Bệnh Chàm Sữa Có Chữa Khỏi Được Không? Giải Đáp

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Chàm sữa là một trong những bệnh lý da liễu với những tổn thương trên làn da của trẻ. Bệnh thường dai dẳng và dễ tái phát vào bất kỳ thời điểm nào. Đặc trưng của bệnh là các đốm mẩn đỏ ngứa ngáy khiến trẻ khó chịu và làm nhiều bậc phụ huynh lo lắng không biết bệnh chàm sữa có chữa khỏi không và chữa bằng cách nào là hiệu quả, an toàn. Mời tìm hiểu câu trả lời trong bài viết dưới đây.
Như thế nào là bệnh chàm sữa?
Chàm sữa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hay còn được gọi là lác sữa thường xuất hiện phổ biến ở trẻ sơ sinh từ 2 tháng tuổi – 2 tuổi. Một số dấu hiệu đặc trưng của bệnh chàm thường xuất hiện trên mặt của bé, đối xứng hai bên má, điển hình như nổi các đốm hồng ban, da ửng đỏ, nổi mụn nước li ti, tiết dịch, ngứa ngáy, bong tróc vảy…

Theo thông tin từ các chuyên gia da liễu, nguyên nhân gây ra bệnh chàm sữa rất phức tạp và cho đến hiện nay vẫn chưa có một nghiên cứu nào xác định rõ ràng vấn đề này. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là sự khởi phát của bệnh chàm sữa có liên quan mật thiết đến yếu tố cơ địa như di truyền hoặc trẻ có cơ địa làn da nhạy cảm và một số tác nhân dị ứng từ môi trường như dị ứng thời tiết, dị ứng thức ăn, trẻ tiếp xúc với các chất dị nguyên, môi trường ô nhiễm…
Thường thì sau 2 tuổi, những triệu chứng sẽ tự thuyên giảm và biến mất nếu có sự can thiệp chăm sóc và điều trị của bố mẹ. Ngược lại, nếu những triệu chứng bệnh chàm sữa không được điều trị và xử lý kịp thời sẽ gây ra những tổn thương lâu dài trên làn da của trẻ, nặng nhất đó là gây bội nhiễm và nhiễm trùng.
Cũng tương tự như nhiều bệnh lý da liễu khác như viêm da cơ địa, viêm da dị ứng, viêm da tiếp xúc… bệnh chàm sữa không có khả năng lây truyền trực tiếp từ người sang người hay gián tiếp thông qua việc dùng chung các loại đồ đạc cá nhân. Do đó, việc cách ly trẻ bị chàm sữa khỏi những thành viên khác trong gia đình là điều không cần thiết.
Bệnh chàm sữa có chữa khỏi không?
Theo các chuyên gia da liễu hàng đầu, do nguyên nhân gây ra bệnh chàm sữa xuất phát chủ yếu từ yếu tố cơ địa và các tác nhân dị ứng, từ đó gây ra những triệu chứng ngoài da, chúng thường xuất hiện trong một thời gian ngắn và có thể biến mất sau một thời gian khi trẻ lớn lên, sức đề kháng đã ổn định kết hợp với việc được bố mẹ chăm sóc đúng cách.
Tuy nhiên, do bệnh xuất phát từ cơ địa nhạy cảm của trẻ nên rất dai dẳng, dễ dàng tái phát bất kỳ lúc nào nếu gặp tác nhân dị ứng. Vì vậy, hầu hết các trường hợp trẻ mắc bệnh này rất khó để điều trị dứt điểm hoàn toàn. Điển hình như khi trẻ 2 tuổi bệnh có thể hết hoàn toàn nhưng đến một thời điểm trẻ mọc răng hay dậy thì, các triệu chứng bệnh sẽ tái phát dưới dạng viêm da cơ địa, viêm da dị ứng hay viêm da tiếp xúc…
Mất bao lâu để trị khỏi các triệu chứng bệnh chàm sữa
Để giúp trẻ nhanh chóng lấy lại sức khỏe và sự phát triển như bình thường, bố mẹ cần nắm rõ các mốc diễn tiến của bệnh. Thường thì chàm sữa sẽ diễn tiến qua 5 giai đoạn kéo dài từ 7 – 10 ngày. Cụ thể như sau:

- Giai đoạn 1 – Sưng đỏ: Trong vòng 1 – 2 ngày đầu tiên khi khởi phát triệu chứng bệnh, trên làn da của trẻ xuất hiện các đốm mẩn đỏ, bề mặt da ửng đỏ từng mảng.
- Giai đoạn 2 – Nổi mụn nước: Xuất hiện các đốm mụn nước nhỏ li ti, có chứa dịch mủ bên trong và mọc chi chít, san sát nhau trên bề mặt da. Lúc này, những đốm mụn nước thường tồn tại từ 1 – 2 ngày sẽ tự vỡ ra. Bố mẹ cần giữ cho trẻ không cào gãi mạnh để tránh gây vỡ mụn.
- Giai đoạn 3 – Vỡ mụn nước: Khi các đốm mụn nước bị vỡ, chảy dịch mủ tại thành vết thương hở và gây ra nhiễm trùng. Đây cũng là giai đoạn dễ chuyển sang chàm bội nhiễm nhất. Nếu được xử lý chăm sóc đúng cách thì chỉ 1 – 2 ngày sau vùng da chàm sẽ khô lại và tạo thành những mảng da nhẵn.
- Giai đoạn 4 – Da nhẵn: Dịch mủ chảy ra hết sẽ dần khô lại, bong tróc vảy và kéo da non nhẵn bóng. Nếu được chăm sóc kỹ lưỡng, tình trạng này sẽ khỏi hẳn sau 3 ngày. Ngược lại, nếu lơ là chủ quan giai đoạn này sẽ rất dễ nứt nẻ, căng rát do còn non mỏng.
- Giai đoạn 5 – Bong vảy da: Lớp da non bong ra thành từng mảng hoặc tróc vảy tạo thành vết chàm sữa khô. Da từ từ mọc dày lên, trong vài trường hợp có thể để lại sẹo gây mất thẩm mỹ dho làn da của trẻ.
Lưu ý: Với những trường hợp bé bị chàm sữa ở mặt hay cổ, lưng… bình thường sẽ nhanh chóng khỏi trong khoảng 7 – 10 ngày chăm sóc. Nhưng nếu có dấu hiệu bị bội nhiễm, nhiễm khuẩn khiến da tổn thương nặng nề thì thời gian điều trị sẽ lâu hơn, từ 2 – 3 tuần, thậm chí kéo dài dai dẳng không hết hoàn toàn. Lúc này, bố mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đi khám để được điều trị đúng cách.
Biện pháp chữa trị chàm sữa cho bé hiệu quả
Có thể thấy, bệnh chàm sữa không phải là căn bệnh nguy hiểm, tuy nhiên nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng và biến chứng cho làn da của trẻ, điển hình là da nhiễm khuẩn khó chữa, để lại sẹo thâm vĩnh viễn. Do đó, các bậc phụ huynh cần chú ý thực hiện các biện pháp sau đây để giúp trẻ nhanh khỏi bệnh chàm và phòng ngừa tái phát hiệu quả.
1. Tránh để trẻ tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng
Có rất nhiều tác nhân gây dị ứng xung quanh trẻ từ thời tiết thay đổi, hanh khô, nhiệt độ thấp…; thức ăn dị ứng như hải sản, thịt bò, trứng, sữa…; môi trường ô nhiễm như khói bụi, hóa chất độc hại, nguồn nước bẩn… Đây đều là những tác nhân dị ứng khi tiếp xúc với làn da bị chàm sữa của trẻ sẽ làm tăng mức độ tổn thương.
Vì vậy, để hỗ trợ điều trị và chủ động phòng ngừa tái phát bệnh, bố mẹ cần bảo vệ trẻ khỏi những tác nhân gây dị ứng vừa kể trên.
2. Không để trẻ cào gãi hay chà xát mạnh lên vết chàm sữa
Chàm sữa là căn bệnh với triệu chứng đặc trưng là nổi mẩn đỏ và ngứa ngáy dữ dội, sự khó chịu trên da khiến trẻ có hành động đưa tay lên cào gãi để bớt ngứa. Tuy nhiên, hành động này không chỉ không làm giảm thiểu cơn ngứa mà còn làm tăng nguy cơ da bị nhiễm khuẩn do sự xâm nhập của các loại vi khuẩn, nấm men từ tay khiến bệnh càng khó điều trị hơn.

Để khắc phục tình trạng này, bố mẹ cần lưu ý cắt ngắn móng tay của trẻ để gây trầy xước da khi trẻ cào gãi. Còn đối với trẻ sơ sinh thì nên cho trẻ đeo bao tay, đặc biệt là vào ban đêm vì trong lúc ngủ, trẻ thường vô thức dùng tay gãi lên mặt. Ngoài ra, giữ vệ sinh tay của trẻ thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn thông dụng.
3. Tắm nước lá cho trẻ
Theo y học dân gian, việc dùng các loại dược liệu lành tính có trong tự nhiên như lá ổi, lá khế, lá trầu không, lá chè xanh… là một trong những mẹo chữa bệnh chàm sữa hiệu quả và dễ thực hiện. Hầu hết các loại lá trên đều chứa những hoạt chất có khả năng chống viêm, sát khuẩn tốt, hỗ trợ làm lành vết thương trên bề mặt da do chàm sữa gây ra.
Cách thực hiện chung khi nấu nước tắm lá cho trẻ:
- Chuẩn bị lá (tùy loại) với lượng từ 100 – 200g. Lưu ý chọn lá tươi, không dập nát. Có thể ngâm vào nước muối pha loãng để loại bỏ vi khuẩn, bụi bẩn bám trên lá.
- Đun sôi nồi nước 3 lít, cho lá vào nấu cho đến khi nước ngả màu thì tắt bếp.
- Lọc lấy nước lá đổ ra thau, đợi cho nguội bớt hoặc pha thêm nước vào để nước ấm lại. Lưu ý chỉ thêm nước sạch hoặc nước đun sôi để nguội để đảm bảo ngừa khuẩn tuyệt đối.
- Khi nước ấm lại thì dùng để tắm cho trẻ hoặc dùng khăn thấm nước lá lau rửa.
4. Sử dụng thuốc Tây
Thuốc bôi kháng khuẩn, chống nấm, ức chế hệ miễn dịch hay kem dưỡng ẩm… là cách xử lý nhanh chóng triệu chứng chàm da khó chịu cho trẻ. Biện pháp này thường được các chuyên gia chỉ định áp dụng khi bệnh không thuyên giảm sau một thời gian chăm sóc tại nhà.
Một số loại thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị bệnh chàm da như:
- Thuốc bôi kháng khuẩn, chống nấm: Loại thuốc phổ biến nhất là thuốc bôi chứa thành phần corticosteroid. Thuốc có tác dụng diệt nấm, tiêu viêm, tạo ra lớp màng bảo vệ ngăn không cho vi khuẩn, nấm men, bụi bẩn tiếp xúc với làn da. Từ đó cải thiện hiệu quả tình trạng ngứa ngáy, đau rát, sưng đau…
- Kem dưỡng ẩm: Nếu như thuốc bôi giúp tiêu diệt các ổ khuẩn thì kem dưỡng ẩm có tác dụng cấp ẩm nhanh, giảm khô da, bong tróc và ngứa ngấy hiệu quả

Hiện nay, trên thị trường có một số dòng kem bôi trị chàm vừa có tác dụng kháng khuẩn vừa giúp dưỡng ẩm như: CeraVe Eczema Soothing Creamy Oil, Dexeryl, Dermalex, Aveeno Baby…
Đối với những trẻ bị chàm với các triệu chứng như mụn nước đã vỡ, rỉ dịch và đóng vảy trên da nên kết hợp sử dụng các loại thuốc có tác dụng mạnh hơn như: dung dịch thuốc tím 1%, thuốc kháng sinh (Tetracylin hoặc Erythromycin), thuốc kháng Histamine, thuốc Corticosteroid liều thấp…
Lưu ý: Đối với các loại thuốc Tây dạng bôi bố mẹ cần tuân thủ liều dùng, tránh lạm dụng quá mức để đề phòng tác dụng phụ. Điều trị bệnh chàm sữa cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chỉ nên sử dụng các nhóm thuốc này, tránh tự ý cho trẻ dùng thuốc dạng uống khi chưa có sự cho phép của bác sĩ.
5. Giữ vệ sinh làn da của bé
Tắm rửa và vệ sinh thân thể cho bé là việc làm hằng ngày không được bỏ qua, nhất là đối với những đứa trẻ đang mắc bệnh chàm. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên tắm ngày 2 lần, mỗi lần tắm khoảng 7 – 10 phút, không được cho trẻ tắm quá lâu để tránh nhiễm bệnh.
Pha nước tắm cho trẻ với nhiệt độ vừa phải từ 35 – 38 độ, kiểm tra lại sao cho không quá nóng, không quá lạnh để tránh gây kích ứng làn da, tăng nặng triệu chứng bệnh chàm. Ưu tiên sử dụng những sản phẩm sữa tắm lành tính, dịu nhẹ, chiết xuất từ tự nhiên để hạn chế tối đa gây kích ứng cho làn da của trẻ.
Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp quý bạn đọc có lời giải đáp chính xác về vấn đề “Bệnh chàm sữa có chữa khỏi được không?” và các biện pháp điều trị chăm sóc đúng cách. Những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, nếu trong quá trình điều trị xảy ra vấn đề bất thường, bố mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị bằng phương pháp khác phù hợp hơn.
Có thể bạn quan tâm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!