Cách Chăm Sóc Người Bị Xuất Huyết Dạ Dày đúng cách
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Chủ động thực hiện các cách chăm sóc người bị xuất huyết dạ dày đúng sẽ giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi, phòng ngừa tái phát và tránh được những rủi ro không đáng có. Dưới đây là những cách chăm sóc tại nhà đơn giản bất kỳ ai cũng có thể thực hiện được.
Xuất huyết dạ dày là một trong những triệu chứng cấp tính phổ biến ở những người bị viêm loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày… Bệnh được chia làm 2 dạng cơ bản là xuất huyết tiêu hóa trên (thường xảy ra ở dạ dày, thực quản, tá tràng) và xuất huyết tiêu hóa dưới (đại tràng, trực tràng và hỗng tràng). Mức độ xuất huyết dạ dày có nghiêm trọng hay không phụ thuộc vào tình trạng dạ dày bị viêm loét, điều này có nghĩa rằng nếu vết loét càng lớn, càng rộng thì lượng máu xuất ra càng nhiều.
Tình trạng xuất huyết dạ dày sẽ được biểu hiện thông qua một số triệu chứng như nôn ói ra máu, đi ngoài phân đen, lẫn máu, suy nhược, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, da dẻ nhợt nhạt, tái xanh do bị thiếu máu… Trong một số trường hợp nghiêm trọng máu chảy ồ ạt, bệnh nhân toát mồ hôi, tay chân lạnh, khó thở…
Theo đánh giá của các chuyên gia, dù mức độ xuất huyết dạ dày nặng hay nhẹ thì bản chất của tình trạng này vẫn rất nguy hiểm, Người bệnh nên nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý cấp cứu kịp thời để ngăn ngừa biến chứng, bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho người bệnh.
Cách xử lý tại chỗ khi bị xuất huyết dạ dày
Ngay khi xuất hiện các biểu hiện xuất huyết dạ dày, người thân của bệnh nhân cần giữ bình tĩnh và thực hiện các bước sau đây:
- Bước 1: Đặt người bệnh nằm cố định một chỗ trên giường, hạn chế di chuyển hay hoạt động nhiều tránh khiến máu chảy nhiều hơn. Tốt nhất hãy để người bệnh nằm nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, đầu đặt hơi thấp và chèn gối vào phía dưới chân để thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm bớt áp lực xuống đại tràng và hạn chế tình trạng tiêu chảy. Tuyệt đối không nằm ở nơi có gió lùa hoặc quá lạnh vì bản thân người đang bị xuất huyết dạ dày sẽ bị tụt huyết áp, dễ bị lạnh tay chân. Chỉ cần nằm yên trong vòng 15 – 20 phút sẽ giúp giảm bớt mức độ tổn thương và giảm chảy máu.
- Bước 2: Tiến hành cầm máu cho người bệnh xuất huyết dạ dày bằng 2 cách đơn giản sau:
- Uống nước muối pha loãng: Đây là cách cầm máu khá hiệu quả, đồng thời còn giúp bù nước và các chất điện giải do người bệnh nôn ói hoặc tiêu chảy quá mức.
- Uống thuốc cầm máu: Một số loại thuốc cầm máu xuất huyết dạ dày phổ biến như: thuốc Posthypophyse, vitamin K 5ml, Hemocaprol 10ml…
- Bước 3: Nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất ngay sau bước sơ cứu để được hỗ trợ từ bác sĩ và các nhân viên y tế. Tại đây, người bệnh sẽ được tiến hành cấp cứu hồi sức, áp dụng các kỹ thuật phục hồi và chống sốc, truyền máu bù lại lượng máu đã mất và điều trị cầm máu bằng phương pháp phù hợp tùy theo từng nguyên nhân gây bệnh.
Hướng dẫn cách điều dưỡng và chăm sóc người bị xuất huyết dạ dày
Sau khi được cấp cứu qua cơn nguy hiểm và điều trị bảo tồn chức năng dạ dày, người bệnh cần được chăm sóc đặc biệt với các biện pháp phù hợp nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi của dạ dày, giúp người bệnh sớm lấy lại khả năng tiêu hóa như bình thường. Cụ thể như sau:
Đối với người bệnh
- Nằm yên tại chỗ, hạn chế hoạt động, đi lại nhiều, đảm bảo nơi nghỉ ngơi phải yên tĩnh, thoáng mát, nên nằm thấp đầu hoặc không dùng gối.
- Giữ tinh thần lạc quan, thoải mái và không nên lo lắng, suy nghĩ quá mức. Đây được xem là “liều thuốc” tự nhiên giúp người bệnh vượt qua đau đớn, phục hồi nhanh hơn.
- Chuẩn bị sẵn ống oxy ngay bên cạnh để sử dụng ngay khi cần thiết, tuyệt đối không được để người bệnh rơi vào trạng thái choáng váng, co giật hay hôn mê sâu.
- Sau khi nôn ói xong, người bệnh nên ăn nhẹ một ít thức ăn lỏng dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa… để bổ sung dưỡng chất và duy trì năng lượng cho cơ thể.
- Lưu ý người bệnh chỉ nên ăn vừa phải, không ăn quá no hoặc nhịn đói để tránh tình trạng suy nhược cơ thể không tốt cho quá trình hồi phục. Ăn uống chậm rãi, từ từ, không ăn vội vã hoặc vận động mạnh sau khi ăn để giúp dạ dày hồi phục nhanh hơn.
- Chườm ấm lên vết mổ để giảm đau nhức sau khi thực hiện phẫu thuật.
- Khi vết mổ đã dần hồi phục và tình trạng bệnh cũng đang tiến triển tốt người bệnh có thể đứng dậy đi lại nhẹ nhàng để thư giãn các khối cơ, thúc đẩy tuần hoàn máu, tránh nằm quá lâu một chỗ không tốt cho sức khỏe.
Đối với người chăm sóc người bệnh
Người thân của người bị xuất huyết dạ dày cần lưu ý ghi nhớ một số cách chăm sóc người bệnh như sau:
- Tuân thủ đúng theo những hướng dẫn của bác sĩ, cho người bệnh uống thuốc đúng giờ, đúng loại thuốc, đúng liều và dùng trog thời gian quy định.
- Trong thời gian đầu nên cho người bệnh đi đại tiện tại chỗ để theo dõi sát sao màu phân của người bệnh và tình trạng chảy máu trong ống thông. Đây là ống có tác dụng hút hết lượng máu đông lại trong dạ dày.
- Khi thấy tình trạng nôn ói đã thuyên giảm hãy cho người bệnh ăn uống nhẹ như bột, cháo, sữa. Nên ưu tiên các loại thực phẩm lỏng, dễ tiêu hóa để giảm thiểu kích ứng niêm mạc dạ dày.
- Đặc biệt cho người bệnh uống nhiều nước để phòng ngừa mất điện giải nguy hiểm cho sức khỏe. Trường hợp người bệnh có dấu hiệu sốc phản vệ cần phải được đưa đến bệnh viện để truyền dịch tĩnh mạch gấp.
- Sau khi dạ dày đã ổn định nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa, ưu tiên sử dụng thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật để đem lại hiệu quả tốt nhất.
- Người thân, bạn bè cần động viên tinh thần, tạo niềm vui cho người bệnh bằng cách trò chuyện cùng nhau. Điều này sẽ giúp bản thân người bệnh cởi mở hơn, giảm áp lực, lo lắng và sớm khỏe lại.
- Đưa người bệnh thăm khám định kỳ, thực hiện các xét nghiệm, chụp X – quang theo đúng yêu cầu của bác sĩ để theo dõi sát sao tình trạng bệnh, sớm phát hiện các bất thường (nếu có) và xử lý kịp thời.
Cách theo dõi tình trạng sức khỏe ở người bệnh xuất huyết dạ dày
Bên cạnh việc tuân thủ tuyệt đối những hướng dẫn chăm sóc điều trị do bác sĩ chỉ định, người nhà cũng cần phải đặc biệt theo dõi đến diễn biến sức khỏe của người bệnh để sớm phát hiện các bất thường để có biện pháp xử lý, điều trị kịp thời.
Những yếu tố cần theo dõi
- Hằng ngày người bệnh xuất huyết dạ dày cần được kiểm tra thân nhiệt, đo cân nặng, chỉ số huyết áp, đường huyết.
- Quan sát màu phân, mức độ nôn ói.
- Đo lượng nước tiểu, màu sắc nước tiểu và trạng thái khi đi tiểu.
Những yếu tố này là cơ sở dữ liệu rất quan trọng mà bạn cần phải thông báo cho bác sĩ để dễ dàng theo sát, phát hiện các bất thường về sức khỏe và có hướng điều trị kịp thời.
Các dấu hiệu cho thấy người bệnh đang phục hồi tốt
- Các chỉ số cân nặng, huyết áp, đường huyết và nhiệt độ cơ thể luôn duy trì ở mức ổn định.
- Màu sắc và tính chất của phân trở lại bình thường, không còn nôn ói nhiều như ban đầu nữa.
- Tinh thần người bệnh phấn chấn, thoải mái, suy nghĩ lạc quan và tích cực hơn.
- Người bệnh ăn ngon, ngủ ngon, khỏe mạnh và đi lại dễ dàng.
Đây là những dấu hiệu cho thấy mức độ bệnh đã thuyên giảm không ít sau một thời gian điều trị và chăm sóc. Khuyến khích nên duy trì cách chăm sóc này, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt phù hợp để phòng ngừa tái phát lâu dài.
Chế độ dinh dưỡng dành cho người xuất huyết dạ dày
Một chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh sẽ giúp quá trình phục hồi sau xuất huyết dạ dày nhanh chóng và hiệu quả hơn. Cụ thể như sau:
1. Nguyên tắc dinh dưỡng đối với người xuất huyết dạ dày
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, khi mắc bất kỳ căn bệnh nào thì chế độ dinh dưỡng luôn là yếu tố góp phần quan trọng vào quá trình điều trị và phục hồi. Đối với người xuất huyết dạ dày cũng vậy, cần tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc ăn uống sau đây:
- Đảm bảo bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể với mức phù hợp. Bổ sung từ đa dạng các nguồn thực phẩm, không dùng một loại quá nhiều để cân bằng hàm lượng. Tránh sử dụng các loại thực phẩm gây kích thích, khiến lớp niêm mạc dạ dày bị tổn thương nặng.
- Ưu tiên những món ăn được chế biến dưới dạng mềm, lỏng, dễ tiêu hóa như canh, súp, cháo, món hầm, luộc, hấp chín nhừ… Các món này không chỉ tốt cho dạ dày, giảm áp lực mà còn giàu dưỡng chất tốt cho sức khỏe, hỗ trợ quá trình phục hồi diễn ra nhanh hơn.
- Ăn đúng giờ, đủ bữa, tuyệt đối không được bỏ bữa, nhịn đói. Không nên ăn quá no cùng một lúc, thay vào đó là chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, ăn nhiều lần mỗi lần ăn một ít với các loại thực phẩm tốt. Tập thói quen ăn chậm – nhai kỹ tốt cho dạ dày trong điều trị và kể cả sau khi đã khỏi bệnh.
- Sau khi ăn xong không nên nằm ngay, tốt nhất nên đi dạo vài vòng để hỗ trợ kích thích quá trình tiêu hóa, tránh các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản, ợ chua, đau thượng vị, ợ hơi, buồn nôn do đầy bụng, khó tiêu…
2. Người bệnh xuất huyết dạ dày nên ăn gì, kiêng gì?
Để hỗ trợ tốt nhất cho quá trình điều trị và phục hồi ở người xuất huyết dạ dày, người bệnh cần lưu ý kỹ một số loại thực phẩm nên ăn và không nên ăn trong giai đoạn này:
Thực phẩm nên ăn
- Thực phẩm giúp bảo vệ lớp niêm mạc dạ dày như cháo, cơm, khoai lang, bánh mì, các món được chế biến từ gạo nếp, bột sắn…
- Thực phẩm giúp ức chế giảm tiết acid dịch vị tiêu hóa như các loại rau xanh, thịt gà nạc không da, dầu oliu, mật ong, bánh quy, đường…
- Thực phẩm có khả năng trung hòa acid dạ dày như sữa ấm, trứng luộc…
- Thực phẩm ít xơ sợi như rau quả, củ non…
- Các loại thực phẩm có lợi giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột như sữa chua, thức uống lên men dạng nước hoặc bột sẽ tốt hơn dạng viên…
Thực phẩm không nên ăn
- Các loại thức ăn khó tiêu, chiên xào nhiều dầu mỡ, nhất là dầu mỡ gốc động vật, thức ăn cứng, khô, các loại rau xanh đã già chứa nhiều chất xơ…
- Những món ăn chế biến đậm vị quá ngọt hoặc quá mặn, nêm nếm nhiều gia vị, tức ăn quá nóng, quá lạnh, thức ăn cay nóng, đồ ăn muối chua, chế biến sẵn, đóng hộp chứa chất bảo quản… cũng là những loại thực phẩm mà người bệnh xuất huyết dạ dày cần kiêng.
- Thực phẩm chế biến sống, tái, bị nhiễm khuẩn, thức ăn để qua đêm, ôi thiu mốc hỏng…
- Các chất kích thích, đồ uống có cồn như rượu bia, thuốc lá, cà phê, nước trà đậm đặc, nước ngọt có gas…
Hướng dẫn các cách phòng ngừa tái phát xuất huyết dạ dày
Quá trình điều trị và chăm sóc xuất huyết dạ dày không hề đơn giản, phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Vì vậy, nếu sau khi đã khỏi hẳn mà người bệnh vẫn tiếp tục duy trì những thói quen xấu trong ăn uống, sinh hoạt thì bệnh vẫn sẽ có nguy cơ tái phát trở lại bất kỳ lúc nào. Do đó, để phòng ngừa xuất huyết dạ dày người bệnh cần chủ động thực hiện một số biện pháp sau:
- Sau khi đã khỏi bệnh nên tránh tiếp tục sử dụng các loại thuốc Tây. Nhiều người nghĩ rằng duy trì dùng thuốc sẽ giúp giảm nguy cơ tái phát nhưng thực tế thì việc lạm dụng thuốc trong thời gian dài sẽ khiến lớp niêm mạc dạ dày dần bị bào mòn, mỏng hơn và bùng phát các triệu chứng xuất huyết.
- Thiết lập bảng thời gian biểu sinh hoạt trong ngày, trong tuần hoặc trong tháng và tuân thủ tuyệt đối lịch trình này. Chẳng hạn như ngủ đúng giờ, đúng giấc, ngủ trước 22h giờ và ngủ đủ 8 tiếng, không thức khuya, không làm việc quá sức, nghỉ ngơi nhiều hơn. Đây là cách tốt nhất để giúp dạ dày có thời gian nghỉ ngơi, phục hồi sau một ngày làm hoạt động năng suất.
- Duy trì trạng thái tinh thần vui vẻ, suy nghĩ tích cực, tránh để bản thân rơi vào tình trạng stress, căng thẳng kéo dài. Vì đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm kích thích sản sinh acid dạ dày quá mức, không tốt cho người vừa khỏi bệnh xuất huyết dạ dày.
- Thường xuyên vận động, rèn luyện thể dục thể thao để tăng cường sức đề kháng chống lại bệnh tật, thúc đẩy tuần hoàn máu và giúp cơ thể luôn dẻo dai, khỏe mạnh. Đối với người có tiền sử bị xuất huyết dạ dày nên ưu tiên những bộ môn nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, yoga,… Chú ý tránh tập luyện quá sức, chỉ cần 20 – 30 phút mỗi ngày là đủ.
- Chủ động tái khám thường xuyên để thực hiện các biện pháp tầm soát sớm phát hiện các bất thường và có hướng điều trị kịp thời.
Trên đây là thông tin cơ bản về các cách chăm sóc người bệnh xuất huyết dạ dày. Hy vọng những kiến thức này sẽ giúp ích cho quá trình điều trị, chăm sóc phục hồi cho bạn hoặc người thân của bạn tốt nhất. Thời gian chăm sóc nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào ý thức của bản thân người bệnh. Vì vậy, hãy chủ động tuân thủ các chỉ định để sớm lấy lại chức năng tiêu hóa khỏe mạnh bình thường.
Có thể bạn quan tâm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!