Bệnh gout hay còn gọi là gút, thấp phong là một trong những bệnh lý xương khớp ngày càng phổ biến hiện nay. Theo đó, bệnh hình thành là do quá trình rối loạn chuyển hóa nhân purin làm cho nồng độ acid uric trong máu tăng. Lâu dần, các tinh thể muối urat natri tích tụ lại, lắng động tại các mô và gây viêm, đau xương khớp.
Bệnh gout là dạng viêm khớp phổ biến, gây ra nhiều đơn đớn cho bệnh nhân. Vị trí bị tổn thương thường là khớp ngón tay, chân, đầu gối. Không chỉ gây đau, các khớp còn bị sưng đỏ, hạn chế di chuyển, vận động. Theo thống kê, hiện nay trên thế giới có khoảng 35% dân số phải sống chung với chứng bệnh viêm khớp, trong đó có gout.
Gút thuộc dạng viêm khớp vi tinh thể, bùng phát các đợt viêm khớp cấp, tái phát thường xuyên. Tỷ lệ người bệnh là nam giới cao hơn so với nữ giới, độ tuổi trung bình từ 40 - 60 tuổi có nguy cơ cao. Hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân mắc gout trẻ hóa dần, người từ 30 tuổi đã có nguy cơ vướng phải chứng bệnh này.
Bệnh diễn biến theo các giai đoạn. Mỗi giai đoạn triệu chứng sẽ nặng dần. Phát hiện ở giai đoạn càng sớm, tỷ lệ điều trị khỏi càng cao. Dưới đây là các giai đoạn tiến triển của bệnh, bạn đọc cần lưu ý:
- Giai đoạn 1: Bệnh không gây triệu chứng:
Ở giai đoạn này, nồng độ axit uric trong máu bắt đầu có dấu hiệu thay đổi, mặc dù tăng tuy nhiên vẫn còn trong tầm kiểm soát. Do đó, gần như người bệnh chưa nhận thấy các triệu chứng bất thường nào xuất hiện. Một số trường hợp bệnh nhân sau khi mắc phải sỏi thận mới bắt đầu cảm nhận được sự bất thường đầu tiên do bệnh gout gây ra.
- Giai đoạn 2: Bệnh bùng phát cấp tính:
Các triệu chứng xảy ra đột ngột, nhất là vào ban đêm nhiệt độ môi trường giảm thấp hoặc sau khi người bệnh uống rượu bia. Cơn đau đớn xuất hiện dữ dội, kèm theo hiện tượng sưng đỏ khớp, đặc biệt là khu vực khớp ngón tay, chân, mắt cá chân và đầu gối. Ngoài ra, một vài khớp khác cũng bị ảnh hưởng. Cơn đau cấp tình thường xảy ra trong khoảng 4 - 10 ngày.
- Giai đoạn 3: Bệnh kéo dài:
Người bệnh có thể trải qua nhiều đợt bùng phát cấp tính trong một năm đến vài năm. Ở giai đoạn bệnh kéo dài, người bệnh không nhận thấy khớp bị sưng hoặc đau như các giai đoạn ban đầu. Các triệu chứng nhẹ dần trong vài tháng sau đó tiếp tục bùng phát một đợt cấp tính khác.
Mặc dù đau và sưng khớp không xảy ra, tuy nhiên ở giai đoạn này nếu không điều trị, người bệnh có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm, bệnh có khả năng tái phát nhiều lần.
- Giai đoạn 4: Bệnh chuyển thành mãn tính:
Từ các đợt bùng phát cấp tính liên tục, kéo dài, người bệnh có khả năng đối mặt với nguy cơ mắc bệnh gút mãn tính. Ở giai đoạn này, sự lắng đọng axit uric nhiều hơn, hình thành các nốt được gọi là hạt tophi, chúng tập trung tại ngón chân cái, khuỷu tay hoặc các bộ phần khác trên cơ thể.
Người bệnh sẽ cảm nhận được các cơn đau nhức mãn tính khó chịu. Đây là hệ lụy do việc chủ quan, không điều trị bệnh trong nhiều năm liền. Tổn thương khi phát triển mạnh phải dùng thuốc kiểm soát. Trường hợp trì hoãn điều trị, tình trạng gout nghiêm trọng đe dọa sức khỏe, khả năng vận động của người bệnh.