Bệnh Vảy Nến Ở Móng Tay: Triệu Chứng, Chẩn Đoán, Điều Trị

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Bệnh vảy nến ở móng tay gây sưng tấy, dày sừng,…kèm theo các cơn đau nhức khó chịu ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động cầm nắm và công việc của người bệnh. Do đó, khi nhận thấy móng tay có biểu hiện bất thường, bạn nên tìm hiểu nguyên nhân và có hướng xử lý sớm. Tránh trường hợp vảy nến móng tay nặng nề, tăng nguy cơ nhiễm nấm, nhiễm khuẩn gây biến chứng.
Bệnh vảy nến ở móng tay là gì?
Bệnh vảy nến là một trong những chứng bệnh da liễu dai dẳng, cho đến nay vẫn chưa có biện pháp điều trị dứt điểm. Bất kỳ vùng da nào trên cơ thể cũng có thể gặp phải tình trạng này. Khi đó, vùng da mắc bệnh sẽ trở nên đỏ, khô, sưng tấy và bắt đầu bong tróc. Tùy từng trường hợp mà các triệu chứng sẽ có điểm tương đồng hoặc khác nhau.

Bệnh vảy nến ở móng tay cũng là một trong các dạng vảy nến xuất hiện phổ biến. Người bệnh sẽ nhận thấy móng tay có biểu hiện bất thường như dày, vỡ hoặc tách móng. Điều này khiến móng bị biến đổi về kích thước cũng như hình dạng. Qua quan sát, vảy nến móng tay thường xuất hiện thứ phát sau vảy nến da cơ thể.
Việc móng tay bị vảy nến kéo dài có thể gây ra các hệ lụy cho sức khỏe, công việc của người bệnh. Chính vì thế, bạn nên chủ động thăm khám và xử lý sớm để tránh tình trạng viêm nhiễm trở nên nghiêm trọng, nhất là khiến nguy cơ nhiễm nấm, nhiễm khuẩn tăng cao, dễ gây biến chứng, thậm chí dẫn đến mất móng.
Triệu chứng của bệnh vảy nến ở móng tay
Tùy mức độ tổn thương trên móng tay do bệnh vảy nến gây ra mà người bệnh sẽ có các triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Tuy nhiên đa số triệu chứng của bệnh vảy nến ở móng tay có thể nhận diện bằng mắt thường. Bạn có thể dựa vào một vài dấu hiệu như:
- Bề mặt móng sần sùi, rỗ: Một trong những thành phần cấu tạo nên móng tay, móng chân là các tế bào keratin. Khi chúng bị tấn công, tiêu diệt sẽ khiến bề mặt móng không còn trơn láng như bình thường. Lúc này, nhiều nốt rỗ bắt đầu xuất hiện, số lượng có thể nhiều hoặc ít, độ nông sâu khác nhau khiến bề mặt móng tay, chân sần sùi.
- Bong, tách móng: Bạn có thể quan sát phần giường móng (mô mềm dưới đĩa móng) khi bị vảy nến sẽ tách rời với móng tay, làm xuất hiện một khoảng trống lớn. Bình thường phần giường móng là nơi chứa mạch máu, nhờ vậy móng tay sẽ có màu hồng. Tuy nhiên do ảnh hưởng của bệnh vảy nến, phần móng không chỉ rỗ bề mặt mà còn mất đi màu sắc bình thường. Sự tách móng này là cơ hội cho vi khuẩn, nấm tân công sâu vào bên trong, gây nhiễm trùng tay, chân.
- Biến dạng móng: Nguy cơ biến dạng móng tay có thể xảy ra dưới tác động quá lớn của tình trạng suy yếu cấu trúc tế bào khi bị vảy nến. Móng có thể bị vỡ, thay đổi kích thước và hình dáng. Bề mặt móng hiện lên các lằn rãnh bất thường, lỗ rỗ, mảnh vỡ máu màu trắng, tích tụ dưới móng tay,…khiến người bệnh bị đau nhức dữ dội.
- Biến đổi màu sắc móng: Như đã đề cập, việc móng tay bị tách ra khiến bề mặt móng không còn hồng hào như bình thường. Ngoài ra, móng có thể chuyển sang màu xanh, vàng, thậm chí là nâu đen. Trường hợp bị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm, móng tay có thể trở nên tối sẫm, xuất hiện đốm đỏ hoặc trắng,…
Có khoảng 1/3 trường hợp vảy nến móng bị nhiễm nấm. Điều này khiến các tế bào da dưới móng tay tăng sinh quá mức, da dày sừng kéo theo đau nhức khó chịu. Ngoài ra một số trường hợp còn bị xuất huyết dưới móng tay gây ra không ít bất tiện trong sinh hoạt đời sống và công việc của người bệnh.

Tình trạng vảy nến ở móng tay sẽ diễn tiến theo các giai đoạn cụ thể như sau:
- Giai đoạn khởi phát: Móng tay bắt đầu có hiện tượng thay đổi màu sắc, từ trắng hồng chuyển sang vàng hoặc vàng nhạt. Ngoài ra, trên bề mặt móng hình thành một vài đốm trắng đục bất thường.
- Giai đoạn 2: Đường kẻ sọc, một vài đốm nhỏ xuất hiện trên bề mặt móng tay, chân. Một số vùng da dưới móng bị dày sừng do tế bào tăng sinh đột ngột, điều này kéo theo sự lỏng lẻo trong xấu trúc móng khiến móng tay dễ bong tróc,
- Giai đoạn 3: Nếu không xử lý, móng bắt đầu tiến vào giai đoạn bị bào mòn, vỡ vụn, dễ gãy và xuất hiện nhiều đốm màu nâu đen. Đồng thời, giai đoạn này cũng là thời điểm nấm, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập khiến tình trạng viêm nhiễm trở nên nghiêm trọng hơn.
- Giai đoạn 4: Lúc này các tế bào móng đã phát triển vượt mức khiến móng tay bị đẩy cao lên trên, bắt đầu bong ra khỏi cấu trúc da. Người bệnh sẽ bị đau đớn, sưng nóng và ngứa ngáy khó chịu ở giai đoạn này.
Nguyên nhân gây bệnh vảy nến ở móng tay
Nguyên nhân nào gây bệnh vảy nến ở móng tay? Theo cơ chế bệnh sinh, vảy nến hình thành dưới tác động của các yếu tố di truyền, rối loạn tự miễn hoặc các tổn thương cơ học khác. Trường hợp vảy nến ở móng tay cũng tương tự. Mặc dù cho đến hiện nay chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh, tuy nhiên các nhà khoa học đã chỉ ra các yếu tố chính làm phát sinh bệnh vảy nến ở móng tay là do:

- Di truyền: Nếu bố hoặc mẹ có người mắc vảy nến thì khả năng con sinh ra cũng mang gen bệnh từ bố, mẹ. Đặc biệt tỷ lệ càng cao khi cả hai người đều mắc phải chứng bệnh này.
- Rối loạn miễn dịch: Các tế bào miễn dịch nhầm lẫn các tế bào bình thường là dị nguyên dẫn đến tình trạng tấn công lẫn nhau. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý da liễu, trong đó có chứng vảy nến ở móng tay. Da trở nên dày sừng do tế bào chết đi nằm xếp chồng lên nhau, điều này khiến móng dễ bong tách khỏi da, tạo nguy cơ viêm nhiễm.
- Các yếu tố thúc đẩy: Ngoài hai vấn đề kể trên, vảy nến ở móng còn có thể bùng phát khi gặp các xúc tác như stress, rối loạn nội tiết tố, rối loạn chuyển hóa da, tác dụng phụ của thuốc, lạm dụng rượu bia, ảnh hưởng khi thời tiết thay đổi đột ngột,…
Để phòng tránh các rủi ro không đáng có, bạn nên chủ động thăm khám nếu nhận thấy móng tay, chân bắt đầu xuất hiện các triệu chứng bất thường. Sớm can thiệp điều trị giúp bảo vệ móng, tránh biến chứng hoặc viêm nhiễm nặng nề hơn ảnh hưởng đến sức khỏe và công việc.
Bệnh vảy nến ở móng tay nguy hiểm như thế nào?
Như đã đề cập, tình trạng bệnh vảy nến ở móng tay nếu không được kiểm soát, phát triển ngày càng nặng hơn có thể gây ra nhiều vấn đề ảnh hưởng đến công việc và sức khỏe. Mặc dù được đánh giá là bệnh da liễu lành tính, tuy nhiên cho đến nay chưa có biện pháp điều trị dứt điểm. Khi gặp điều kiện thuận lợi, vảy nến có khả năng tái đi tái lại dai dẳng.

Một số trường hợp vảy nến móng tay kéo dài, nền móng nứt nẻ, chảy máu có thể tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Nếu không sớm điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như:
- Vảy nến làm nứt móng khiến nấm men có điều kiện tấn công sâu vào bên trong. Không chỉ gây ngứa, móng còn bị hư hại, biến dạng nặng, dễ gãy ngay cả khi bị tác động lực nhẹ.
- Ngoài ra, trường hợp móng bị nhiễm khuẩn có thể kéo theo hiện tượng sưng viêm, đau nhức vô cùng khó chịu.
- Mất móng là hệ lụy nặng nề mà vảy nến ở móng tay gây ra.
Vảy nến móng hay vảy nến da đều gây ra không ít ảnh hưởng cho người bệnh, nhất là tính thẩm mỹ khiến nhiều người tự ti khi giao tiếp với người xung quanh. Ảnh hưởng tâm lý kèm theo vảy nến là tình trạng thường gặp, người bệnh thường trải qua một số rối loạn về tinh thần khi vảy nến kéo dài không khỏi. Đặc biệt một khi biến chứng mất móng, công việc, sinh hoạt cũng trở nên khó khăn khiến người bệnh đối mặt với nhiều vấn đề liên quan khác.
Chẩn đoán bệnh vảy nến ở móng tay
Bệnh vảy nến ở móng tay có các triệu chứng dễ bị nhầm lẫn với chứng nấm móng. Do đó, nhiều người đã áp dụng phương pháp điều trị không phù hợp khiến tình trạng vảy nến trở nặng nhanh chóng hơn. Do đó, trước khi can thiệp điều trị, bạn phải phân biệt hai tình trạng này. Dưới đây là các đặc điểm nhận diện cơ bản:

- Ngoài những điểm có màu vàng xuất hiện ở đầu ngón tay, tình trạng nấm móng còn kèm theo mùi hôi khó chịu, móng tay dễ gãy. Trong khi đó, vảy nến móng sẽ không có mùi hôi, cấu trúc rời rạt và sau một khoảng thời gian móng mới tách rời hoặc rụng.
- So với vảy nến thì nấm móng sẽ ít gây đau đơn hơn, tuy nhiên lại khiến người bệnh ngứa ngáy khó chịu ở đầu ngón tay.
- Nấm móng thường phổ biến ở người già, người bị đổ mồ hôi tay,…Vảy nến có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, không phân biệt giới tính.
Khi thăm khám, bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng lâm sàng để nhận diện bệnh da liễu bạn đang gặp phải. Một vài xét nghiệm cần thiết sẽ được tiến hành nhằm chẩn đoán chính xác hơn về mức độ, nguy cơ và đưa ra hướng điều trị phù hợp dựa trên kết quả thu được.
Phương pháp điều trị bệnh vảy nến ở móng tay
Tổn thương ở móng tay do vảy nến gây ra ảnh hưởng đến hoạt động cầm nắm khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt đời sống và công việc. Không những thế, cơn đau nhức còn gây hại cho giấc ngủ, tâm lý khiến người bệnh phát sinh thêm các vấn đề sức khỏe khác.
Do đó, việc điều trị kiểm soát bệnh vảy nến ở móng tay nên tiến hành kịp thời và đúng phương pháp. Hiện nay, các hướng điều trị được áp dụng có thể kể đến như:
Điều trị vảy nến móng bằng thảo dược
Sử dụng thảo dược thiên nhiên điều trị bệnh vảy nến là cách thức được nhiều người truyền tai nhau. Tuy nhiên liệu pháp này chỉ thích hợp cho đối tượng bị vảy nến nhẹ. Trường hợp vảy nến móng tay đã có dấu hiệu biến chứng, viêm nhiễm nấm men cần can thiệp điều trị chuyên sâu. Nếu tình trạng của bạn mới khởi phát có thể tham khảo một số mẹo kiểm soát vảy nến đơn giản sau:

Dùng lá trầu không: Trong lá trầu không chứa các thành phần chống viêm, sát khuẩn mạnh mẽ. Bạn có thể tận dụng loại thảo dược này để nấu nước ngâm rửa tay giúp ức chế hoạt động của hại khuẩn, tránh viêm nhiễm. Đồng thời giảm triệu chứng vảy nến móng tại nhà mà không lo gặp tác dụng phụ. Cách làm:
- Sử dụng một nắm lá trầu không tươi, ngâm với nước muối pha loãng một vài phút rồi rửa lại với nước sạch nhiều lần.
- Sau đó cho lá trầu không vào nồi nấu với lượng nước vừa đủ.
- Đun sôi 5 – 10 phút tắt bếp đổ ra thau, để nước nguội còn âm ấm thì tiến hành ngâm và rửa tay.
- Chú ý không nên chà xát đầu ngón tay khiến tổn thương, trầy xước móng, chỉ nên thực hiện nhẹ nhàng.
- Sau vài phút thì rửa tay lại với nước sạch và thấm khô bằng khăn mềm.
Dùng nha đam: Nha đam có tính mát, chứa nhiều vitamin, khoáng chất tốt cho làn da. Dùng nha đam chữa vảy nến ở móng tay tình trạng nhẹ, các dưỡng chất thẩm thấu xoa dịu cơn khó chịu, giảm dày sừng da, giúp da tay mềm mại hơn. Cách làm:
- Sử dụng 1 lá nha đam tươi, rửa sạch, bỏ vỏ xanh.
- Cạo lấy phần gel nha đam, sau đó đắp lên khu vực da tay đang bị vảy nến (lưu ý vệ sinh tay trước khi đắp).
- Sau 30 phút rửa lại với nước sạch, áp dụng hàng ngày đẩy nhanh hiệu quả điều trị vảy nến.
Ngoài hai nguyên liệu kể trên, bạn có thể dùng mật ong, muối epsom, bột yến mạch, lá lốt,…để chữa bệnh vảy nến ở móng tay tại nhà. Tuy nhiên vì là mẹo dân gian nên hiệu quả chậm hơn tân dược, chỉ phù hợp cho tình trạng vảy nến nhẹ, đòi hỏi người bệnh kiên trì để đạt hiệu quả tốt nhất.
Chữa vảy nến móng tay bằng thuốc Đông y
Sử dụng thuốc Đông y chữa bệnh vảy nến móng tay là một trong những phương án được nhiều người lựa chọn. Bởi thuốc thường lành tính do có nguồn gốc từ thiên nhiên, ít gây tác dụng phụ và đặc biệt có thể sử dụng trong thời gian dài, phòng ngừa vảy nến tái phát.

Không chỉ kiểm soát triệu chứng vảy nến, thuốc Đông y còn hỗ trợ bồi bổ, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Tùy từng tình trạng vảy nến cụ thể, thầy thuốc sẽ bốc thang thuốc với dược vị phù hợp. Bạn nên lựa chọn cơ sở thăm khám uy tín để điều trị, dưới đây các thang thuốc tham khảo:
- Trị vảy nến móng thể phong huyết nhiệt: Thuốc gồm 20g ké đầu ngựa, 40g mỗi vị thổ phục linh, thạch cao, 12g mỗi vị địa phu tử, thăng ma, từ thảo. Sắc lấy nước thuốc uống mỗi ngày 3 lần.
- Trị vảy nến móng thể phong huyết táo: Thuốc gồm các vị như hà thủ ô, ké đầu ngựa, mè đen, huyền sâm, sinh địa mỗi vị 12g. Cho vào nồi sắc kỹ, chia thuốc thành 3 lần uống trong ngày.
Trong quá trình dùng thuốc Đông y, người bệnh nên kết hợp điều chỉnh các thói quen gây hại cho sức khỏe để góp phần đẩy nhanh hiệu quả điều trị. Đồng thời không tự ý kết hợp nhiều vị thuốc, loại thuốc khác nhau khi chưa được hướng dẫn, nhằm phòng tránh tình trạng tương tác thuốc gây hại.
Điều trị vảy nến móng bằng Tây y
Sử dụng thuốc Tây và can thiệp các liệu pháp trị liệu tiên tiến là hướng điều trị cho trường hợp vảy nến ở móng tay phức tạp. Tuy nhiên do dược tính mạnh của thuốc nên khi sử dụng bạn cần thận trọng về liều lượng. Hiện nay có các thuốc như:
Dùng thuốc bôi, uống hoặc tiêm để đẩy lùi bệnh vảy nến móng tay
- Thuốc bôi: Thuốc có các dạng gel, thuốc mỡ, kem. Tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định loại phù hợp. Việc thoa thuốc trực tiếp vào khu vực vảy nến giúp điều trị tại chỗ, chống viêm, giảm ngứa và kích thích tăng sinh tế bào. Một số loại thuốc bôi thường dùng là thuốc nhóm corticoid, calcipotriol,…
- Thuốc uống: Thuốc được sản xuất ở dạng viên nang, viên nén hoặc con nhộng. Khi đi vào cơ thể, thuốc giúp tăng tốc độ chuyển hóa, ổn định hoạt động hệ thống miễn dịch, giúp giảm ngứa và các triệu chứng khác của bệnh vảy nến. Một số dạng thường dùng như methotrexate, cyclosporine, corticoid,….
- Thuốc tiêm: Thuốc được dùng tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch, tác dụng điều trị tình trạng vảy nến nặng hoặc các bệnh nhân không đáp ứng điều trị bằng thuốc bôi, thuốc uống. Cơ chế hoạt động của thuốc dạng tiêm tương tự như một chất trung gian giúp ổn định miễn dịch, giảm tổn thương tại móng tay. Thường dùng thuốc sinh học, thuốc corticoid trị vảy nến dạng tiêm,…
Bên cạnh dùng thuốc Tây, một số trường hợp da khó phục hồi người bệnh có thể được bác sĩ tư vấn thực hiện trị liệu ngoại khoa. Hiện nay phương pháp quang hóa trị vảy nến được đưa vào sử dụng rộng rãi. Bác sĩ sẽ sử dụng tia laser nhân tạo soi da và loại bỏ tế bào bệnh, ức chế phản ứng viêm và giúp tổn thương phục hồi nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Chăm sóc phòng ngừa bệnh vảy nến ở móng tay tái phát
Bệnh vảy nến ở móng tay xuất hiện và gây ra không ít ảnh hưởng trong sinh hoạt và sức khỏe của người bệnh. Do đó, việc chủ động điều trị là cách phòng chống rủi ro được chuyên gia khuyến khích thực hiện. Ngoài ra, để góp phần tăng hiệu quả cũng như đảm bảo an toàn trong quá trình điều trị, phòng ngừa tái phát, bạn đọc nên lưu ý các vấn đề như:

- Giữ vệ sinh móng tay, khi làm việc có thể đeo găng tay để hạn chế để da tiếp xúc với hóa chất độc hại hoặc khiến vi khuẩn, nấm xâm nhập.
- Lựa chọn sản phẩm làm sạch và chăm sóc da nhẹ dịu, ưu tiên chọn loại có chiết xuất từ thiên nhiên.
- Tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu chăm sóc điều trị tại nhà nên thường xuyên theo dõi, đồng thời bảo vệ da trước các tác nhân gây hại.
- Tránh sơn móng tay hoặc để móng tiếp xúc với các loại hóa chất gây kích ứng khiến nguy cơ viêm nhiễm tăng cao.
- Kết hợp duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi. Đồng thời cắt giảm thực phẩm có khả năng dị ứng như thịt bò, hải sản, đậu nành,….trong quá trình điều trị. Không ăn đồ ăn chế biến nhiều dầu mỡ, không nên uống rượu bia, hút thuốc lá,…
- Xây dựng thói quen sống lành mạnh, ngủ đủ giấc, luyện tập thể thao để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
- Thăm khám y tế ngay khi tình trạng móng tay có dấu hiệu chuyển nặng để phòng tránh các rủi ro không mong muốn.
Bệnh vảy nến ở móng tay là vấn đề khiến nhiều người lo ngại. Bởi, tổn thương tại khu vực này gây ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt, ảnh hưởng công việc của nhiều người. Do đó, khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, bạn nên tìm nguyên nhân, áp dụng phương pháp điều trị phù hợp theo hướng dẫn của người có chuyên môn.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!