ngoài ra, ngồi thiền còn giúp điều hòa nhịp thở, ổn định huyết áp, thư giãn cơ và cải thiện chức năng của các cơ quan nội tạng.
- Yoga: Yoga là bộ môn tập luyện đòi hỏi phải kết hợp giữa thể chất, tâm trí và hơi thở. Do đó, bộ môn này mang lại hiệu quả cao trong việc giải tỏa căng thẳng, lo âu và thư giãn các cơ ở vùng cổ, vai, gáy. Nếu có thời gian, bạn nên luyện tập hằng ngày hoặc ít nhất 3 – 4 buổi/ tuần.
- Liệu pháp mùi hương: Liệu pháp mùi hương sử dụng hương thơm của tinh dầu để kích thích khứu giác và tác động lên não bộ. Mùi thơm từ các loại tinh dầu giúp não bộ thư giãn và tăng sản sinh serotonin. Hormone này có khả năng giảm căng thẳng, mệt mỏi, đau đầu và mang lại tâm trạng thoải mái.
Các biện pháp này có thể giảm nhức đầu cùng với một số triệu chứng đi kèm ngay tại nhà. Ngoài ra, áp dụng thường xuyên còn giúp phòng ngừa tái phát, đồng thời tăng khả năng tập trung khi làm việc và cải thiện chất lượng giấc ngủ đáng kể.
3. Thăm khám và điều trị y tế
Nếu tình trạng đau đầu kéo dài và có xu hướng nghiêm trọng dần theo thời gian, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Thực tế cho thấy, nhức đầu có thể là biểu hiện của các bệnh lý nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng. Do đó, cần tránh chủ quan trước những biểu hiện bất thường của cơ thể.

Tùy theo nguyên nhân cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc và hướng dẫn thay đổi lối sống. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể cần phải phẫu thuật để cải thiện bệnh. Đối với những người bị đau đầu do căng thẳng quá mức dẫn đến lo âu và trầm cảm, bác sĩ thường chỉ định dùng thuốc cùng với trị liệu tâm lý. Nếu được thăm khám và điều trị đúng cách, hầu hết các trường hợp nhức đầu đều có thể thuyên giảm chỉ sau một thời gian ngắn.
Phòng ngừa đau đầu tái phát
Đau đầu là triệu chứng rất dễ tái phát, đặc biệt là đau nửa đầu, đau đầu do căng thẳng và căng cơ. Vì vậy sau khi cơn đau được cải thiện, bạn nên áp dụng một số biện pháp để phòng ngừa tình trạng tái phát:

- Cân đối thời gian học tập – làm việc và nghỉ ngơi để hạn chế căng thẳng. Làm việc quá mức với cường độ cao chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng đau đầu ở người trẻ tuổi hiện nay.
- Đảm bảo ngủ đủ 7 – 8 giờ mỗi ngày để thư giãn đầu óc và cải thiện chức năng của não bộ. Thiếu ngủ, mất ngủ khiến lưu lượng máu lên não giảm, từ đó tăng nguy cơ bị đau đầu, hoa mắt và mệt mỏi.
- Dành thời gian tập thể dục để tăng cường tuần hoàn máu, giãn cơ, cải thiện độ dẻo dai của xương khớp và giải tỏa căng thẳng. Các nghiên cứu cho thấy, hoạt động thể chất thường xuyên có thể phòng ngừa và cải thiện tình trạng đau đầu mãn tính hiệu quả.
- Chú ý các hoạt động có thể gia tăng mức độ đau đầu và chủ động tránh những hoạt động này.
- Hạn chế một số loại thực phẩm, đồ uống có thể gia tăng nguy cơ bị đau đầu như socola, trà đặc, cà phê, đồ uống chứa cồn, thức ăn chứa nhiều chất béo bão hòa và nhiều gia vị. Thay vào đó, nên uống đủ nước và tăng cường chất xơ, vitamin để cải thiện sức khỏe.
- Suy nghĩ quá nhiều cũng ảnh hưởng đến lưu lượng máu lên não và gia tăng áp lực lên hệ thần kinh trung ương. Do đó ngoài chăm sóc sức khỏe thể chất, bạn cũng cần giữ tâm trí được thư giãn, thoải mái, tránh lo âu và căng thẳng để phòng ngừa đau đầu tái phát.
Đau đầu là triệu chứng rất phổ biến và có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ngoài những nguyên nhân thường gặp, triệu chứng này cũng có thể là biểu hiện của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Chính vì vậy, bạn nên chú ý biểu hiện của cơ thể và tìm gặp bác sĩ trong trường hợp cần thiết.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!