Đĩa đệm là bộ phận nằm giữa các đốt sống, được cấu tạo từ 2 phần là vỏ bao xơ bên ngoài và nhân nhầy bên trong. Bộ phận này đảm nhận nhiệm vụ co giãn, giúp các đốt xương hoạt động trơn tru, tránh các khớp xương cọ xát vào nhau dẫn đến tổn thương.
Thoát vị đĩa đệm (tên tiếng Anh là Herniated Disc) là hiện tượng lớp bao xơ bị rách khiến cho lớp nhân nhầy bên trong đĩa đệm cột sống dịch chuyển ra khỏi vị trí vòng sợi, gây chèn ép lên các rễ thần kinh xung quanh cột sống. Tình trạng đĩa đệm bị thoát bị vị có thể xảy ra ở một hoặc nhiều đĩa đệm trên cùng một cột sống tại một thời điểm nhất định.
Bệnh thoát vị đĩa đệm được chia làm 2 dạng phổ biến gồm: thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng và thoát vị đĩa đệm cổ. Mỗi dạng bệnh có các triệu chứng điển hình như sau:
- Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: Đây là tình trạng lớp nhân nhầy ở vùng đĩa đệm bị thoát ra ngoài thông qua vết rách trên vỏ bao xơ. Từ đó gây chèn ép lên các rễ thần kinh, tủy sống cùng nhiều cơ quan khác khiến người bệnh chịu nhiều đau đớn, khó chịu. Trong đó, phải kể đến một số vị trí cột sống thắt lưng dễ bị thoát vị nhất là:
- Thoát vị đĩa đệm L4 L5: Đốt sống L4, L5 là những đốt sống nằm ở vị trí thấp nhất trong cột sống thắt lưng, có nhiệm vụ đảm bảo chức năng nâng đỡ trọng lượng cơ thể. Chính vì phải chịu áp lực tải trọng lớn, nhất là khi bị tác động mạnh chấn thương càng khiến đĩa đệm dễ bị thoát vị.
- Thoát vị đĩa đệm L5, S1: Đốt sống lưng L5 nằm ngay vị trí thứ 5 còn S1 nằm ở vị trí xương cùng thứ nhất trên cột sống. Đoạn cột sống này được xem là điểm tựa chính của cột sống. Chính vì vậy, nếu gặp bất kỳ tổn thương nào sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến tình trạng đĩa đệm.
- Thoát vị đĩa đệm cổ: Đây là tình trạng đĩa đệm giữa của các đốt sống cổ rỉ dịch, phình to lên và tách rời khỏi vị trí ban đầu. Từ đó làm bùng phát các triệu chứng đau nhức, hạn chế cử động do sự chèn ép của các đĩa đệm lên dây thần kinh. Bệnh không gây ảnh hưởng đến tính mạng nhưng có thể gây liệt nửa người cùng nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Bệnh thoát vị đĩa đệm thường phát triển qua 4 giai đoạn chính gồm:
- Giai đoạn phình đĩa đệm
Đây là giai đoạn đầu tiên sau khi hình thành thoát vị đĩa đệm, ở giai đoạn này các triệu chứng thường rất mờ nhạt nên rất khó để phát hiện bệnh tại thời điểm này. Phình đĩa đệm là tình trạng đĩa đệm phình to và có kích thuốc lớn hơn so với kích thước ban đầu.
Tình trạng này gây ảnh hưởng và suy giảm chức năng đĩa đệm, tùy vào mức độ phình to mà đĩa đệm có thể chèn ép lên rễ dây thần kinh nhiều hay ít. Từ đó gây ra những cơn đau thần kinh khó chịu, tuy nhiên cơn đau ở giai đoạn này thường dễ nhầm lẫn với triệu chứng đau lưng thông thường.
- Giai đoạn lồi đĩa đệm
Sau khi phình to đĩa đệm bắt đầu chuyển sang giai đoạn lồi. Biểu hiện với một số triệu chứng như đau lưng cục bộ, cơn đau có thể rất dữ dội nếu đĩa đệm chèn ép quá mức lên dây thần kinh. Trong giai đoạn này, cơn đau nhức có khả năng lây lan, bắt đầu từ lưng và lan dần xuống hông, hai chân.
Kèm theo đó là tình trạng lớp nhân nhầy thoát ra ngoài với số lượng lớn gây ra những cơn đau nhức khó chịu ở chân. Nếu bệnh tiến triển đến giai đoạn này nhưng không được điều trị kịp thời sẽ khiến người bệnh gặp vấn đề trong việc di chuyển, có thể lệch sang trái hoặc phải, vừa mất thẩm mỹ vừa gây khó khăn cho việc vận động.
- Giai đoạn thoát vị đĩa đệm thực thụ
Đến giai đoạn này, lớp vỏ bao xơ bên ngoài đã bị nứt rách hoàn toàn, tạo điều kiện cho lớp nhân nhầy và các tổ chức khác thoát ra ngoài. Tuy nhiên, chúng vẫn còn bám dính với nhau tạo thành một khối, khối này đè ép lên các rễ dây thần kinh và gây ra đau nhức dữ dội, tê bì chân tay khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc vận động.
Các chuyên gia đánh giá thoát vị thực thụ là giai đoạn tương đối nguy hiểm, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều tổn thương nghiêm trọng không thể phục hồi.
- Giai đoạn thoát vị đĩa đệm có mảnh rời
Ở giai đoạn này cơ thể người bệnh sẽ biểu hiện rất rõ thông qua các triệu chứng như nhắc đến ở phần trên. Nguyên nhân là do nhân nhầy đã thoát hết ra ngoài, tách rời hoàn toàn gây chèn ép lên các rễ dây thần kinh, từ đó gây đau nhức, khó chịu cho người bệnh.
Thậm chí, trong những trường hợp nghiêm trọng bệnh diễn tiến nặng không được điều trị có thể dẫn đến teo cơ, liệt cơ, mất khả năng kiểm soát việc đại, tiểu tiện, suy giảm khả năng vận động, thậm chí là tàn phế.
Trên đây là 4 giai đoạn cơ bản của bệnh thoát vị đĩa đệm, người bệnh cần chú ý ý quan sát và phát hiện sớm để chủ động điều trị tích cực, phòng ngừa biến chứng và giảm thiểu chi phí tối đa cho việc chạy chữa.