Đau Bụng Dưới Bên Phải Là Bệnh Gì? Có Nguy Hiểm Không?
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Đau bụng dưới bên phải là tình trạng khá phổ biến, đặc biệt là ở nữ giới. Ở nhiều trường hợp tình trạng này có thể là đau nhức bình thường, tuy nhiên cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý khác nhau. Tình trạng này không chỉ gây mệt mỏi, khó chịu mà còn ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe về sau của người bệnh.
Đau bụng dưới bên phải là bệnh gì?
Theo y học, vùng bụng của con người được phân chia rõ rệt và bao gồm 9 phần sau:
- Vùng trên rốn: gồm dạ dày, tụy, đại tràng ngang, thùy gan trái.
- Vùng quanh rốn: ruột non
- Vùng dưới rốn: gồm tử cung, bàng quang
- Vùng dưới sườn phải: gồm gan, túi mật, tá tràng, thận phải
- Vùng mạn sườn phải: gồm niệu quản phải, đại tràng trên
- Hố chậu trái: gồm vòi trứng, buồng trứng, đại tràng sigma.
Chính vì vậy, việc đau bụng dưới bên phải rất có thể liên quan đến sự tổn thương của các cơ quan này. Cụ thể theo các chuyên gia khi bị đau bụng dưới bên phải có thể là do một số bệnh lý sau đây:
1. Bị đầy hơi
Rất nhiều người thường xuyên bị đầy hơi, khó tiêu, chướng bụng sẽ kèm theo tình trạng đau bụng dưới bên phải. Đây là nguyên nhân khá phổ biến thường xảy ra ở đường tiêu hóa do ăn thức ăn khó tiêu, gây quá tải cho dạ dày, khi thức ăn không được tiêu hóa hết ứ đọng lại tạo ra lượng khí lớn dẫn đến đầy hơi.
2. Bệnh viêm ruột thừa
Chắc chắn những ai bị viêm ruột thừa đều biết rất rõ về các cơn đau bụng dưới bên phải vì đây là triệu chứng rất điển hình. Ngoài ra, bệnh còn kèm theo một số triệu chứng khác như bụng sưng nhẹ, sốt nhẹ, buồn nôn (có hoặc không), đau nhức xung quanh rốn, phần trên bụng và tăng mức độ đau nhức khi dùng tay ấn vào hoặc khi ho, vận động mạnh.
Đây là bệnh lý khá nguy hiểm cần được can thiệp điều trị y tế ngay lập tức để tránh tình trạng vỡ ruột thừa, gây hại cho sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng của người bệnh.
3. Viêm đại tràng
Cơn đau xuất phát từ vùng bụng dưới bên phải rất có thể là có sự xuất hiện của các tổn thương gần manh tràng và đại tràng lên. Bệnh thường kèm theo đó là triệu chứng rối loạn tiêu hóa, nhất là mỗi khi ăn phải thức ăn lạ, dị ứng. Ngoài ra, một số trường hợp bị viêm đại tràng còn kèm theo vài triệu chứng khác như: rối loạn đại tiện, đi ngoài phân có máu, đau rát hậu môn, suy giảm trí nhớ, suy nhược, sốt, mệt mỏi, ăn ngủ kém…
Mắc bệnh viêm đại tràng cần được phát hiện sớm và can thiệp điều trị kịp thời để tránh những nguy hiểm khó lường. Điển hình như thủng đại tràng, xuất huyết hoặc thậm chí ung thư đại tràng.
4. Nhiễm khuẩn đường tiết niệu
Đường tiết niệu bị nhiễm khuẩn là tình trạng vi khuẩn tấn công xâm nhập vào niệu quản, bàng quang, niệu đạo và gây phát sinh nhiều vấn đề tại đây, điển hình là cảm giác đau bụng dưới bên phải, cơn đau nhanh chóng lan sang hai bên lưng hoặc vùng dưới háng. Một số trường hợp bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu còn kèm theo một số triệu chứng như tiểu rắt, đau rát, nước tiểu có màu đậm, mùi nồng, có cảm giác ớn lạnh, nặng hơn có thể xuất hiện máu hoặc mủ trong nước tiểu.
5. Sỏi thận
Sỏi thận là quá trình tích tụ lâu ngày của các khoáng chất, muối dư thừa trong cơ thể, tạo thành tinh thể rắn tồn tại bên trong thận gây cản trở sự hoạt động của cơ quan này. Thông thường khi sỏi còn nhỏ sẽ rất khó phát hiện vì người bệnh chưa thể cảm nhận được nhiều, tuy nhiên khi kích thước sỏi đủ lớn sẽ có những biểu hiện rất rõ ràng. Điển hình là người bệnh có thể cảm nhận được sự di chuyển của sỏi trong thận và niệu quản, cùng với đó là cơn đau nhức dữ dội vùng bụng dưới, háng, hông, lưng…
Ngoài ra còn kèm theo một số triệu chứng khác như sốt, có cảm giác ớn lạnh do nhiễm trùng, tiểu buốt, rát, nước tiểu có mùi hôi, lẫn máu khiến nước tiểu có màu đỏ hoặc hồng. Đây cũng là một trong những bệnh lý rất đáng lo ngại vì gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người bệnh, chính vì vậy cần được thăm khám và điều trị sớm.
6. Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một dạng rối loạn hệ tiêu hóa mãn tính xảy ra khá phổ biến tại ruột già. Những triệu chứng đặc trưng của bệnh như tiêu chảy, táo bón, chướng bụng, đầy hơi, dạ dày co thắt nhiều và đau nhức vùng bụng dưới…
7. Bệnh viêm ruột
Bệnh viêm ruột (IBD) là một nhóm các bệnh rối loạn tiêu hóa có khả năng làm thay đổi các mô ruột và tăng nguy cơ gây bệnh ung thư đại tràng. Các chuyên gia cho biết có hai nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm ruột là bệnh viêm loét đại tràng và bệnh Crohn. Đây đều là những bệnh lý mãn tính với triệu chứng đặc trưng là đau tức vùng bụng dưới bên phải. Bệnh lý này rất nguy hiểm nên cần được điều trị kịp thời theo phác đồ của chuyên gia để tránh các biến chứng đe dọa đến tính mạng.
8. Bị thoát vị
Theo y học, thoát vị là tình trạng các túi phình của nội tạng hoặc mô bị trồi ra, dịch chuyển lệch khỏi vị trí ban đầu. Thường thì những túi này sẽ dịch chuyển sang các vị trí kẽ hở hoặc những vùng cơ bị yếu, nhất là ở vùng bụng. Chính vì vậy mà người bệnh bị thoát vị ở bụng thường gặp phải các cơn đau bụng dưới bên phải.
9. Tắc ruột
Bị tắc đoạn ruột bên phải khiến người bệnh phải đối mặt với các cơn đau bụng dưới bên phải. Ngoài ra kèm theo đó là một số triệu chứng khác như buồn nôn, nôn ói, bên trong bụng ruột bị tăng áp tạo ra những âm thanh lớn hoặc co thắt từng cơn.
Nữ giới và nam giới bị đau bụng dưới bên phải là bệnh gì?
Về mặt giải phẫu học, vùng bụng của nam và nữ giới không giống nhau. Chính vì vậy, nguyên nhân gây ra tình trạng đau bụng dưới bên phải cũng sẽ khác nhau. Cụ thể như sau:
1. Đối với nam giới
- Thoát vị bẹn: Đây là tình trạng một phần trong cơ quan ổ bụng như ruột và mạc nối chui vào bên trong ổ bẹn tạo thành túi thoát vị. Lúc này, do vùng bẹn của nam giới có dây thừng tinh chạy ngang qua nên khiến cho vùng bụng dưới bên phải bị đau nhức dữ dội, đặc biệt là khi tập thể dục, nâng vật nặng…
- Bị xoắn tinh hoàn: Đây là tình trạng tinh hoàn tự xoay xung quang trục và quấn xoắn dây tinh hoàn gây tắc hoặc giảm lưu lượng máu đến đây, từ đó gây ra các triệu chứng như sưng đau nhức dữ dội, đặc biệt là ở vùng bụng dưới bên phải và vùng bìu. Tình trạng này cần được cấp cứu và phẫu thuật ngay để tránh gây hoại tử tinh hoàn cùng nhiều mô xung quanh.
2. Đối với nữ giới
Những cơn đau nhức vùng bụng dưới ở nữ giới thường nghiêm trọng và nguy hiểm dưới nhiều dạng như:
- Đau bụng kinh: Những cơn đau nhức vùng bụng dưới bên phải rất có thể là do bạn đang trong chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, đây là hiện tượng rất bình thường mà hầu như các chị em phụ nữ đều gặp phải và sẽ tự biến mất khi kết thúc chu kỳ kinh nguyệt.
- Mang thai ngoài tử cung: Chị em phụ nữ mắc phải tình trạng này thường phải chịu cơn đau rất dữ dội, có thể ở bên phải hoặc bên trái bụng cùng nhiều triệu chứng đi kèm khác.
- Nhiễm trùng đường sinh dục: Bệnh này có thể gây ra đau nhức vùng bụng dưới kèm theo nhiều triệu chứng khác như ngứa ngáy, đau rát bộ phận sinh dục.
- Xoắn buồng trứng: Đây là tình trạng buồng trứng hoặc ống dẫn trứng bị xoắn làm ngắt quãng việc lưu thông máu đến cơ quan này, từ đó gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, trong đó có tình trạng đau vùng bụng dưới bên phải.
- Lạc nội mạc tử cung: Tình trạng này xảy ra khi các mô phát triển bên ngoài tử cung khiến máu trong cơ thể không chảy ra ngoài mà tích tụ bên trong dẫn đến nhiễm trùng. Bệnh này gây ra rất nhiều đau đớn cho người phụ nữ, đặc biệt là đau nhức vùng bụng dưới bên phải, thậm chí gây ra vô sinh nên cần phải sớm thăm khám và điều trị.
- Mang thai ngoài tử cung: Trứng được thụ tinh thành công thường sẽ làm tổ ở tử cung, tuy nhiên trường hợp phôi thai làm tổ ở các vị trí khác như ống dẫn trứng hay vòi trứng sẽ làm thai không phát triển được cùng nhiều triệu chứng khác, trong đó có tình trạng đau bụng dưới bên phải.
- U nang buồng trứng: Đây là tình trạng buồng trứng chứa nhiều chất lỏng hay còn gọi là u nang. Hầu hết các u nang đều tự biến mất và không gây khó chịu, đau đớn, tuy nhiên một số trường hợp u nang có kích thước lớn, dễ vỡ sẽ rất nguy hiểm, kèm theo đó là một số triệu chứng như đau nhức âm ỉ, nhói buốt vùng bụng dưới bên phải, chướng bụng, đầy hơi…
- U xơ tử cung: Khi bị u xơ tử cung chị em thường có các triệu chứng nhận biết như đau dưới bên phải. Tuy nhiên các u xơ này thường lành tính và có thể hình thành ở nhiều vị trí khác nhau.
Cách điều trị đau bụng dưới bên phải
Có thể thấy đau bụng dưới bên phải là dấu hiệu của của nhiều bệnh lý khác nhau, tùy theo từng nguyên nhân cụ thể mà cách điều trị cũng sẽ khác nhau. Cụ thể như sau:
1. Điều trị y tế
- Dùng thuốc: Trường hợp đau bụng dưới bên phải nhẹ do các nguyên nhân không nghiêm trọng như chướng bụng, đầy hơi, đau bụng kinh, đau dạ dày… có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau không kê đơn thông thường. Với những người bệnh đau nhức dữ dội sẽ được cân nhắc sử dụng thuốc giảm đau dạng tiêm tĩnh mạch. Ngoài ra, các trường hợp bị đau bụng dưới bên phải có liên quan đến nhiễm trùng sẽ sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị.
- Phẫu thuật: Một số trường hợp đau bụng dưới bên phải xảy ra do các bệnh lý nguy hiểm như đau ruột thừa, sỏi thận, mang thai ngoài tử cung, u nang buồng trứng… sẽ được chỉ định phương pháp phẫu thuật thích hợp để can thiệp kịp thời phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.
2. Áp dụng các cách giảm đau tại nhà
Với những trường hợp đau bụng dưới bên phải nhẹ do liên quan đến một số cơ quan tiêu hóa như đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu hoặc đau bụng kinh… có thể áp dụng các mẹo giảm đau nhanh tại nhà nhanh chóng, giảm thiểu tác dụng phụ của thuốc. Bạn có thể tham khảo áp dụng một số cách sau đây:
- Chườm nóng: Nhiệt độ nóng sẽ hỗ trợ rất tốt trong việc kích thích quá trình lưu thông máu, làm giãn cơ giúp giảm đau nhanh chóng. Bạn có thể sử dụng túi chườm hoặc khăn ấm, chai nước ấm đều được, mỗi lần chườm khoảng 15 phút để đem lại hiệu quả giảm đau tốt nhất.
- Uống nhiều nước: Khi bị đau bụng hãy uống một ly nước ấm để giảm đau nhanh chóng. Ngoài ra, trong ngày bạn cần đảm bảo bổ sung đủ lượng nước cần thiết để đảm bảo cơ thể vận hành trơn tru, không làm suy giảm chức năng của các bộ phận.
- Nghỉ ngơi nhiều hơn: Khi cơn đau nhức bụng dưới bộc phát người bệnh cần hạn chế vận động, tốt nhất nên ngồi hoặc nằm để cơn đau thuyên giảm từ từ.
Lời khuyên dành cho người bị đau bụng dưới bên phải
Để giảm đau nhanh chóng, đúng cách và an toàn người bệnh cần ghi nhớ một số điều lưu ý sau:
- Tuyệt đối không nên tự ý uống bất kỳ loại thuốc nào khi chưa biết tác dụng của nó. Vì thuốc Tây có tác dụng phụ có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe vừa ảnh hưởng đến việc chẩn đoán và điều trị bệnh.
- Thăm khám tại bệnh viện nếu nghi ngờ có dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
- Nhằm giảm mức độ đau và phòng ngừa tái phát tốt nhất nên xây dựng chế độ sinh hoạt, ăn uống phù hợp, khoa học và lành mạnh.
- Tránh sử dụng rượu bia, các chất kích thích, nước ngọt có gas, thuốc lá, thực phẩm cứng, khó tiêu hóa, nhiều dầu mỡ…, ưu tiên thức ăn dễ tiêu như cháo, súp, rau củ, sữa ấm…
- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng, tăng cường sức khỏe, đẩy lùi các cơn đau nhức.
- Nghỉ ngơi nhiều, tránh thức khuya, căng thẳng
Tóm lại, đau bụng dưới bên phải chủ yếu liên quan đến các vấn đề về đường tiêu hóa, cơ quan sinh sản hoặc hệ bài tiết. Do đó, cần sớm phát hiện các vấn đề bất thường bằng cách thăm khám định kỳ và tích cực điều trị để nhanh khỏi cũng như phòng tránh những biến chứng nguy hiểm.
Có thể tham khảo thêm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!